Năm ấy, tôi được dự Trại sáng tác văn học do Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Gia Định (nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM) tổ chức và được giới thiệu về một đơn vị thanh niên xung phong Sài Gòn đóng ở miền Đông trên đường đi Tây nguyên để “xâm nhập thực tế” trong 3 tháng.
1. Chiếc xe hàng chở đồ tiếp liệu chật cứng chạy cà rề cà rịch qua những đoạn đường bể nát sau chiến tranh, mất cả ngày mới vượt được vài trăm kilômét đến một khu doanh trại xám màu tranh tre trong rừng le. Tôi quảy túi đồ cá nhân xuống xe trong ánh lửa bừng lên đêm lửa trại. Anh Quỳnh, thủ lĩnh đơn vị, dáng người cao lớn, hào sảng đến nắm tay tôi dắt vào căn lán của Ban chỉ huy đơn vị để nhận chỗ ở chỉ vừa đủ kê cái sạp ngủ ghép bằng tre nứa. Anh nói chỗ này là của tôi, tôi xin nhường anh trong suốt thời gian anh công tác ở đây. Tôi cảm ơn anh Quỳnh, nhận chỗ, rồi trở ra với đêm lửa trại đầy khí thế thanh niên xung phong làm trái tim tôi rạo rực. Giọng một cô gái lảnh lót hát như chim vành khuyên hót, hút tôi về phía ấy. Anh Quỳnh bảo, cô ấy là C trưởng (đại đội trưởng), C nữ duy nhất của trung đoàn tôi. Tên cô là Ngọc Hương, đang học năm cuối Đại học Văn khoa Sài Gòn sau 1975. Rồi Sài Gòn thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong đi mở đất để đón dân thành phố đến xây dựng kinh tế mới, thì Ngọc Hương gác lại việc học, gia nhập hàng ngũ thanh niên xung phong ngay từ đợt đầu sau ngày giải phóng.
Hơn 100 cô gái trong màu áo thanh niên xung phong quây một vòng tròn hát ca; C trưởng Ngọc Hương đứng giữa vòng tròn, bên đống lửa trại, dáng cô thanh mảnh, ôm đàn guitar vừa đàn vừa hát “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” say sưa như chìm đắm trong từng ca từ và giai điệu mạnh mẽ. “Từ biển khơi tới miền rừng núi cao/ Cờ Đoàn ta mang ảnh Bác với tên người vĩ đại/ Hồ Chí Minh công ơn của Bác như biển trời/ Tình Người ấm trong tim ta trên đường chiến đấu/ Vì đất nước ta đi xây đời hạnh phúc cho mai sau thỏa lòng mong ước của Bác Hồ đêm ngày hằng mong”… Cô hát, rồi đàn, bắt nhịp cho cả C cùng hát để tập dợt bài ca mới ấy.
2. Tôi choàng dậy sau tiếng kẻng báo thức. Bữa ăn sáng cơm ít, bo bo và khoai mì độn nhiều diễn ra rất nhanh. Tiếng kẻng nữa nổi lên. Các C người nào người nấy vác cuốc xẻng, vừa đi vừa hát. Tôi bước mon men theo chân C nữ vào rừng. Nơi họ đến là rừng le và cỏ, hố bom, hố pháo như tổ ong. Chỗ nào họ đã phát quang, dọn đất thì bằng phẳng, sẵn sàng đón dân đi kinh tế mới cắm dùi. Một ngày kia là chủ nhật nghỉ lao động, C trưởng Ngọc Hương giữ lời hứa, đưa tôi đến căng tin bên bờ suối phủ rậm cây rừng mát mẻ để cà phê theo dòng tâm sự của cô...
Gia đình cô gốc người Mộc Hóa, “chánh cống nông dân Đồng Tháp Mười nghen” - cô nói. Thuở ấy, nhà cô nằm trong một vùng sâu đạn bom, khói lửa gieo rắc tóc tang triền miên, khiến ba mẹ cô phải buông bỏ ruộng đồng, đưa cả nhà chạy lên Sài Gòn lánh nạn, mưu sinh đủ thứ nghề. Vậy rồi trời cũng thương, má mở được gian hàng nhỏ trong chợ Bà Chiểu, mua bán phát đạt dần, từ tiểu thương lên doanh nghiệp, tậu được hai căn phố lầu liền nhau mở cửa hiệu buôn bán đủ thứ tạp hóa, vải sồ. Nhà có ba chị em, Hương là con gái út, khi kinh tế khá lên, ba chị em đều được nuôi ăn học đầy đủ. Khi ấy, nhà em chưa ai hiểu gì về cách mạng, mà chỉ tiếp thu sự tác động ngoại sinh với những luận điệu và hình ảnh “Việt cộng” dữ dằn, gây hoang mang, sợ hãi. Khi tiếng súng giải phóng Tây Nguyên bùng lên, Sài Gòn dậy sóng tin đồn gây xáo trộn dư luận. Rồi các lãnh đạo chóp bu ở dinh Độc Lập hô hào chống cộng đến cùng và các tướng lĩnh hò hét máu lửa trước khi kéo nhau theo chân người Mỹ cuốn cờ tháo chạy qua đường trời, đường biển hoảng loạn.
3. Sáng 30/4/1975, xe chở từng đoàn quân Giải phóng phất cờ Mặt trận lăn bánh vào thành phố giữa tiếng hoan hô náo nhiệt của bao quần chúng chào đón, reo mừng. Hai người chị của Hương phóng xe máy hớt hải về nhà, khóa cổng, khóa cửa kín mít. Chị Hai nói: “Út Hương không được ra đường à. Mấy ông lính “Bắc kỳ” mà thấy mày là rọc hết quần ống loa ống túm mày mặc lên tới đùi, lấy kềm rút hết móng tay móng chưn mày tô son nữa đó!”. Chị Ba nói như mếu: “Thôi “đời tàn trong ngõ hẹp” rồi, em ơi!”. Hương bán tín bán nghi, hỏi sao hai chị nói vậy? Chị Hai gắt giọng: “Tao nghe thiên hạ đồn ầm lên kìa!”. Chị Ba thè lưỡi: “Ừa, thiên hạ nói quá trời!... Thôi, tốt hơn hết là ở nhà để coi mấy ông Việt cộng hành xử thế nào?”. Thế là “kín cổng cao tường”. Ông bà già thì ai nấy thẫn thờ, im thin thít. Một tuần, rồi nửa tháng ngột ngạt trôi qua... Một hôm, có ba anh bộ đội tới kêu cửa. Mặc kệ. Ai cũng dè dặt, lo âu, dám đâu ra mở cổng. Mở cổng, gặp họ biết đối phó, ứng xử sao đây? Út Hương đăm chiêu nghĩ ngợi, rồi bật ra nhận xét: Rõ ràng họ kêu cửa một cách e dè, từ tốn… Thôi, mình cứ ra gặp họ coi sao. Cô bước ra cổng, cất giọng thiếu thân thiện: “Các ông cần gì?”. Một anh bộ đội còn rất trẻ, nói giọng nhỏ nhẹ: “Dạ, tụi em muốn vào thăm gia đình ta xem có sự tình gì không ạ”. Ngần ngừ dò xét, thấy khuôn mặt ai cũng có vẻ lành hiền, Hương đánh bạo mở cổng, mời khách vào nhà.
Cả nhà đều ở trên lầu, chỉ có chị giúp việc pha trà đem ra mời ba anh bộ đội. Một anh mở lời từ tốn: “Thưa cô, tụi tôi đến trước là thăm gia đình cô, chúc mọi người mạnh giỏi, thực thi quyền làm chủ của mình. Cả nước giờ đã độc lập, Nam - Bắc một nhà, thì mọi người dân trong nước đều có quyền làm chủ, có quyền tự do sinh sống tạo dựng tương lai. Cách mạng luôn luôn bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi công dân bằng các chủ trương, chính sách và pháp luật. Mọi người hãy yên tâm thực thi quyền làm chủ của mình trong một nước Việt Nam độc lập, tự do… Ba anh bộ đội đều nói giọng Bắc, đầy thân thiện… Rồi cả ba cùng xin phép ra về khiến Hương không thể lạnh nhạt được nữa. Cô tiễn khách ra cổng với nụ cười nở trên môi xinh, lịch sự cảm ơn các anh đã quan tâm... Rõ ràng các anh “bộ đội Bắc kỳ” đâu có biểu lộ chút gì là kỳ thị, là tự đắc của kẻ chiến thắng đâu? - Hương nghĩ bụng. Trăn trở suốt đêm, sáng hôm sau, cô dứt khoát: Đã tới lúc mình phải tự mở toang cửa cho lộng gió phố phường, chợ búa. Hương mặc lại bộ đồ nữ sinh Gia Long cũ, lén lấy xe máy chạy đến Trường Đại học Văn khoa. Trời ơi, bạn bè… ai nấy cùng vỗ tay nhịp rầm rập, hát “Nối vòng vòng lớn” với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn! Cô thử rảo mắt qua giảng đường, thấy chưa đông đủ khuôn mặt thầy cô và các bạn đồng môn; không rõ có ai tự hãm mình lại phía sau hay đã bỏ đi di tản, đi vượt biên? Hương ngẫm nghĩ, rồi hăng hái nhập cuộc chơi lớn đầu tiên của đời mình.
Kể từ đó, em như con sâu hóa bướm - C trưởng Ngọc Hương trải lòng - Em theo tham gia các hoạt động của trường và của Đoàn Thanh niên cộng sản, một tổ chức rất mới mẻ mà em vừa hòa nhập. Em đã bước ra khỏi lối sống khép kín trong nhà, đã mở toang cuộc đời ra cộng đồng, xã hội…
Với tâm hồn tươi trẻ tràn đầy cảm xúc phấn khích, vừa nghe Sài Gòn tuyển thanh niên xung phong phù hợp với lý tưởng mà mình đang ôm ấp, Ngọc Hương đã sốt sắng đăng ký gia nhập lực lượng này. “Em nghĩ, mình cần thử thách mình để trưởng thành trong môi trường thanh niên xung phong, rồi sau đó quay lại với giảng đường Đại học Văn khoa cũng chưa muộn” - cô nói như đặt cả tương lai lên gối mộng của mình. Cô ước, sau thanh niên xung phong, cô phải là cô giáo; cô giáo về dạy học trên quê cha, đất tổ Đồng Tháp Mười của cô!
4. Hơn 30 năm sau, tôi từ Long An về lại cái nơi chốn hừng hực khí thế thanh niên xung phong ngày nào. Con đường nhựa mới đen bóng băng qua đại ngàn không phải là rừng cỏ và le già cỗi, mà là rừng cà phê, tiêu, điều và các loại cây ăn trái phủ xanh từng rẻo dài qua thung lũng, qua đất trống, đồi trọc cũ. Từng khu nhà mang khuôn mặt phố phường hiện đại như trổ hoa trên những thảm xanh thực vật chảy tràn nguồn năng lượng dâng lên nguồn sống mới, cả ở khu tổng hành dinh của trung đoàn thanh niên xung phong ngày ấy, bây giờ cũng đã là khu biệt thự và phố thị sầm uất, tôi không thể lần ra dấu cô C trưởng Ngọc Hương từ thuở nào bạt từng bụi le, dẫy từng bụi cỏ, cuốc từng nhát đất nháng lửa san lấp hố bom, hố pháo cùng đồng đội dựng lên làng kinh tế mới này. Tôi đứng ngẩn trông vời khung cảnh thiên nhiên, thao thiết với hình bóng cô C trưởng thanh niên xung phong tươi sáng tuổi 20 xinh đẹp ngày nào trôi trên miền ký ức của tôi. Cô đang ở đâu? Mộc Hóa hay Kiến Tường, hay còn trong mơ ước?./.
Quang Hảo