Tiếng Việt | English

20/06/2016 - 11:24

Tăng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông

Ngày 26-5-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2016, thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP gồm 5 chương và 82 điều (tăng 4 điều so với Nghị định số 171/2013/NĐ-CP) quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi thực hiện, đồng thời, bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung phù hợp với quy định của các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP và 107/2014/NĐ-CP.

Đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà sử dụng điện thoại di động sẽ bị phạt

Về chế tài xử phạt, Nghị định 46/2016/NĐ-CP điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ, gồm: Nhóm vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, quy tắc giao thông, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mức phạt tiền đối với hành vi của tất cả tài xế ôtô: Từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với trường hợp có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng. Đối với người điều khiển môtô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng. Đây cũng là mức phạt áp dụng với hành vi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h.

Kiểm tra nồng độ người điều khiển môtô

Theo nghị định mới, đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt tiền được tăng cao, từ 500.000-1.000.000 đồng và bổ sung việc tước giấy phép lái xe từ 1-2 tháng thay vì mức 200.000-400.000 đồng trước đây.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ôtô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7-8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng.

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Cụ thể, người đang điều khiển xe sử dụng dù, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) bị phạt từ 100.000-200.000 đồng (mức phạt tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000-80.000 đồng).

Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội nón bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy hoặc đội nón bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật) cũng bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.

Ngoài ra, Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20-50%, 50-100%, 100-150%. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8-12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.

Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự, an toàn giao thông do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém,... Do đó, việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông. Tuy nhiên, làm sao để tăng hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, qua đó kéo giảm vi phạm và tai nạn giao thông mới là điều quan trọng và đúng với tinh thần của Nghị định 46/2016/NĐ-CP mới./.

Ngọc Lan

Chia sẻ bài viết