Tiếng Việt | English

15/01/2023 - 11:30

Tết miệt vườn phương Nam

Cứ gần đến tết, người dân phương Nam lại chuẩn bị ăn tết theo phong tục, tập quán cổ truyền của văn hóa Việt Nam.

Tết phương Nam không thể thiếu hoa, trái. Cây trái ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào cận tết có đủ loại như cam, quýt đường, bưởi, xoài, nhãn,... Các chợ trên bờ, dưới sông cũng bắt đầu nhen nhóm từ ngày 23 tháng Chạp.

Các chợ trên bờ, dưới sông ở phương Nam bắt đầu nhen nhóm từ ngày 23 tháng Chạp (Ảnh: Trần Anh Thắng)

Chớm tết, những nhà vườn bắt đầu cho hoa vào chậu, giỏ để đưa đến chợ bán. Những nghệ nhân khéo tay uốn cây kiểng hình rồng, lân, phụng; có người cho hoa hồng, cúc, vạn thọ, đồng tiền,... vào giỏ bằng tre để đưa đến các chợ miệt thứ. Không biết truyền thống chưng hoa ngày tết có từ bao giờ nhưng tết đến, nhà nào cũng có hoa. Đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống.

Nhà vườn thường trồng trước nhà vài gốc mai vàng, gần tết lại lặt lá cho mai ra hoa. Cây mai vàng cũng được bán ở chợ từ ngày 25, 26 tháng Chạp đến 30 tết. Tại chợ hoa Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), chợ hoa ở Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang,... có những cây mai bán giá vài cây vàng.

Chợ tết Vùng ĐBSCL có lẽ bắt đầu nhộn nhịp từ đêm 25, 26 tháng Chạp, kéo dài cả ngày lẫn đêm, đến trưa 30, ai lại về nhà nấy lo cúng rước ông bà. Đông nhất có lẽ là phiên chợ đêm cuối cùng vào ngày 29 tháng Chạp. Những năm gần đây, các chợ lớn, nhỏ, chợ ở nông thôn đều đầy ắp hàng hóa tết. Hoa, trái đồng bằng lại “lội ngược dòng” về tiêu thụ tại TP.HCM. Bây giờ, không chỉ Long An, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang,... mà khắp nơi đều tổ chức hội chợ. Đây là hình thức giao lưu kinh tế giữa thành thị và nông thôn.

Tết đến với bữa cơm cúng “rước ông bà” vào ngày 30 tháng Chạp. Trong giây phút năm cũ chuyển sang năm mới, thật thiêng liêng biết mấy khi thắp lên bàn thờ tổ tiên một nén hương. Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng với mâm ngũ quả,... thể hiện mong ước năm mới sung túc, bình an,... Có gia đình chọn cặp dưa hấu thật đẹp, thật tròn, dán thêm miếng giấy hồng hình vuông, đặt hai bên lư hương. 10 ngày trước tết, nhiều nhà xay gạo nếp làm bánh phồng, bánh tráng. Đêm giao thừa, ngồi quanh bếp lửa, cả nhà cùng nhau nấu bánh tét, bánh ít. Ngày xưa, ở nông thôn, nhà nào cũng dựng nêu nhưng nay, tập tục này dần mai một.

Sau giờ giao thừa, nhiều gia đình vẫn giữ tục “xông đất” vào sáng mùng 1 tết. Thông thường, trước tết, các gia đình tìm những người quen biết tên Tài, Lộc, Lợi, Phúc, Đức, Sang, Phú, Giàu,... hoặc người khá giả, được xóm giềng kính nể để “chọn mặt gởi vàng” nhờ “xông đất”. Nếp lễ nghĩa những ngày tết vẫn được người dân gìn giữ như một nét đẹp văn hóa của người dân miền sông nước thuần hậu, chất phác.

Tết phương Nam, nắng đong đầy, hoa mai vàng nở rộ, khoe sắc, vạn vật bừng lên sức sống mới. Xuân mang đến niềm hy vọng tươi đẹp cho mọi nhà qua sắc xuân lá cây, ngọn cỏ. Khắp nơi đều chung một niềm vui: Tết của quê hương an khang, thịnh vượng./.

Thanh Hoàng

Chia sẻ bài viết