Tiếng Việt | English

06/04/2019 - 08:09

Tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng nhấn mạnh không có giao thông, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không phát triển được, đây là nguyện vọng chính đáng của chính quyền, người dân các địa phương trong vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 5/4, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ.

Ưu tiên tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông cho vùng

Tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông cho vùng là vấn đề được quan tâm và ưu tiên bàn thảo tại cuộc làm việc này. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần củng cố an ninh-quốc phòng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn là điểm yếu trong thời gian dài và đang là điểm nghẽn trong phát triển cho vùng.

Để vùng sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, phát triển của cả nước cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững theo Nghị quyết 120/NQ-CP, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tập trung nguồn lực cho vùng để triển khai, hoàn thành các dự án đường cao tốc, hệ thống đường quốc lộ, các tuyến giao thông kết nối liên vùng, bên cạnh đó là phát triển các loại hình giao thông đường thủy, hàng không, đường sắt.

Về tình hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của vùng hiện nay, Bộ trưởng cho biết, về đường bộ được quy hoạch sẽ hình thành hệ thống các trục dọc và trục ngang trong vùng. Bên cạnh đó, các loại hình hạ tầng giao thông khác như đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, đường sắt cũng được quy hoạch, quan tâm đầu tư.

Về đường thủy, vận tải đường sông được xác định là lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo quy hoạch sẽ hình thành các tuyến giao thông đường sông chính kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với vùng.

Tuy vậy, Bộ trưởng Thể cho biết một số đoạn vẫn đang trong quá trình đầu tư và cần đẩy mạnh đầu tư để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vùng như nâng cấp Quốc lộ 1, đẩy nhanh triển khai cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ, cao tốc Bắc-Nam phía Tây, một số dự án tuyến cao tốc trục ngang... Cùng với đó là điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng biển Trần Đề trong quý 2 năm nay, hình thành một cảng biển đáp ứng được tàu trọng tải 100.000 tấn; phát triển tuyến đường sắt kết nối Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằngcần ưu tiên, quan tâm bố trí vốn tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến đường bộ đã được xác định trong quy hoạch mang tính chất vùng và liên vùng; tăng cường giao thông đường thủy; tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao và các dự án bảo vệ môi trường đã có vốn đầu tư...

Về giải pháp phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang được giao xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng đánh giá đây là quy hoạch quan trọng cho sự phát triển của vùng được triển khai xây dựng theo hướng tích hợp toàn vùng, phương hướng phát triển tổng thể các ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng quy hoạch, sẽ phấn đấu hoàn thành đề án trước tháng 5/2020 để trình Chính phủ xem xét.

Tạo động lực từ kết nối giao thông, liên kết vùng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân ở mọi miền đất nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, phải kể đến sự chỉ đạo thường xuyên, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển của vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo Thủ tướng, thực tế thời gian qua, chúng ta thấy được bộ mặt phát triển của cả vùng cũng như đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. 

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao nhiều địa phương năng động, sáng tạo trong phát triển, có nhiều mô hình tốt từ các cấp chính quyền, đến cộng đồng doanh nghiệp. 

"Chúng ta vui mừng biết được một số tỉnh trong vùng đã vươn lên. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan, có ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn, để biến vùng biến đổi khí hậu nặng nề này thích ứng để phát triển bằng các giải pháp công trình và phi công trình," Thủ tướng lưu ý.

Trao đổi tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành. Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh không có giao thông, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không phát triển được. Đây là nguyện vọng chính đáng của chính quyền, người dân các địa phương trong vùng.

"Trong các giải pháp đột phá, chúng ta nhất trí đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất. Hạ tầng ở đây không chỉ là cầu cống, đường xá, sân bay mà còn phải hạ tầng xã hội, trường học, y tế, thiết chế văn hóa; tích hợp hạ tầng thông minh, kết nối số được ứng dụng mạnh mẽ hơn," Thủ tướng nhấn mạnh.

Về kết nối giao thông liên vùng, Thủ tướng cho biết sẽ có một hội nghị về kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Các vành đai, các tuyến quan trọng kết nối, vì đây là trung tâm thương mại lớn, đông dân cư, tiêu thụ lớn.

Về một số nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sắp tới, Chính phủ sẽ có hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, nhất là việc chỉ đạo, dành nguồn lực cho phát triển vùng.

Việc quan trọng nữa là cần phát triển kinh tế thông qua thích ứng biến đổi khí hậu. Nêu kinh nghiệm Israel, Hà Lan rất phát triển dù bị tác động của biến đổi khí hâu, Thủ tướng đề nghị phải nghiên cứu giải pháp thích ứng để phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Nhất là cần tái cơ cấu quyết liệt hơn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm hàng nông sản; Gắn liền với đó là tái cơ cấu ngành kinh tế, nhất là dịch vụ kinh tế biển, logistic.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý vấn đề phát triển khoa học công nghệ, phát triển đô thị và dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội; giữ gìn, phát huy các giá trị tinh thần, văn hóa cho người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh,...

Trong quá trình phát triển vùng, các địa phương phải lưu ý quan tâm phát triển y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh giảm nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào Khmer tiếp tục quan tâm đặc biệt đến đồng bào Khmer.

Cũng tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương đã có những báo cáo về tình hình bố trí ngân sách cho các địa phương trong vùng; về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục đào tạo, an ninh, quốc phòng, phát triển nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu...

Các địa phương đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thiện các tuyến đường quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng; đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với xuất khẩu lao động. Cùng với đó là có cơ chế huy động nguồn lực từ bên ngoài theo hình thức hợp tác công-tư với thủ tục nhanh, thuận lợi hơn./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết