Mang lại hiệu quả kinh tế
Cây thanh long bắt đầu được trồng nhiều trên địa bàn huyện Tân Trụ cách đây 3-4 năm, tập trung chủ yếu ở một số xã: Đức Tân, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Mỹ Bình,... Nông dân ở những xã này trồng thanh long để thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Bình, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, cho biết: “Muốn cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân phải tuân theo sự hướng dẫn, khuyến cáo của các ngành chức năng, biết học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các hộ trồng thanh long. Nếu trồng đúng kỹ thuật, biết cách chăm sóc, xử lý thì hiệu quả kinh tế cây thanh long mang lại rất lớn. Nông dân có thể làm giàu nhờ xử lý thanh long cho trái nghịch mùa. Gia đình tôi có 0,5ha đất trồng thanh long ruột đỏ, bình quân mỗi vụ, sau khi trừ chi phí, lãi vài chục triệu đồng”.
Tân Trụ tập trung xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao
Còn ông Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, chia sẻ: “Vài tháng gần đây, giá thanh long tăng cao, nhà vườn rất phấn khởi. Với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg thanh long ruột trắng và 55.000-60.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, nếu giữ ổn định và dao động nhẹ ở mức này thì nhà vườn có lãi cao”.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Mỹ Bình - Hoàng Đình Thượng cho biết: “Không chỉ trong vụ mùa, giá thanh long tăng cao, ổn định trong mấy tháng qua như vậy là rất hiếm. Chỉ cần vài vụ như thế, các xã viên sẽ khá lên từ loại cây trồng này”.
Xây dựng vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng cho biết: “Huyện đang xây dựng mô hình điểm trồng thanh long theo hướng VietGAP bằng phương pháp canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng công nghệ tưới phun kết hợp tưới nhỏ giọt; liên kết với doanh nghiệp nhằm tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và tăng thu nhập. Đến năm 2020, huyện phấn đấu có 20ha trồng thanh long theo hướng VietGAP; xây dựng 2 tổ hợp tác (THT) thanh long VietGAP, bảo đảm sản phẩm thanh long của 2 THT này đạt chứng nhận an toàn; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và bao tiêu sản phẩm của các THT”.
Từ những kết quả, huyện xây dựng 2 mô hình trồng thanh long theo hướng VietGAP ở 2 xã: Quê Mỹ Thạnh và Đức Tân với quy mô 0,5ha/điểm, thường xuyên cập nhật để hoàn thiện quy trình tưới nước phù hợp với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây thanh long. Từ đó làm cơ sở cho những nơi khác tham quan, học tập và quảng bá, ứng dụng trong địa bàn toàn huyện.
Theo một số nhà vườn huyện Tân Trụ, thanh long khá thích nghi với thổ nhưỡng của vùng đất này. Nếu nông dân biết cách xử lý đất, bón phân và chăm sóc theo khuyến cáo của ngành chức năng thì năng suất, chất lượng không thua kém các vùng khác trên địa bàn tỉnh. Từ sự thích nghi này, nhiều nông dân ở các xã: Đức Tân, Quê Mỹ Thạnh, Mỹ Bình,... chọn thanh long làm cây trồng chủ lực, tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc cho biết: “Theo định hướng chung của huyện, cây thanh long sẽ dần thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Các ngành chức năng huyện sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nông dân an tâm sản xuất, phát triển cây thanh long trong những năm tiếp theo. Theo lộ trình cũng như Nghị quyết của Huyện ủy, đến năm 2020, phấn đấu đưa diện tích thanh long chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 20ha. Vì thế, ngành nông nghiệp huyện có những giải pháp cụ thể để phát triển cây trồng này”.
Từ hiệu quả kinh tế cây thanh long mang lại trên vùng đất Tân Trụ, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh tổ chức hội thảo, các lớp tập huấn nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp thông tin về những chính sách liên quan để người dân an tâm, gắn bó với cây trồng triển vọng này./.
Song Hồng