Tiếng Việt | English

15/06/2021 - 10:05

Tất cả vì những mầm xanh tương lai của đất nước

Trẻ em là tương lai của đất nước, hạnh phúc của mỗi gia đình, lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định được vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, góp phần bồi dưỡng, đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước vừa hồng, vừa chuyên.

Bài 1: Bảo đảm quyền lợi cho trẻ em

Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trợ cấp hàng tháng, miễn, giảm học phí, tặng học bổng, ban hành Luật Trẻ em,... Đây được xem là “chìa khóa” quan trọng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua khó khăn, có điều kiện học tập, vui chơi, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

Hàng năm, ngân sách tỉnh xuất 5 tỉ đồng cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới (Ảnh tư liệu)

Hàng năm, ngân sách tỉnh xuất 5 tỉ đồng cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới (Ảnh tư liệu)

Kịp thời đưa các chính sách ưu đãi đến với trẻ em

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện tỉnh có trên 360.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm trên 19% dân số, trong đó nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gần 3.000 trẻ (136 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; 168 trẻ em bị bỏ rơi; 9 trẻ em không nơi nương tựa; gần 2.500 trẻ em khuyết tật; 11 trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 114 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo); trên 12.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (gần 10.500 trẻ em trong các gia đình nghèo, cận nghèo; gần 650 trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội,…).

Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em: Cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; trợ cấp xã hội hàng tháng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS,…), hàng năm, tỉnh còn xuất ngân sách 5 tỉ đồng chi cho các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể, số tiền 5 tỉ đồng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật, dị tật bẩm sinh, với các chương trình: Vì ánh mắt trẻ thơ, Phẫu thuật nụ cười,...; tổ chức thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em gặp khó khăn đột xuất cần được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nhân dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì trẻ em, Ngày Quốc tế Thiếu nhi,...; hỗ trợ phương tiện đi lại, đồ dùng học tập,…

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Sở LĐ-TB&XH tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng trên 1.260 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí 880 triệu đồng; tặng 80 suất học bổng cho trẻ em bệnh hiểm nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó, số tiền 80 triệu đồng; tặng 100 chiếc xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó của các địa phương, với số tiền 200 triệu đồng; hỗ trợ phẫu thuật tim cho 4 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, số tiền 140 triệu đồng,… Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp còn tặng hơn 4.100 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, với tổng số tiền gần 2,1 tỉ đồng.

Bà ngoại em Hồ Tiền Huy, ngụ ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, nghẹn ngào nói: “Cháu ngoại tôi bị dị tật bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần có người khác chăm sóc. Huy sinh ra không may mắn như bao đứa trẻ khác mà còn chịu cảnh mồ côi cha từ nhỏ, còn mẹ thì đi làm xa, lâu lắm mới về thăm một lần. Chia sẻ khó khăn với gia đình, xã đến nhà làm hồ sơ cho hai bà cháu nhận trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng và người nuôi dưỡng người khuyết tật; đồng thời, thường xuyên tặng quà nhân các dịp lễ, tết. Sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương giúp gia đình tôi vơi bớt một phần khó khăn, có thêm niềm tin về ngày mai tươi sáng hơn”.

Hàng năm, ngân sách tỉnh xuất 5 tỉ đồng cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và biên giới (Ảnh tư liệu)

Tất cả vì những mầm xanh tương lai của đất nước. Ảnh tư liệu

Đưa Luật Trẻ em 2016 vào cuộc sống

Thời gian qua, mặc dù trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm bằng nhiều hình thức nhưng một số vấn đề liên quan đến trẻ em vẫn tồn tại và ngày càng diễn biến phức tạp như bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, bạo lực học đường, lạm dụng sức lao động ở một số ngành nghề, lĩnh vực, tử vong do đuối nước, tai nạn, thương tích,... Xác định được vấn đề này, Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01-6-2017 thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Luật Trẻ em 2016 quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: Quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Song, để đưa Luật Trẻ em 2016 đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ những quyền lợi chính đáng của trẻ em không phải là điều dễ dàng.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Hiện nay, có một số phụ huynh vì thương con quá mà bảo bọc, không cho con có quyền nói lên tâm tư, nguyện vọng của bản thân, hoặc có một số gia đình vì kinh tế khó khăn mà không quan tâm, chăm sóc các con; đồng thời, có những gia đình cho con em mình quá nhiều quyền tự do dẫn đến nhiều vụ xâm hại trên mạng xã hội;… Để thay đổi nhận thức cho người lớn, ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về Luật Trẻ em năm 2016 cho phụ huynh học sinh, cán bộ phụ trách công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; thành lập và nhân rộng các câu lạc bộ quyền trẻ em tại các địa phương; tổ chức diễn đàn trẻ em;…Qua thời gian thực hiện, đến nay, Luật Trẻ em 2016 cơ bản đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em”.

Với sự phát triển của mạng xã hội, trẻ em có nhiều điều kiện để tiếp cận thế giới bên ngoài. Điều này ít, nhiều ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, hành vi ứng xử của trẻ em. Nếu các bậc phụ huynh không quan tâm, định hướng dễ dẫn đến nhiều hệ lụy như bạo lực, nghiện game, mắc bệnh trầm cảm,… Chị Bùi Thị Lan, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết: “Sau khi tham gia các buổi tập huấn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tôi biết được con mình lớn lên trong điều kiện có nhiều khác biệt so với trước, nhất là tương tác với môi trường mạng rất phức tạp. Do đó, tôi luôn quan tâm trang bị thêm kỹ năng, làm bạn cùng con, dạy con đúng cách, góp phần bảo vệ con mình trước tác động tiêu cực của mạng xã hội và Internet”.

Quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em là một việc làm thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Thời gian qua, tỉnh đã và đang làm tốt việc này, trong đó còn có sự đóng góp tích cực từ nguồn xã hội hóa của các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh./.

(còn tiếp)

Bài 2: Xã hội hóa chăm lo cho trẻ em

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết