Tiếng Việt | English

27/07/2015 - 13:17

Tháng 7: Cảm xúc khó gọi tên

Trong không khí thiêng liêng, tự hào của những ngày cuối tháng 7, kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, khi được theo chân đoàn cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, được tận mắt chứng kiến những tình cảm, tấm lòng của thế hệ sau dành cho những người đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể cho sự nghiệp giải phóng dân tộc…và được nghe những lời tâm sự, xuất phát từ tận đáy lòng của những người mẹ, người vợ, hay của những người từng là đồng chí, đồng đội,…chúng tôi cảm thấy lòng mình bồi hồi xúc động.


Đoàn của tỉnh Long An đến thăm các thương binh nặng tại Long Đất, Bà Rịa – Vũng Tàu

Những ngày này, có lẽ, bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, nơi nào còn lưu dấu những người đã ngã xuống vì tự do dân tộc thì cũng đều dâng lên một cảm xúc rất khó gọi tên, cảm xúc nghẹn ngào nhưng cũng đầy tự hào về một thời khói lửa.

Và phải đi một lần để biết, để hiểu và càng trân trọng, quý hơn những gì mình đang có hôm nay được đánh đổi bằng bao máu xương của những người đi trước.

Những chuyến đi thăm thương binh nặng tại Long Hải, Nhị Thành; về lại Thừa Đức-nơi từng cưu mang, nuôi giấu thương-bệnh binh của Long An trong kháng chiến chống Mỹ; những lần trao nhà tình nghĩa hay thắp nén hương lên anh linh liệt sĩ tại nghĩa trang,… tất cả đều xuất phát từ tấm lòng tri ân đối với những người đã vì độc lập, tự do mà hy sinh không tiếc máu xương. Để bây giờ, có người trở về chẳng còn lành lặn, vẹn nguyên, cũng có người, sau hơn 40 năm hòa bình mà vẫn chưa tìm được hài cốt.

Bà Châu Thị Huỳnh, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa nghẹn ngào: “Chồng tôi là liệt sĩ Phùng Văn Bài, hy sinh năm 1969 trong kháng chiến chống Mỹ, lúc ấy tôi đang mang thai đứa con trai út là Phùng Quang Cận, chỉ còn 21 ngày nữa là sinh. Hôm nay, con tôi cũng cùng đi thắp hương cho người cha chưa từng biết mặt. Phần mộ của anh trước đây tại xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa rồi được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh an táng. Bây giờ về đây, anh đã được nằm cùng đồng đội, được chăm sóc mộ phần chu đáo, tôi rất an lòng”.

Càng tiếp xúc, gặp gỡ những người trực tiếp chịu nhiều hy sinh, mất mát vì chiến tranh, ta lại càng thấm thía nỗi đau mà họ phải mang theo trong cả cuộc đời.

Những người mẹ mỏi mắt chờ con, những người vợ sớm thành góa phụ hay những đứa con thơ đến giờ quá nửa đời người vẫn chưa biết mặt cha,… chẳng có từ ngữ nào, lời văn nào diễn tả được hết nỗi đau của họ.

Những hoạt động, chuyến đi hay món quà ngày hôm nay không thể nào bù đắp được những mất mát mà họ đã trải qua, thế nhưng, chỉ đôi lời ân cần thăm hỏi, đôi bàn tay nắm chặt của những người - dù không họ hàng ruột thịt, đến thăm nhau vì nghĩa đồng bào, tình dân tộc cũng xoa dịu được phần nào những vết thương lòng ngày cũ.

Chị Nguyễn Thị Lợi (vợ Liệt sĩ Trần Văn Lợi) nghẹn ngào: “Chồng tôi trước đây là thương binh nặng, anh bị địch bắn ở cổ - gây liệt cột sống, khi chiến đấu tại chiến trường Tây Nam năm 1978. Sinh thời, anh vẫn lạc quan cho rằng mình còn may mắn hơn những đồng đội vì không phải nằm lại nơi đất khách, trong khi anh em chiến đấu cũng có người đến nay chưa được về quê hương Khi anh còn sống, lãnh đạo tỉnh năm nào cũng ra tận Long Đất thăm hỏi, động viên, giờ anh mất rồi thì sự quan tâm ấy vẫn không thay đổi, tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của quê hương dành cho gia đình mình!”.

Trung tá, Bác sĩ Huỳnh Việt Cương – Nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An chia sẻ: Tôi đã về thăm lại Thừa Đức 5 lần, viếng nghĩa trang xã được 2 lần, tại đó cũng có một vài người trước đây từng là đồng đội, bệnh nhân của tôi nằm lại. Ngày trước chúng tôi phải tìm đường đi từ Long An, qua Chợ Gạo, Gò Công, vượt sông lớn để về đây an dưỡng, điều trị. Trong quá trình vận chuyển, đưa thương binh đi thì bác sĩ Hoài Hai bị phát hiện và hy sinh, ngoài ra còn có nhiều người khác cũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tôi là Phó Chủ nhiệm Quân y Phân khu 2, sau này sáp nhập thì tôi là Chủ nhiệm Quân y Phân khu 23. Tổ quân y của chúng tôi ngày trước được chừng mười mấy người thay phiên nhau chăm sóc 94 thương binh. Cuộc sống thời ấy vô cùng gian khổ, phải sống ở lán, trại trong rừng chứ không có nhà cửa kiên cố như bây giờ. Để “giảm tải”, chúng tôi còn mở lớp đào tạo thêm cán bộ y tế để tiếp tục chăm sóc thương binh. Sau này, những anh em nào bị thương nhẹ thì theo đường dây của giao liên trở về cơ sở gốc tại Long An. Giờ đây, về lại nơi này, dù cảnh vật đã thay đổi quá nhiều, nhưng lần nào tôi cũng xúc động và thấy mình như sống lại thời gian ấy, vô cùng gian khổ nhưng anh em luôn động viên, gắn bó cùng nhau chờ ngày độc lập,.…

Những cái ôm ấm áp, cái siết tay ân tình của đồng đội cũ, những giọt nước mắt vỡ òa lăn trên đôi má nhăn nheo của bà mẹ khóc con,… quá nhiều cảm xúc đan xen mỗi độ tháng 7 về.

Dù cuộc chiến đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát vẫn còn in hằn lên thân thể, tâm trí của người ở lại. Người thì mất mát một phần thân thể, có người thì mảnh đạn găm trong da thịt vẫn đau nhức lúc trở trời, người thì lành lặn, vẹn nguyên nhưng trái tim luôn đau nhói khi nghĩ đến chồng, con mình đã ra đi không bao giờ trở lại. Nỗi đau chiến tranh là nỗi đau dai dẳng nhất.

Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, nhìn lại một thời gian khó, ta lại càng thêm trân trọng, quý cuộc sống ấm no hiện tại, càng thấy mình phải sống có ích, sống sao cho thật xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha anh./.

Đức Tâm

Chia sẻ bài viết