Tiếng Việt | English

17/07/2017 - 12:42

Thầm lặng tri ân

Họ là những người chăm sóc các nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, bia chiến thắng ở địa phương. Dù bận việc nhà, việc xã hội nhưng họ sắp xếp, dành thời gian chăm sóc để những nơi này luôn khang trang, sạch đẹp. Đó là sự tri ân, bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với các vị vì sự trường tồn của quốc gia, dân tộc mà chẳng ngại hy sinh.


Ông Huỳnh Văn An thắp hương Nhà bia tưởng niệm Đội Nữ pháo binh huyện Châu Thành

1. Nằm sâu trong con đường đal nhỏ ở ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An có một nhà bia quanh năm cây xanh tươi tốt và nền sân sạch sẽ. Đó là nơi ghi nhớ công ơn những cán bộ, chiến sĩ trong Đội Nữ pháo binh huyện Châu Thành.

Chỉ tay về phía cánh đồng cách nhà bia vài trăm mét, ông Huỳnh Văn An, 61 tuổi - Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Phước Tân Hưng nói: “Ngày trước, cán bộ, chiến sĩ của đội hy sinh ở khu vực đó, sau này lấy cốt xây mộ tập thể một thời gian ở địa phương rồi đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện an nghỉ. Tưởng nhớ công ơn, sự hy sinh ấy, năm 2009, huyện Châu Thành xây dựng nhà bia tưởng niệm và tôi đảm nhận việc trông coi, chăm sóc từ đó đến nay”.

Trên tấm văn bia, những dòng ghi công cán bộ, chiến sĩ của đội vẫn in rõ từng nét chữ: “Đội Nữ pháo binh Châu Thành được thành lập vào ngày 9/02/1968 tại xã Phú Ngãi Trị. Từ 1 khẩu đội ban đầu, đơn vị phát triển lên 3 khẩu đội, quân số trên 30 chiến sĩ và được trang bị 4 cối 82 ly, 2 cối 60 ly và súng AK. Là đội nữ pháo binh duy nhất của huyện, được lãnh đạo tin tưởng, nhân dân yêu thương, đùm bọc, đơn vị đã vượt qua gian lao, thử thách, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập nên nhiều chiến công oanh liệt”.

Với tinh thần chiến đấu ấy, các cán bộ, chiến sĩ của đội hy sinh vì độc lập, hòa bình hôm nay. Và, đa số đều ra đi khi tuổi đời còn trẻ, có người chưa lập gia đình,... “Công ơn ấy to lớn, rất xứng đáng được ghi công và tri ân” - ông An nói thêm.

Tri ân những người ngã xuống, ông An thể hiện bằng việc làm thiết thực. Cứ 2- 3 ngày, ông chạy xe ra nhà bia tưởng niệm cắt cỏ, tưới cây, quét dọn và thắp hương. “Chỉ cần nơi tưởng niệm đội nữ pháo binh tươm tất là tôi thấy vui. Không riêng gì tôi, cả chi bộ ấp 7, người dân cũng sẵn lòng cùng tôi chăm sóc nhà bia, nhất là những dịp lễ, tết, mọi người cùng đến quét dọn và thắp hương” - ông An chia sẻ.

Ở đây, mọi người còn cùng làm lễ giỗ cho Đội Nữ pháo binh vào ngày 17/02 âm lịch hàng năm. Ông An kể: “Gia đình nào có cái gì thì mang đến ủng hộ cái nấy, người mang con gà, dĩa trái cây và cùng đóng góp để làm những mâm cơm dâng cúng các anh hùng liệt sĩ. Trong ngày giỗ, thân nhân của những cán bộ, chiến sĩ trong đội dù ở Đức Hòa, Tân Trụ cũng về dự đầy đủ để thắp nén hương tưởng nhớ những người thân ngã xuống nơi này”.

Ngày giỗ, gặp nhau tay bắt mặt mừng nhưng nước mắt vẫn rơi khi ai đó nhắc lại sự hy sinh ngày trước của những người thân. Hình ảnh ấy làm nhiều người cảm động và tự dặn lòng, tri ân vừa là trách nhiệm của những người được hưởng hòa bình hôm nay, vừa xoa dịu nỗi đau những gia đình có người thân hy sinh trong cuộc chiến. Vì thế, ông cùng người dân nguyện chăm sóc nhà bia luôn sạch đẹp, để ngày giỗ năm sau, mọi người cũng cảm thấy ấm lòng khi trở lại nhìn thấy nơi ghi công người thân luôn xanh mát, tôn nghiêm.

2. Chiều mát, đi trên con đường từ Tân Lân đến ngã tư Xoài Đôi của huyện Cần Đước, ngang qua Bia chiến thắng Xóm Chùa, chúng tôi thấy có nhiều người dân đưa con, cháu đến đây ngồi hóng mát trên dãy ghế đá ngoài sân.

Có người đi vào nhà bia, đọc cho con, cháu nghe: “Nơi đây, khu vực Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, ngày 20/3/1962, lực lượng vũ trang huyện Cần Đước cùng lực lượng cơ động tỉnh và du kích xã Tân Lân hiệp đồng tác chiến, phục kích, linh hoạt chiến đấu và truy kích lực lượng bảo an quận Cần Đước. Tuy với vũ khí thô sơ nhưng với mưu trí và tinh thần dũng cảm, sau gần 2 giờ chiến đấu, bộ đội ta làm chủ trận địa và đập tan cánh quân tiếp viện của địch, buộc chúng phải rút chạy...”.

Đọc những dòng chữ ấy là mọi người đang giáo dục truyền thống lịch sử cho con, cháu để thế hệ hôm nay, mai sau sẽ hiểu, ghi nhớ và biết ơn những người làm nên trận thắng vang dội này.


Ông Phạm Văn Bỗng quét dọn Bia chiến thắng Xóm Chùa để nơi đây luôn sạch sẽ, xanh, mát

Ghi dấu chiến công ấy, UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho khu vực Xóm Chùa và xây dựng bia chiến thắng. Từ ngày bia xây dựng hoàn thành, ông Phạm Văn Bỗng - Trưởng ấp Xóm Chùa và người dân trong ấp tới lui trông nom, quét dọn.

Ông Bỗng bảo rằng: “Lúc bia vừa xây xong, tôi cùng mọi người đi đến nhà dân xin hoa, cây kiểng mang về trồng để tạo cảnh quan xanh, đẹp. Ngoài ra, tôi vận động người dân cùng đóng góp làm sân sạch sẽ và gắn 2 trụ đèn chùm để có ánh sáng. Cũng từ ngày đó, cứ mỗi buổi chiều, nhiều người lại đến đây ngồi hóng gió, một số đứa trẻ trong xóm thì đánh cầu lông ngoài sân”.

Chính vì khang trang, sạch đẹp nên Bia chiến thắng Xóm Chùa dường như trở thành “điểm hẹn” của nhiều người dân Xóm Chùa vào mỗi buổi chiều. Để giữ xanh, sạch, đẹp nơi đây, ông Bỗng cùng người dân thường xuyên quét dọn. Theo ông, cứ 1 tuần, ông thông báo để mọi người biết, cùng đến bia cắt cỏ. Còn quét dọn thì thường xuyên, hễ thấy dơ là ông mang chổi ra quét. Người dân gần đây thấy ông làm cũng đến phụ. Nhờ vậy mà nơi này lúc nào cũng sạch đẹp, được nhiều người dân địa phương đến và một số người đi đường khi ngang qua cũng dừng chân ghé lại.

Nhìn Bia chiến thắng Xóm Chùa là điểm đến của nhiều người trong xóm, ông Bỗng rất vui. Và, niềm vui ấy như được nhân đôi khi ông làm được việc có ích. Quét dọn, lau chùi văn bia, cắt cỏ, tưới cây,... tuy không nặng nhọc, lớn lao nhưng đó là tấm chân tình, lòng biết ơn của ông và người dân với thế hệ đi trước - những người làm nên chiến thắng trong lịch sử.

Tri ân có nhiều hoạt động. Và, chăm sóc, trông nom những nhà bia tưởng niệm, bia chiến thắng như thế cũng là một cách tri ân thầm lặng và ý nghĩa./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết