Tiếng Việt | English

23/03/2023 - 14:08

Thăng trầm cây tràm

Hiện nay, nông dân trồng tràm “đứng ngồi không yên” vì giá tràm xuống thấp, thậm chí nhiều diện tích không có thương lái đến thu mua. Điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của họ.

Hiện thương lái chỉ mua tràm ở những nơi dễ vận chuyển, còn những nơi xa, chi phí cao, thương lái chưa thu mua

Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, cây tràm từng là nguồn thu nhập chính của người dân vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Thời “hoàng kim”, nông dân bán 150-180 triệu đồng/ha. Song, từ năm 2021 đến nay, giá tràm giảm mạnh làm người trồng tràm “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu bán giá thấp thì sẽ không có lời, còn để cây quá lứa sẽ càng khó bán hơn. Ông Trần Thanh Hùng (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Gia đình trồng 13ha tràm trên 5 năm tuổi. Trước tết, tôi bán 5ha tràm với giá 70 triệu đồng/ha; hiện nay, diện tích còn lại thương lái trả 28 triệu đồng/ha. Trung bình chi phí làm đất, cây giống, cắt tỉa, bón phân,... trên 40 triệu đồng/ha tràm. Với giá bán 28 triệu đồng/ha, nông dân lỗ nặng”.

Tương tự trường hợp ông Hùng, ông Bùi Văn Đực (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) vừa bán 1ha tràm với giá 25 triệu đồng. Ông Đực cho biết: “Trước đây, 1ha tràm có giá dao động từ 120-150 triệu đồng. Chưa bao giờ giá tràm xuống thấp như 2 năm trở lại đây. Hy vọng các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ nông dân trồng tràm. Bởi, nếu tình trạng này kéo dài, nông dân bắt buộc phải đốn bỏ tràm, chuyển sang trồng các loại cây khác”.

Không chỉ giá giảm thấp mà đầu ra cây tràm cũng đang gặp khó, nhất là ở những nơi khó vận chuyển. Nhiều diện tích tràm đến tuổi thu hoạch nhưng thương lái không mấy mặn mà. Trường hợp tìm được thương lái thì phần thỏa thuận giá cả cũng là một vấn đề khó, bởi với mức giá hiện nay thì người trồng tràm không có lợi nhuận.

Ông Huỳnh Văn Kiểu (thương lái, ngụ xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Trước đây, tràm đốn bao nhiêu các vựa đều thu mua hết, thậm chí họ còn cử người đến đốn hoặc vận chuyển phụ; còn bây giờ phải xếp tài cả tháng mới bán được 2 chuyến. Giá tràm hiện nay tùy theo loại, nếu tràm đều, đẹp thì giá 40 triệu đồng/ha; tràm xấu có giá 25 triệu đồng/ha. Riêng những nơi khó vận chuyển, tốn nhân công, chi phí nhiều, tôi không thu mua vì sẽ lỗ tiền nhân công. Tôi làm nghề thu mua tràm gần 40 năm nhưng giờ cũng chỉ thu mua cầm chừng để tạo việc làm cho công nhân”.

Cây tràm được dùng chủ yếu làm cừ trong xây dựng. Thế nhưng những năm gần đây, giá vật tư xây dựng tăng làm ảnh hưởng đến lĩnh vực này; đồng thời, theo xu hướng, các chủ thầu xây dựng chuyển sang dùng ép trụ bêtông thay cừ tràm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá tràm giảm. Mỗi chu kỳ trồng tràm kéo dài từ 5-7 năm, nông dân mong ngóng đến kỳ thu hoạch để cải tạo, tái đầu tư. Song, giá tràm giảm mạnh ảnh hưởng đến sinh kế của người dân rất nhiều, bởi đa số tràm bán ra chỉ lỗ đến huề vốn, không có lời. Nhằm giúp cây tràm phát triển bền vững, không chỉ cần quan tâm đến quy trình canh tác mà còn phải chú trọng đầu ra. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tránh cung vượt cầu cũng như hỗ trợ tạo kết nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, nhà máy để các loại cây chủ lực của địa phương có hướng đi bền vững hơn./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết