Tiếng Việt | English

09/01/2020 - 11:37

Tăng đối thoại, giảm vướng mắc - Bài 2: Tạo sự đồng thuận

Những năm gần đây, người dân không còn xa lạ với việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đối thoại trực tiếp với nhân dân. Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề bức xúc, vướng mắc của các địa phương đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.

Thực tế cho thấy, ở nơi nào những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quan tâm, tăng cường đối thoại với nhân dân, thì nơi đó các vướng mắc, phát sinh sẽ giảm, người dân đồng thuận và tích cực tham gia cùng với địa phương trong phát triển KT-XH.

Đối thoại - “kênh” dân vận khéo

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, muốn được dân tin Ðảng, tin chính quyền, người lãnh đạo, quản lý cần dân chủ, tôn trọng dân, khéo vận động dân. “Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” là việc làm thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian qua.

Trạm dừng chân Chợ nông sản Thạnh Hóa nay khang trang hơn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Khoảng giữa năm 2019, Trạm dừng chân Chợ nông sản Thạnh Hóa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) chính thức đi vào hoạt động với diện mạo văn minh, sạch đẹp hơn, không còn tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh như trước đây. Để làm được điều này không phải dễ dàng mà đó là sự nỗ lực trong thời gian dài của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Bởi chợ nông sản lúc này đang buôn bán rất thuận lợi, một số tiểu thương không muốn di dời vì tốn kém chi phí và vào trong sẽ khó buôn bán hơn.

Như báo chí đã phản ánh và đại biểu HĐND tỉnh cũng từng kiến nghị rất nhiều lần trong các kỳ họp HĐND tỉnh, gần đây nhất là tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp lệ cuối năm 2018), HĐND tỉnh khóa IX, đại biểu Trương Ngọc Toàn (Tổ đại biểu huyện Thạnh Hóa) đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chấn chỉnh và định hướng để chợ nông sản phát triển, văn minh, bền vững. Những năm qua, mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thạnh Hóa rất quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện chủ trương di dời, lập lại trật tự buôn bán tại khu chợ này nhưng chưa được nhiều tiểu thương hưởng ứng.

Từ thực tế trên, đầu năm 2019, chính quyền thị trấn Thạnh Hóa tổ chức đối thoại với nhân dân để “tìm tiếng nói chung” trong việc di dời các hộ tiểu thương vào nơi buôn bán tập trung tại điểm bán hàng nông sản khu phố 3. Trong cuộc tiếp xúc, đối thoại, ngoài việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như các kiến nghị của tiểu thương, chính quyền địa phương đã phân tích, giải thích cho tiểu thương hiểu về sự cần thiết khi phải di dời chợ. Qua đối thoại, đa số người dân và tiểu thương phấn khởi, đồng tình ủng hộ phương án di dời chợ của lãnh đạo địa phương và các ngành đề xuất.

Hiện nay, chợ nông sản nhếch nhác ngày nào trở thành trạm dừng chân được đầu tư từng bước hoàn thiện. Các hộ kinh doanh đã di dời vào khu vực bên trong, bảo đảm mỹ quan và trật tự, an toàn giao thông. Tiểu thương Bùi Thị Huyền Dung, chia sẻ: “Thời gian đầu, việc buôn bán cũng gặp một số khó khăn nhưng nay mọi thứ đã ổn định. Chợ được bố trí nhiều thùng chứa rác nên không còn tình trạng tiểu thương để rác thải bừa bãi, vệ sinh môi trường được cải thiện hơn trước rất nhiều. Chủ đầu tư còn cho lắp camera giám sát an ninh, trật tự nên chúng tôi rất yên tâm”.

Được biết, các tiểu thương đều đã ký cam kết không vi phạm buôn bán các loài động vật hoang dã bị cấm theo quy định. Chi cục Kiểm lâm đặt các bảng tuyên truyền về quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã nhằm nâng cao nhận thức của tiểu thương và người dân về bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài quý hiếm. Địa phương và các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh cách sử dụng thảm nệm lót (thảm sinh học), tạo điều kiện để các hộ buôn bán động vật nuôi thay cho động vật hoang dã, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra đột xuất để xử lý vi phạm hành chính.

“Mềm hóa” thủ tục hành chính

Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP.Tân An, tỉnh Long An - Lê Công Đỉnh với người dân thành phố trong những tháng cuối năm 2019 về chủ đề giải quyết thủ tục hành chính, người đứng đầu chính quyền thành phố lắng nghe những chia sẻ, góp ý của người dân để chính quyền ngày càng gần dân hơn. Trong đó, có một câu chuyện ý nghĩa, cảm động về sự giải quyết thỏa đáng đối với vướng mắc của một hộ gia đình. Đó là trường hợp của bé M., ngụ phường 1, TP.Tân An.

Đối thoại với nhân dân giúp chính quyền gần dân hơn (Trong ảnh: Công chức bộ phận “một cửa” hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân)

Tại cuộc đối thoại, một người dân sống gần gia đình bé M. kiến nghị: “Gia đình bé M. rất khó khăn. Ba mẹ bé trước đây về sống chung với nhau, không tổ chức đám cưới và cũng không đăng ký kết hôn. Khi bé vừa chào đời chưa được bao lâu, người mẹ bỏ đi, để lại bé cho ba và bà nội chăm sóc. Ba của M. mắc bệnh hiểm nghèo, anh rất muốn làm giấy khai sinh cho bé, đứng tên giấy tờ là ba hợp pháp của bé nhưng theo quy định hiện hành, cán bộ Tư pháp phường 1 không thể tiến hành làm khai sinh cho bé vì vướng quy định. Chúng tôi là những người sinh sống gần gia đình bé, hiểu hoàn cảnh bà cháu bé rất khó khăn nhưng đành bất lực”.

Trưởng phòng Tư pháp thành phố - Nguyễn Thị Hoa khi đó giải thích, kể từ ngày 15/11/2015, theo quy định tại khoản 3, Điều 15 Nghị định 123 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, các cặp vợ chồng khi chưa làm giấy đăng ký kết hôn hoặc các người bố đơn thân mà muốn làm giấy khai sinh cho con, thì phải có “văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con”. Khi đó, giấy xét nghiệm ADN của Trung tâm Xét nghiệm và phân tích ADN chính là văn bản đầy đủ tính hiệu lực để thực hiện việc làm khai sinh cho bé.

Lắng nghe trao đổi giữa các bên, Chủ tịch UBND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho rằng, theo luật, cán bộ tư pháp giải thích như vậy là đúng nhưng chưa “thấu tình”. Ở đây, hoàn cảnh gia đình bé M. thiếu thốn nên việc tiến hành xét nghiệm ADN rất khó thực hiện. Ông chỉ đạo sau cuộc làm việc, Trưởng phòng Tư pháp thành phố phải có hướng dẫn cụ thể, trực tiếp đối với gia đình bé, xem xét những yếu tố khả thi, có hướng giúp đỡ để bé M. sớm được cấp giấy khai sinh, bảo đảm quyền lợi của trẻ em.

Hiểu để lo cho dân

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết: “Với mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, UBND xã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, các ngành, MTTQ và các đoàn thể thực hiện hiệu quả công tác vận động. Một khi người dân đã “thông” về tư tưởng thì mọi việc mới có thể tiến hành thuận lợi. Vì vậy, với những nội dung cần tập trung thực hiện, xã tổ chức đối thoại trực tiếp để nhân dân được đóng góp ý kiến công khai, dân chủ”.

Hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của xã Hòa Phú không ngừng được đầu tư, nâng cấp

Theo ông Bùi Văn Hòn, hơn 3 năm trước, trên địa bàn xã có 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng tỷ lệ người dân có nước sạch để sinh hoạt còn rất thấp. Tuy nhiên, chi phí cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch là rất lớn, lên đến hàng tỉ đồng, trong khi một bộ phận người dân chưa nhận thức được lợi ích khi nâng cấp hệ thống lắng lọc nước cũng như tác hại của việc sử dụng nước nhiễm tạp chất trong thời gian dài nên chưa đồng thuận với việc đầu tư.

Để người dân hiểu và thực hiện theo chủ trương, bản thân ông Hòn và các đồng chí lãnh đạo địa phương thường xuyên đi cơ sở để bàn bạc, giải thích với dân. Đặc biệt, tại hội nghị đối thoại về việc nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch, với việc phân tích “thấu tình, đạt lý” và đưa ra giải pháp phù hợp tình hình thực tế, người dân đã đồng tình rất cao với phương án thực hiện của Đảng ủy, chính quyền. Chương trình nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch nhanh chóng được triển khai trên địa bàn toàn xã và thành công ngoài mong đợi.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2017 đến nay, Hòa Phú huy động nguồn vốn trên 11 tỉ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp 6 tỉ đồng) xây dựng 17 đài lắng lọc nước theo Quy chuẩn 02 Bộ Y tế. Hiện tại, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong toàn xã đạt 90%, vượt xa so với chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao và chỉ tiêu nghị quyết Đảng ủy. Anh Lê Minh Khuyên - người dân ấp 1, bày tỏ: “Sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân. Dù chi phí ban đầu cao nhưng hiệu quả lâu dài, tôi thấy việc đầu tư là hợp lý”.

Nhờ làm tốt công tác vận động với nhiều mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả, nhất là duy trì hoạt động đối thoại trực tiếp với nhân dân, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đề ra nhiều công trình, phần việc, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân. Quan trọng nhất là thông qua đối thoại, nhân dân hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho mối quan hệ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương càng thêm khắng khít, bền chặt./.

(còn tiếp)

Kỳ Nam - Nguyệt Nhi

Bài cuối: Để ý đảng hợp lòng dân

Chia sẻ bài viết