Tiếng Việt | English

13/09/2023 - 09:08

Tận dụng vỏ chai nhựa làm bè trồng rau thủy sinh

Sau một thời gian chế tạo, mô hình bè nổi trồng rau thủy sinh làm từ chai nhựa của Hội Nông dân và UBND phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đã hoàn thiện. Mô hình này được kỳ vọng góp phần lọc nước ô nhiễm tại các kênh, rạch và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị.

Tận dụng các loại vỏ chai nhựa làm bè trồng rau thủy sinh, góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Tận dụng diện tích mặt nước ao, hồ, kênh, rạch sẵn có, mỗi bè được gia cố bằng các loại vỏ chai nhựa, sau đó bao bọc bằng lưới, dùng ống nước làm khung và được cố định với bờ. Sau đó, vớt lục bình có sẵn trên mặt hồ phơi khô, ủ với các loại phân hữu cơ, đắp lên bè và gieo hạt trồng các loại rau màu như dưa leo, cà chua, bí đao, bí đỏ, bầu, mướp, cải bẹ xanh,...

Mỗi bè sử dụng khoảng 15kg chai nhựa và 60kg lục bình đã ủ mục. Thông qua bộ rễ, các loại rau màu sẽ lọc nước liên tục, góp phần cải thiện nguồn nước. Việc trồng rau trên bè nổi giúp cách ly được khoảng 80% các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại, bảo đảm chất lượng rau. Nhờ độ ẩm cao nên thời gian thu hoạch rau ngắn hơn trồng trên đất.

Trồng rau theo hệ thống thủy sinh còn cho năng suất cao. Việc tận dụng các nguyên liệu có sẵn như vỏ chai nhựa và cây lục bình tạo nên mô hình phát triển kinh tế hay, hiệu quả, vừa góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, vừa giúp nông dân sản xuất rau sạch, có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn phục vụ người tiêu dùng. Việc sử dụng nguồn phân bón hữu cơ từ cây lục bình ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng còn giúp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Từ mô hình này, địa phương khuyến khích người dân tận dụng những hầm đất đã khai thác trước đây hoặc những vùng trũng thấp, ngập nước quanh năm để làm bè trồng rau sạch, vừa cải thiện bữa ăn gia đình lại tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, người dân phải nghiên cứu kỹ để bảo đảm an toàn trong quá trình trồng và kết nối với các đại lý, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho rau./.

Tuấn Hùng

Chia sẻ bài viết