Tiếng Việt | English

30/01/2019 - 12:10

Thủ Thừa: Nông dân lo lắng vì thương lái không mua mía

Hiện nay, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đang “dở khóc, dở cười” vì mía đến vụ thu hoạch nhưng không có lái mua. Nhiều người đã phá mía chuyển sang cây trồng khác.

Nông dân lo lắng vì thương lái không mua mía

Trên cánh đồng mía ấp 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, một vài thửa ruộng người dân đã phá mía trồng cây khác. Một số nông dân đang lo lắng không biết phải xử lý thế nào với lượng mía đang đến ngày thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Chất, ngụ ấp 11, thị trấn Thủ Thừa canh tác 1,2ha mía rầu rĩ: “Năm 2016-2017, tôi trồng 1,2ha mía, thu hoạch xong bị lỗ 45 triệu đồng. Năm 2018, tôi đầu tư dè dặt hơn nhưng cũng bị lỗ trên 20 triệu đồng.”

Ông Chất cũng như nhiều nông dân khác rất mong được nhà nước hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng vì bây giờ trồng mía không còn hiệu quả.

Hiện nay, nhiều nông dân phải trả tiền cho thương lái từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha để họ thu dọn mía trả lại mặt bằng để chuyển đồi cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp 11, thị trấn Thủ Thừa đã phá 6 công mía và vay tiền lên liếp trồng mai cho biết: “Tôi phải “bán đổ bán tháo” mía, rồi vay mượn thêm đầu tư 50 triệu đồng lên liếp để trồng mai vì không thể trồng mía được nữa.”

Cánh đồng mai của ông Nguyễn Văn Hòa mới trồng vài ngày tuổi

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa – Nguyễn Văn Chót cho biết: “Toàn huyện chỉ còn gần 900ha trồng mía tập trung ở xã Tân Thành, Tân Lập và thị trấn Thủ Thừa. Bộ phận chuyên môn khuyến cáo người dân nên chuyển đổi cây trồng phù hợp. Huyện xây dựng Khu ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Thành thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Một số cây trồng có hiệu quả cao: Na Thái, mai, đu đủ, chanh, ổi, ớt và các loại cây hoa màu khác,…”

Theo nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An - Nguyễn Văn Sáu chia sẻ: “Tại Long An, việc đầu tư cho cây mía rất tốn kém vì điều kiện địa chất không thể đưa máy vào canh tác, việc thuê nhân công làm giá thành tăng cao. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất đường tại Long An đã đóng cửa nên nông dân phải bán mía ra ngoài tỉnh, chi phí vận chuyển rất cao.”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, toàn tỉnh có gần 8.000ha trồng mía tập trung tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (900ha), Đức Hòa và Đức Huệ (trên 600ha).

 Dự tính đến năm 2020, diện tích sẽ giảm dần chỉ còn khoảng 3.000 đến 4.000ha./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết