Tiếng Việt | English

31/10/2024 - 18:40

Thắp lửa sáng tạo cho thanh thiếu niên, nhi đồng

Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng (TTNNĐ) tỉnh Long An hàng năm không chỉ là sân chơi bổ ích, khơi dậy khả năng tư duy, nhóm lên ngọn lửa đam mê sáng tạo của thanh thiếu nhi mà còn là nơi hội tụ những tài năng trẻ, những ý tưởng sáng tạo độc đáo, góp phần làm phong phú bức tranh sáng tạo, nghiên cứu khoa học của tỉnh.

1. Cuộc thi Sáng tạo dành cho TTNNĐ do UBND tỉnh tổ chức từ năm 2008. Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường thực. Qua 17 năm triển khai, cuộc thi thu hút hơn 10.000 mô hình, ý tưởng tham gia và trở thành sân chơi quen thuộc, ý nghĩa đối với giới trẻ Long An.

Năm 2024, toàn tỉnh có 662 đề tài tham gia cuộc thi các cấp. Đối tượng dự thi đa dạng các độ tuổi, cấp học. Qua vòng sơ khảo cấp huyện, thường trực Ban Tổ chức cấp tỉnh nhận được 178 đề tài của 249 tác giả tham gia dự thi theo 5 lĩnh vực: 20 đề tài lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập; 19 đề tài phần mềm tin học; 34 đề tài sản phẩm thân thiện với môi trường; 60 đề tài các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; 45 đề tài bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh - Phạm Văn Hậu cho biết: "Nếu trước đây các đề tài đa phần thể hiện ý tưởng là chính thì hiện nay được đánh giá cao hơn về tính kỹ thuật, hiệu quả, khả năng vận hành và ứng dụng vào thực tế. Các thí sinh dần biết cách hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của mình thành một sản phẩm cụ thể".

Hầu hết ý tưởng sáng tạo của các em TTNNĐ đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mong muốn có thể giải quyết những khó khăn trong lao động, học tập và vui chơi hàng ngày; thể hiện đam mê học hỏi, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, điển hình như tác giả Hoàng Gia Huy (học sinh (HS) lớp 5 Trường Tiểu học Thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa).

Em Hoàng Gia Huy - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thị Trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) thực hiện sản phẩm Gậy thông minh hỗ trợ cho người khiếm thị

Với mong muốn giúp đỡ những người khiếm thị gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, Gia Huy đã thực hiện sản phẩm Gậy thông minh hỗ trợ cho người khiếm thị có các chức năng cảm biến vật cản phía trên, phía dưới, tìm kiếm, thông báo giờ. Đề tài này mang tính thiết thực, có khả năng ứng dụng cao vào đời sống thực tế, đoạt giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh năm nay.

Gia Huy cho biết: “Hàng ngày đi học, em thấy những cô, chú khiếm thị đi bán vé số, mỗi lần băng qua đường rất nguy hiểm. Vì vậy, em có ý tưởng tạo ra Gậy thông minh hỗ trợ cho người khiếm thị trong việc nhận biết vật cản và định hướng đi”.

Một tác giả nhỏ tuổi khác cũng đoạt giải Nhất trong cuộc thi năm nay là em Nguyễn Ngọc Yến Vy (HS lớp 9, Trường THCS&THPT Long Cang, huyện Cần Đước) với tác phẩm Cảnh đẹp quê hương từ bã mía. Từ những đống bã mía bị bỏ bên đường, Yến Vy có ý tưởng sáng tạo nên những bức tranh độc đáo và ý nghĩa. Qua tác phẩm của mình, em muốn gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường.

Em Nguyễn Ngọc Yến Vy - học sinh lớp 9, Trường THCS&THPT Long Cang (huyện Cần Đước), thực hiện tác phẩm Cảnh đẹp quê hương từ bã mía

Đặc biệt, Giấy tái chế từ bã mía và giấy đã qua sử dụng của nhóm tác giả Nguyễn Như Ngọc, Lê Trí Vỹ, Chu Thị Ngọc Ánh, Trương Vũ Hà Nhi - HS Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa) là đề tài đại diện duy nhất của tỉnh đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo dành cho TTNNĐ toàn quốc năm nay. Nhóm tác giả dùng bã mía và giấy tập đã qua sử dụng để tái chế thành một tờ giấy khác mà không gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm do các bạn làm ra có màu trắng tự nhiên hơn so với các sản phẩm giấy bã mía hiện có trên thị trường với màu nâu xỉn, khó sử dụng cho học tập hàng ngày.

Nhóm tác giả Nguyễn Như Ngọc, Lê Trí Vỹ, Chu Thị Ngọc Ánh, Trương Vũ Hà Nhi - học sinh Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa), thực hiện đề tài Giấy tái chế từ bã mía và giấy đã qua sử dụng

2. Qua nhiều năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo dành cho TTNNĐ đã trở nên quen thuộc với thanh thiếu nhi. Công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa cũng như nội dung cuộc thi được đẩy mạnh, hướng tới tất cả các trường học, cơ sở Đoàn, Đội trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, ở nhiều địa phương, cuộc thi không chỉ được tổ chức tuyên truyền ở cấp huyện mà còn trực tiếp từ các đơn vị trường học. Thông tin về cuộc thi được chuyển tải đến HS trong những buổi sinh hoạt dưới cờ. Ngoài ra, các em còn được giáo viên hướng dẫn tham gia dự thi trong các giờ học, các tiết sinh hoạt lớp.

Với những giờ học sinh động, những hoạt động ngoại khóa lôi cuốn, giờ sinh hoạt câu lạc bộ khoa học tại trường,... HS vừa được tiếp thu kiến thức, vừa rèn luyện khả năng phát hiện vấn đề tốt hơn và hình thành những ý tưởng đầy sáng tạo. Và từ những ý tưởng ấy, thầy, cô giáo định hướng, cung cấp thêm tài liệu, hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu khoa học và hỗ trợ về kỹ thuật khi cần thiết.

Đến với cuộc thi, các em không chỉ phát huy khả năng tư duy sáng tạo mà còn giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức, giúp bản thân học tập tốt hơn và có thể sớm định hướng nghề nghiệp mà các em yêu thích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Sáng tạo dành cho TTNNĐ - Huỳnh Văn Sơn cho biết: "Mỗi mô hình, sản phẩm do các em sáng tạo dù còn đơn sơ hay đã hoàn thiện đều thể hiện khả năng tư duy sáng tạo, sự quan tâm tích cực đến những vấn đề trong cuộc sống. Cuộc thi Sáng tạo dành cho TTNNĐ không chỉ là tiền đề khơi gợi sự sáng tạo cho các em mà còn đồng hành, ủng hộ các em thực hiện những ước mơ, ý tưởng, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước"./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết