Chợ Tân An ngày nay
1. Theo Địa chí Long An, chợ Tân An nằm ở trung tâm thị xã (nay là TP.Tân An), trước kia có tên là chợ Hưng Lợi hay chợ Vũng Gù. Chợ ở phía Nam kênh Bảo Định, ngó ra sông Vàm Cỏ Tây. Kẻ qua lại thường neo thuyền nơi đây, đợi con nước lớn rồi theo dòng sang hướng Đông hay Tây nên trên sông thường có nhiều ghe nhỏ bán thịt, trong đó có món thịt heo luộc ngon nổi tiếng.
Ngày nay, dòng kênh Bảo Định được chắn ngang nên ghe, thuyền không còn đi lại như xưa nhưng chợ Tân An vẫn là chợ trung tâm buôn bán lớn nhất tỉnh với các sản vật từ các địa phương trong tỉnh và từ tỉnh Tiền Giang sang.
Cũng có tài liệu ghi rằng, khu chợ này đã được xây dựng cách đây hơn trăm năm, tọa lạc một vị trí đắc địa, xung quanh được bao bọc bởi nhiều tuyến đường bộ và đường sông, thuận lợi giao thương. Cách chợ không xa, hướng ra sông Vàm Cỏ Tây là bến tàu, một thời tấp nập bởi lúc đó, người dân đi lại chủ yếu bằng đường sông. Khi dạo quanh chợ, có thể tận hưởng trọn vẹn không khí đậm chất miền Tây, nào là những loại cá nước ngọt nằm tươi rói trong thau, nào là những mớ rau xanh miệt vườn và đặc biệt là nhiều loại trái cây của vùng đất Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Cũng như bao khu chợ khác ở miền Tây sông nước, chợ Tân An được dựng cặp bờ kênh Bảo Định, hướng ra sông Vàm Cỏ Tây. Ngày trước, khu chợ cá được bố trí sát mé kênh để thuận tiện cho ghe, tàu lên xuống, vận chuyển cá; kế đến là dãy sạp bán thịt, sau đó mới đến khu nhà lồng chợ. Xung quanh khu nhà lồng là những sạp bán rau, củ, đồ hàng bông,...
Đây từng là khu chợ sầm uất nhất của cả tỉnh, nổi tiếng với các sản vật miền Tây. Trừ người dân Tân An thường đi chợ bằng đường bộ, còn lại người dân các huyện về thường neo xuồng dưới mé kênh Bảo Định rồi lên chợ mua sắm. Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, ghe từ các huyện về chở theo sản vật địa phương như ghe ở Thủ Thừa thường chở theo chuối; ghe từ Bến Lức sang thì chở mía, đường; ghe từ Mộc Hóa xuống thì chở khoai mì, khoai mỡ,...
Mỗi dịp tết, chợ Tân An tấp nập “trên bến dưới thuyền” nào là ghe, xuồng từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM ghé qua bỏ hàng, mua thêm ít sản vật, nào là xuồng của người dân ở các huyện về mua sắm tết.
Chợ Tân An xưa (ảnh tư liệu)
Chợ là một khái niệm rất thân thuộc với người Việt. Thời trước, có rổ rau, con cá, người ta nghĩ đến việc mang ra chợ đổi lấy mắm, muối, đường,... Và chợ là bức tranh thu nhỏ về đời sống, kinh tế, văn hóa của từng vùng.
2. Theo dòng chảy của sự phát triển, những khu chợ truyền thống cũng chịu không ít tác động, biến đổi nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của từng vùng. Chợ Tân An ngày nay không còn vị trí “độc tôn” như trước bởi sự ra đời của nhiều khu chợ khác như chợ phường 2, phường 3, phường 6, phường 7, chợ Khánh Hậu,... và hàng chục siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nhắc đến khu chợ trăm năm tuổi ấy, người ta vẫn gọi với cái tên rất thân thương “chợ cũ Tân An”.
Năm 2012, khu nhà lồng chợ Tân An được tháo dỡ để xây mới và chính thức hoạt động trở lại từ năm 2014. Tuy nhiên, khu chợ này không còn sầm uất như trước bởi sự ra đời của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và những khu chợ nhỏ ở các xã, phường. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cùng với các kênh phân phối hàng hóa hiện đại, tạo thuận tiện trong việc mua sắm đã khiến chợ truyền thống mất dần ưu thế trước đó.
Chợ Tân An bây giờ chỉ có khu bán trái cây, hàng bông quanh nhà lồng còn đông đúc, còn các sạp quần áo may sẵn, màn, chiếu, gối,... rơi vào tình trạng ế ẩm. Tầng 2 khu nhà lồng chợ là nơi vắng khách nhất. Tầng này có 46 ki-ốt, được bố trí bán quần áo may sẵn nhưng có gần 1/2 ki-ốt đóng cửa, dán bảng cho thuê.
Những sạp còn lại cũng “cầm cự qua ngày” và chỉ bán được cho những mối quen. Tầng 1 của khu nhà lồng thỉnh thoảng vẫn có người đến mua giày dép, mỹ phẩm nhưng rất ít, có khi cả ngày chỉ có vài ba khách.
Không còn cảnh “trăm người bán, vạn người mua” như thời hoàng kim nhưng những khu chợ truyền thống vẫn là nơi mua sắm quen thuộc với nhiều người quen mua sắm ở chợ và là nét văn hóa không thể thiếu.
Bà Lâm Thị Ánh (phường 1, TP.Tân An) nói: “Đi siêu thị hay cửa hàng tiện lợi rất dễ mua sắm bởi hàng hóa được trưng bày theo chủng loại, có giá niêm yết cụ thể nhưng tôi vẫn thích đi chợ, rảo một vòng hỏi thăm những người quen, trả giá từng con cá, bó rau. Trả giá vậy thôi chứ có khi còn “boa” thêm cho người bán. Đi chợ mấy chục năm, quen mặt hết rồi, ai nói thách chi...”.
Tầng 2 nhà lồng chợ Tân An vắng khách
Chợ truyền thống không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa đơn thuần mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin. Chợ vì thế đã trở thành một phần trong văn hóa của cộng đồng dân cư các vùng, miền. Và dù xã hội có phát triển đến đâu thì đi chợ vẫn là thói quen của nhiều người. Thế nên, bên cạnh những kênh mua sắm tiện lợi thì chợ truyền thống vẫn chiếm một vị thế riêng.
Chợ cũ Tân An như chứa đựng những gì rất xưa cũ, vẫn trầm mặc bước đi cùng thời gian và là biểu tượng vững chãi trong lòng người dân Tân An. Khu chợ đó không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Có lẽ vì thế mà đến nay, dù đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng những khu chợ xưa cũ vẫn là một “tường thành” trong lòng nhiều người như bài vè đã được lưu truyền từ bao đời nay.
Nghe vẻ nghe ve, nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ đi giáp một vòng.
Hàng hóa mênh mông kêu bằng Chợ Lớn.
Thiên hạ phát ớn là chợ Bình Đông.
Ấm bụng no lòng kêu bằng Chợ Gạo.
Thiệt là huyên náo là chợ Bến Thành.
Xúm nhau giựt giành, là chợ Bến Tranh.
Ăn ở hiền lành đi chợ Thủ Đức.
Tối mò như mực là chợ Gò Đen.
Cẳng bước không quen là chợ Gò Vấp.
Khỏi lo đèn tắt đi chợ Gò Dầu.
Sợ má đợi lâu đi chợ Bà Quẹo.
Không trì cũng kéo là chợ Bến Tre.
Chợ gì vắng hoe kêu bằng chợ Đuổi (Đũi).
Ăn mặn như muối là chợ Cầu Kho.
Nấu nướng khỏi lo là chợ Xóm Củi.
Coi chừng lửa khói là chợ Lái Thiêu.
Vắng mẹ nó kêu là chợ Bến Nghé.
Ai mà đau khổ đi chợ Cầu Duyên.
Gục xuống gục lên kêu bằng “chợ ế”.
Đạp nhằm quỵ té là chợ Cần Chông.
Rượt chạy lòng vòng là “chợ chồm hổm”.
Làm ăn yên ổn là chợ Biên Hòa.
Hay hát dân ca là chợ Phước Lý.
Toàn là thi sĩ là chợ Cần Thơ.
Nó cắn ơ hờ là chợ Rạch Kiến.
Vừa nói vừa nghiến là chợ Cái Răng.
Ăn uống lăng xăng đâu bằng Chợ Quán.
Người ưa bàn tán ra chợ Bùng Binh.
Không dính trong mình là chợ Cần Giuộc.
Muốn gặp Trời Phật đi chợ Long Hoa.
Phơi lúa mau khô thì đi Chợ Đệm.
Rờ êm như nệm là chợ Sài Gòn.
Đàn bà chết chồng xuống chợ Rạch Giá.
Không ăn thịt cá ra chợ Hà Tiên.
Cho người tới biên là chợ Bến Thuế.
Tướng sĩ xe pháo là chợ Bàn Cờ.
Vợ bỏ bơ vơ chợ Cầu Ông Lãnh.
Người nào cũng bảnh là chợ Cái Cơm.
Khỏi lo bần cùng đi chợ Phú Quới.
Chưa đi đã tới là chợ Cà Mau.
Chẳng được ngọt ngào là chợ Đà Lạt.
Ngứa gãi sột soạt là chợ Hóc Môn.
Nghe kêu hết hồn là chợ Trà Cú.
Xe chạy ngắc ngứ là chợ Gò Công.
Đi giáp một vòng cũng chưa hết chợ.
Thiệt là đáng sợ, là cái “chợ Trời”.
Ai biết xin mời, tiếp theo vè chợ…/.
Anh Túc