Tiếng Việt | English

08/01/2020 - 11:55

Tăng đối thoại, giảm vướng mắc - Bài 1: Gần dân, sát dân

Những năm gần đây, người dân không còn xa lạ với việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đối thoại trực tiếp với nhân dân. Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề bức xúc, vướng mắc của các địa phương đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Đối thoại là cách vận động quần chúng linh hoạt, hiệu quả, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền sâu sát với cơ sở, nhân dân hơn, từ đó, tạo sự đồng thuận của người dân, là cầu nối thể hiện “ý Đảng, lòng dân”.

Chọn những vấn đề bức xúc

Bác Hồ từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, ngày nay, cán bộ lãnh đạo thường xuyên đi cơ sở để nắm tình hình địa phương cũng như những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong nhân dân. Nhiều cuộc đối thoại giữa bí thư cấp ủy, lãnh đạo chính quyền với người dân được tổ chức mang lại hiệu quả. Từ đó, làm cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng “xích lại” gần nhau hơn, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) - Hồ Duy Tâm đối thoại với người dân Khu dân cư - tái định cư Lợi Bình Nhơn về nước kém chất lượng 

Nhiều năm gắn bó với xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An, Bí thư Đảng ủy xã - Mai Thanh Trúc và Chủ tịch UBND xã - Hồ Duy Tâm hiểu rõ về cuộc sống người dân nơi đây. Nhờ thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với nhân dân, một số vấn đề từ cơ sở do người dân phản ánh được chính quyền ghi nhận. Chị Huyền My - người dân ấp Bình An, kể: “Trước đây gia đình tôi sinh sống ở phía sau Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn. Sau này, một số công ty hoạt động vì sợ mất an ninh, trật tự nên đã chặn lối đi này, gia đình tôi và các hộ dân lân cận rất bức xúc. Chúng tôi kiến nghị với chính quyền. Xã tổ chức đối thoại với các hộ dân và đại diện doanh nghiệp. Bây giờ, lối đi phía sau cụm công nghiệp được mở rộng và đal hóa. Người dân rất phấn khởi”. 

Trước đây, người dân Khu tái định cư Lợi Bình Nhơn rất bức xúc về tình trạng nước sinh hoạt kém chất lượng. Mặc dù hiện nay, chính quyền vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề trên nhưng địa phương cũng có nhiều cố gắng, thể hiện qua việc tổ chức đối thoại giữa các hộ dân sinh sống trong khu tái định cư với đại diện Công ty Lainco (đơn vị cung cấp nước). Tại cuộc đối thoại gần đây, người dân có những kiến nghị trực tiếp với đại diện công ty để tìm giải pháp sớm khắc phục.

Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Hồ Duy Tâm nói: “Hiểu và chia sẻ với những vướng mắc, phản ánh của người dân, năm 2019, xã chọn nội dung này để đối thoại trực tiếp. Chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề rất cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì vậy, để người dân có thể dự đầy đủ, chúng tôi tổ chức cuộc đối thoại vào buổi tối. Tại đây, dưới sự chủ trì của lãnh đạo địa phương, nhiều lượt ý kiến của người dân được ghi nhận và phía công ty cũng hứa sẽ khắc phục”. 

Gắn liền với cuộc sống người dân

Chúng tôi đến xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An được nghe người dân nơi đây kể một số việc làm được từ cuộc đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy - Phạm Văn Bốn với người dân các xã vùng thượng về “giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình”.

Bà Đoàn Thị Kim Xinh - người dân ấp Ngoài, kể, dự đối thoại, người dân có ý kiến trực tiếp với Bí thư Huyện ủy về những vấn đề liên quan đến rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường như tình trạng vứt rác bừa bãi của người đi đường trên Đường tỉnh 835B; vấn đề xe lấy rác không vào tận nhà dân ở những tuyến đường nhỏ, làm rác tồn đọng,... Qua cuộc đối thoại, chính quyền địa phương ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của người dân để khắc phục. Người dân thì tự nguyện tham gia xóa các bãi rác tự phát trên đoạn đường này.

Hàng tuần, người dân còn tham gia vệ sinh và trồng cây xanh trên tuyến đường. Không những vậy, bà Xinh cũng như các hộ dân lân cận sau khi được hướng dẫn đã tiến hành phân loại rác tại nguồn. Với những loại rác hữu cơ, gia đình bà đem ủ làm phân bón, còn lại rác thải thông thường thì đốt tại lò đốt rác của hộ gia đình. Bà nhận thấy, sau đối thoại, một số vấn đề vướng mắc đã được giải quyết, cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, góp phần cùng chính quyền xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Cần Đước chọn vấn đề nuôi gà tại xã Tân Lân để đối thoại, mở ra hướng đi mới cho chăn nuôi tại địa phương

Tại huyện Cần Đước, gần đây nhất, địa phương chọn nội dung gần gũi với cuộc sống người dân để đối thoại tại xã Tân Chánh. Theo ông Nguyễn Tiến Trung, tại cuộc đối thoại, người dân kiến nghị với Bí thư Huyện ủy cũng như ngành chức năng về việc quy hoạch, mở rộng một số tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống hạ tầng khép kín tuyến đê bao sông Vàm Cỏ - Cần Đước, Vàm Mương. Bên cạnh đó, người dân kiến nghị huyện đầu tư nâng cấp hệ thống điện ba pha, nạo vét sông, rạch, tạo thuận lợi cho người dân nuôi tôm.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết, mỗi năm, huyện chọn chủ đề thích hợp, xác đáng để tập trung đối thoại. Gần đây là những vấn đề liên quan đến tình hình thực hiện các nghị quyết của Huyện ủy, vướng mắc trong phát triển KT-XH địa phương. Điển hình như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gà tại xã Tân Lân; hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng đô thị văn minh; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nuôi tôm tại Tân Chánh,…

Củng cố lòng tin của nhân dân

Nhắc đến hiệu quả công tác đối thoại với nhân dân, không thể không kể đến phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An. Như một “kỳ tích” sau hơn 12 năm thành lập phường, nhờ làm tốt công tác đối thoại, địa phương này đã mở rộng, bêtông hóa đường giao thông nông thôn tại khu phố An Thuận 1. Theo UBND phường 7, con đường này trước đây nhỏ, chỉ rải đá xanh. Những hộ dân sinh sống gần đó lại trông chờ Nhà nước bỏ vốn đầu tư nên không đồng tình hiến đất, góp tiền để nâng cấp. Những năm qua, nhiều đoàn cán bộ đến tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa nhận được cái gật đầu của người dân.

Nhờ làm tốt công tác đối thoại với nhân dân, đường đal tại Khu phố An Thuận 1, phường 7 được xây dựng năm 2018 sau 12 năm thành lập phường

Không nản lòng, năm 2018, lãnh đạo phường tiếp tục kiên trì giải thích cho người dân về lợi ích của việc mở đường, sự chung tay cùng với phường để góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, từ đó người dân thay đổi cách nghĩ, chung tay thực hiện. Với việc đổi mới trong công tác vận động, “những nút thắt” từng bước được tháo gỡ. Hiện tại, con đường có kinh phí hơn 500 triệu đồng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được tráng bêtông rộng rãi, thuận lợi cho các phương tiện khi lưu thông qua đây.

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, đặc biệt là ở địa phương như TP.Tân An thì việc vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình càng thêm khó khăn. Đường Vành đai thành phố và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây là công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Công trình này ảnh hưởng hơn 1.600 hộ dân, từ khi triển khai gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Suốt thời gian dài, công trình này “giậm chân tại chỗ” do thiếu hụt nguồn vốn và người dân không đồng tình với phương án giải tỏa, đền bù.

Theo Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân, sau nhiều lần đi cơ sở, tiến hành nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương, kể cả sự vào cuộc của MTTQ và các hội, đoàn thể, công trình vừa được khởi công đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Phạm Văn Ngô (phường Tân Khánh) và đoạn đường Phan Văn Tuấn nối Nguyễn Tấn Chính (xã Lợi Bình Nhơn, phường Khánh Hậu và một phần phường Tân Khánh). Dù còn nhiều khó khăn cần tiếp tục giải quyết nhưng đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền thành phố năm 2019, trong đó có vai trò quan trọng từ công tác đối thoại./.

(còn tiếp)

Kỳ Nam - Nguyệt Nhi

Bài 2: Tạo sự đồng thuận

Chia sẻ bài viết