Tiếng Việt | English

02/07/2023 - 09:19

Thu nhập ổn định từ dừa xiêm lùn, trái đỏ

Thời gian qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển khơi dậy tính sáng tạo, cần cù và phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” của nông dân. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Điển hình như mô hình trồng và nhân giống dừa xiêm lùn, trái đỏ của ông Trần Văn Chín (phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An).

Mô hình trồng dừa và nhân giống dừa xiêm lùn, trái đỏ giúp gia đình ông Trần Văn Chín có thu nhập ổn định

Trước đây, gia đình ông Chín trồng lúa nhưng năng suất không cao, nhận thấy cây dừa xiêm lùn, trái đỏ có tiềm năng phát triển, thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên ông quyết định đầu tư vốn để thực hiện mô hình sản xuất này. Ban đầu, ông Chín chỉ trồng thí điểm vài chục cây. Sau thời gian trồng, nhận thấy chi phí mua giống, phân bón không nhiều, công chăm sóc ít, cho thu nhập cao so với trồng lúa nên ông Chín tiếp tục trồng dừa với số lượng nhiều hơn. Đến nay, ông sở hữu trên 1ha dừa lấy nước, những gốc dừa này đang trong thời kỳ thu hoạch.

Để phát triển giống dừa xiêm lùn, trái đỏ, ông Chín không chỉ bán dừa trái lấy nước mà còn tận dụng trên 100 gốc dừa đã trồng từ nhiều năm nay để ươm dừa bán giống cho nông dân địa phương có nhu cầu. Ông Chín chia sẻ: “Thông thường, tôi ươm trên 1.000 cây dừa giống thì đạt khoảng 1.000 cây. Mỗi cây dừa giống bán được khoảng 40.000 đồng. Ươm dừa có chi phí phân, thuốc ít nên tôi thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng/1.000 cây”.

Theo ông Chín, việc nhân dừa giống tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người ươm phải có kỹ thuật chọn trái thì cây giống mới phát triển khỏe mạnh và sai quả. Khi trái dừa vừa chín, ông hái xuống để khô tầm 2 tháng là đem ươm. Đất ươm dừa cần đánh tơi, trộn thêm một ít phân chuồng ủ hoai mục. Sau đó, ông tạo rãnh đặt trái dừa giống xuống, lấp đất một phần trái dừa và lấy bẹ dừa phủ lên trên. Để tạo độ ẩm, ông Chín tưới nước mỗi ngày. Đến khi trái dừa nứt mầm lên thì ông dỡ bỏ các bẹ dừa phía trên, thỉnh thoảng tưới nước để ẩm đất.

Hiện ông Chín ươm khoảng 2.000 cây dừa giống. “Tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm qua sách vở, kỹ sư hướng dẫn thì cây dừa trồng ít nhất 3, 4 năm trở lên mới lấy giống. Nếu lấy giống sớm thì cây dừa sẽ mất sức và lai ra dừa khác. Tính từ lúc đặt dừa xuống ươm thì phải ít nhất phải 2,5-3 tháng mới bán được” - ông Chín cho biết thêm.

Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, ông Trần Văn Chín còn chia sẻ cho các thành viên trong Câu lạc bộ Kinh doanh dừa xiêm đỏ của Hội Cựu chiến binh phường Tân Khánh, TP.Tân An. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Khánh - Trần Thanh Thủy cho biết: “Các thành viên trong câu lạc bộ làm ăn có hiệu quả cụ thể như hộ ông Trương Văn Thành, ông Trần Văn Chín hàng năm đều thu lợi nhuận cao. Từ đó, các thành viên phát triển kinh tế gia đình, mua sắm được trang thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tưới tiêu trong nhân giống dừa”.

Sau nhiều năm đầu tư và cải tạo, mô hình trồng dừa và nhân giống dừa xiêm lùn, trái đỏ giúp gia đình ông Trần Văn Chín có thu nhập ổn định, trở thành một trong những hộ khá, giàu và là điểm tham quan, học tập, trải nghiệm của địa phương. Ông Chín là tấm gương nông dân cần cù, sáng tạo, biết cách khai thác tiềm năng của đất để có thể làm giàu trên quê hương./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết