Tiếng Việt | English

25/01/2017 - 07:48

Thấy chợ hoa là thấy tết !

Mỗi năm, cứ vào tháng Chạp, tiết trời bắt đầu se lạnh, người người náo nức chuẩn bị đón chào năm mới. Đặc biệt, khi những gian hàng hoa kiểng bắt đầu nhộn nhịp, chẳng ai bảo ai, chúng ta đều biết rằng, hương xuân - sắc xuân đang “gõ cửa”!

Rộn ràng chào xuân

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, khoảng rằm tháng Chạp là các gian hàng hoa kiểng tại Công viên TP.Tân An, tỉnh Long An (phường 3) lại tấp nập người mua, kẻ bán. Chẳng chen lấn, xô đẩy, đến với chợ hoa, hầu như ai nấy đều hân hoan chọn mua cho gia đình những chậu hoa tươi sắc trong không khí vui vẻ, rộn ràng. Thuận mua, vừa bán, người mua quan sát, lựa chọn, người bán tất bật bưng bê,... tận tình sắp xếp ngay ngắn lên xe của khách, đôi ba câu “trả giá” cho vui rồi chào nhau, vội vã “mang” xuân về nhà, những hình ảnh quá quen thuộc nhưng chẳng bao giờ nhàm chán mỗi độ xuân về. Thế nên, có thể nói: Thấy chợ hoa là thấy tết!

Minh họa: Kiều Oanh

Chị Trịnh Thị Kim Dung, ngụ phường 6, TP.Tân An cho biết: “Từ khi vài ba gian hàng hoa xuân xuất hiện là tôi thấy náo nức. Dù chỉ mua hoa vào cận tết nhưng ngày nào cũng vậy, mỗi buổi chiều đi làm về, tôi đều ghé ngang chợ hoa xuân như một thói quen. Thấy ai nấy bận rộn mua hoa, chọn hoa, tôi thấy mình cũng vui chẳng khác gì ngày còn nhỏ”.

Còn anh Nguyễn Tấn Phát, ngụ phường 2, TP.Tân An chia sẻ, “dù tại địa phương cũng có rất nhiều vườn hoa kiểng, thậm chí nhiều nhà vườn quy mô lớn, hoa rất phong phú nhưng tôi vẫn thích cảm giác được dạo quanh chợ hoa để chọn mua các loại cây ưng ý cho gia đình. Cứ mỗi năm, lại thấy có vài giống cây mới lạ, độc đáo nên tôi rất thích sưu tầm mang về trang trí cho ngôi nhà thêm ấn tượng. Tôi vừa mua 2 chậu hoa tiên ông (dạ lan hương) để bàn làm việc và 4 chậu cau Hawaii đặt ở phòng khách. Các loại cây: Vạn thọ, cúc đại đóa, cúc mâm xôi thì sau ngày 23 tháng Chạp, tôi mới bắt đầu mua”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, quê ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Tôi bán hoa ở Công viên TP.Tân An gần 20 năm. Sau đợt tết này, tôi lại tiếp tục ươm giống, nhân giống cho năm sau. Năm nay, tôi còn bán một số loại cây mới như tùng hương, trúc Nhật, mai hoa đăng,... Dù giá cả chẳng chênh lệch là bao so với năm ngoái nhưng sức mua dường như giảm hơn. Tôi chỉ mong năm nay bán được, có tiền để gia đình đón một cái tết sung túc hơn.

Còn đó những nỗi lo

Mùa xuân tươi vui, đầm ấm là thế. Nhưng hiện tại, những nông dân trồng hoa kiểng cũng đang đau đáu nỗi lo vì những ngày mưa liên tiếp, đặc biệt là những người trồng mai và vạn thọ. Bà Lê Thị Cẩm Tú, quê ở huyện Cái Mơn, Bến Tre buồn bã cho biết: “Vườn nhà tôi ở Bến Tre trồng rất nhiều loại cây gồm: Cẩm nhung, dừa cạn, mai, vạn thọ,... Tôi chở một ít mai vàng, cẩm nhung, ớt kiểng,... lên công viên từ hôm rằm tháng Chạp. Năm nay, tổng số mai lớn, nhỏ ở vườn nhà trên 1.000 gốc nhưng có trên một nửa nở sớm, tôi không thể bán mà phải để lại tiếp tục dưỡng cho năm sau. Mấy ngày gần tết thời tiết xấu, mưa liên tục, trời vẫn còn âm u làm tôi rất lo. Số mai tôi đem lên bán cũng “bung” nụ. Ngoài ra, ở quê tôi còn khoảng 2.000 chậu vạn thọ chuẩn bị chuyển lên trong những ngày sắp tới nhưng nghe gia đình báo là có nguy cơ “chai” bông hoặc bị úng do mưa nhiều”. Bà cũng chia sẻ, gia đình bà bán hoa tết ở Long An trên 30 năm. Bà còn nhớ, cách đây hơn chục năm, tận đêm 30 tết mà còn chưa bán hết, một mình bà ngồi lặng lẽ ở góc đường chờ ghe ở quê đến chở hàng về. Nhìn mọi người xuống phố xem pháo hoa, lòng bà cũng nôn nao muốn được sum vầy cùng con cháu. Chuyện sáng mùng 1 mới về đến nhà cúng ông bà quá quen thuộc đối với bà. Năm nay, gian hàng của bà Tú nằm ở vị trí đầu tiên, ngay lối vào công viên. Bà chỉ mong sao cây kiểng mang lên đều bán hết trước giao thừa để kịp về quê ăn tết.

Gian hàng cạnh bên là của anh Nguyễn Thanh Hậu, quê ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chuyên bán bông giấy và mai vàng. Gia đình anh có truyền thống trồng kiểng ở Chợ Lách rất lâu đời. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi dịp tết, anh theo chân cha lên Long An bán hoa, rồi sau này cũng nối nghiệp gia đình. Với anh, nghề trồng và kinh doanh hoa kiểng dường như trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Cũng nhờ bán hoa kiểng, anh bén duyên cùng một cô giáo quê ở huyện Thủ Thừa (Long An). Mỗi cành hoa, gốc cây được chính bàn tay mình chăm bón, anh cũng quý như là “đứa con” của mình vậy! Năm nay, thời tiết không thuận lợi, anh lo lỡ mai nở sớm là coi như mất tết. Anh tâm sự: “Mưa liên tục 2 ngày, nếu trời vẫn âm u thì mai chưa “bung” nụ. Còn nếu nắng ấm ngay trở lại thì mai sẽ nở hết. Vậy là phải đón một cái tết buồn! Có hôm, tôi phải nằm ở ngoài lều, cố gắng che chắn hết mấy chậu mai để không bị hứng sương, ngậm nước. Thà mình chịu cực một chút cũng chẳng sao! Bao nhiêu tài sản, tiền bạc và công sức đều đổ dồn vào đó. Mai nở không đúng lúc thì mình cũng chẳng có mùa xuân!”.

Vậy đó, để có một chậu mai vàng rực sắc, cành vạn thọ thắm tươi tô điểm cho những ngày xuân là biết bao nỗi lo toan của những người vun trồng, chăm bón. Mỗi nụ hoa, một cành lá mang về đều thấm rất nhiều mồ hôi, công sức của người nông dân dầm mưa, dãi nắng. Thật khó để diễn tả cái cảm giác nôn nao, háo hức khi cùng gia đình, bè bạn ngắm hoa xuân, chọn mua một vài chậu cây, hoa kiểng cho ngày tết thêm sắc màu tươi mới! Thưởng thức vẻ đẹp của hoa lá, cảm nhận không khí hối hả, tươi vui của những ngày cận tết nhưng ta cũng không quên cảm ơn những nhà nông vất vả vun trồng cho hoa tươi khoe sắc, góp chút hương xuân cho đời!

Thùy Hương - Cát Tường

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích