Tiếng Việt | English

17/10/2016 - 18:25

Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An

Chiều 17/10, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An về tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.


Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Phạm Văn Rạnh báo cáo một số kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng thời gian qua gắn với việc triển khai cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Theo báo cáo, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 đạt 11,25% (theo giá cố định năm 1994).

9 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế GRDP đạt mức khá, ước đạt 8,2%. Sản xuất nông nghiệp tuy còn nhiều khó khăn nhưng có chuyển biến tích cực theo chiều sâu, hình thành nhiều vùng chuyên canh như: Vùng lúa chất lượng cao, vùng thanh long, rau, chanh, vùng nuôi thủy sản nước lợ,…

Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng trưởng khá cao, ước đạt 14,5% trong 9 tháng đầu năm. Về văn hóa – xã hội, chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Công tác quốc phòng - an ninh, nội chính được tăng cường. Hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.


Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Xuân Phúc xem mô hình quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Bên cạnh kết quả, Long An vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, phát triển công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đầu tư, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là buôn lậu thuốc lá còn diễn biến phức tạp.

Tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về cơ chế, nguồn vốn để tỉnh phát huy hiệu quả nguồn lực, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư trọng điểm, cấp bách, nhất là các công trình về giao thông, thủy lợi như: Dự án đường Tân Tập – Long Hậu – Quốc lộ 50 – Cảng Long An, Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 823B, các trục giao thông kết nối với TP.HCM, Dự án năng lượng mặt trời tại huyện Thạnh Hóa, xây dựng hồ chứa nước ngọt,…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình mong muốn thời gian tới, Long An tiếp tục phát huy hơn nữa thế mạnh, tiềm năng lớn của tỉnh, tranh thủ nắm bắt thời cơ, bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, cân đối cung ứng nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao,…


Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Long An cần tăng cường công tác quản lý, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mạnh vào Long An

Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của Long An với những kết quả nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian gần đây; tuy còn không ít khó khăn nhưng chiều hướng phát triển của Long An rất rõ; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành cần tạo diều kiện tốt nhất để Long An phát triển bứt phá trong thời gian tới. Đối với tỉnh, cần tăng cường công tác quản lý, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư mạnh vào Long An. Thủ tướng cũng lưu ý, Long An cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chú ý xây dựng Long An thành tỉnh đầu tàu kinh tế trong vùng như TP.HCM, Cần Thơ nhưng phải sáng tạo hơn nhằm phát huy hiệu quả.

Long An phải chủ động liên kết phát triển với TP.HCM và ngược lại; đồng thời, phát triển công nghiệp cần chú ý vấn đề môi trường để phát triển bền vững và ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Đối với doanh nghiệp, phải tôn trọng vấn đề môi trường tại địa phương. Một địa phương thành công khi hội tụ đủ ba yếu tố “doanh nghiệp tốt, người giỏi, người giàu”. Việc kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là rất tốt nhưng phải gắn xây dựng nông thôn mới, xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới trong quá trình phát triển nông nghiệp./.

Hùng Dũng - Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết