Tiếng Việt | English

06/01/2017 - 18:01

Thủ tướng: “Đừng để dân khổ vì nhập sản phẩm Việt Nam có thể làm được”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi gợi ý phát động một chiến lược công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

Sáng 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công thương. Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ, ngành, và 63 tỉnh thành cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016, chỉ số toàn ngành Công nghiệp tăng 7,5%, trong đó, có hai điểm đáng chú ý, đó là sự sụt giảm mạnh của ngành khai khoáng, giảm 5,9% và sự tăng trưởng khá của công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 11,2%. Những lĩnh vực là bệ đỡ cho ngành công nghiệp năm qua là thép, ô tô, dệt, xi măng, ti vi, điện. Giá điện năm qua cũng được giữ ổn định, góp phần kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, công nghiệp vẫn đối mặt với những vấn đề lớn mang tính chiến lược như tăng trưởng vẫn dựa vào chiều rộng, tức là vẫn dựa vào tăng số lượng các doanh nghiệp, tăng vốn đầu tư và lao động. Sản lượng dầu khai thác trong nước đã đến ngưỡng, trong khi đầu tư thăm dò gặp khó khăn. Việt Nam cơ bản chỉ có thể tham gia vào các khâu gia công với giá trị gia tăng thấp, trong khi vẫn tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nhờ có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 176 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2015, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng đặt ra là 10%. Trong đó, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70%. Tính chung, cả năm xuất siêu 2,68 tỉ USD. Đây được coi là nỗ lực của ngành Công thương trong bối cảnh thế giới biến động bất lợi, giá nhiều mặt hàng chủ lực giảm, như dầu thô, nông – thủy sản.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2016, ngành Công thương bị vấp nhưng chưa ngã và đã có sự vươn lên mạnh mẽ. Ngoài những kết quả cụ thể đạt được, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công thương đã thực hiện tốt việc cơ cấu lại bộ máy của Bộ theo hướng tinh giản và hiệu quả với việc giảm số đầu mối, giảm số phòng, giảm biên chế.

Cùng với đó, một số thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được Bộ thực hiện tốt, bãi bỏ nhiều quy định về thủ tục hành chính không cần thiết. Đây là điểm nhấn trong cải cách hành chính, bộ máy trong các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại của ngành, trong đó khai thác dầu thô giảm, cùng với giá giảm, gây áp lực ngân sách. Vẫn còn nhiều dự án lớn thua lỗ kéo dài, một số dự án triển khai chậm, trong đó có dự án điện. Một số chiến lược quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực để thu hút tư nhân tham gia, như chiến lược phát triển ngành ô tô, cơ khí, quy hoạch phát triển ngành thép, điện.

Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới còn bất cập, tình trạng buôn lậu chưa được khắc phục căn bản, nhất là vật tư nông nghiệp; còn tình trạng lừa đảo trong bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị
Trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững và dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu thô, than đá, quặng, thay vào đó phải chuyển dịch từ nền công nghiệp khai sáng tài nguyên sang nền công nghiệp sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Công thương thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó phải tập trung giải quyết những dự án còn tồn đọng thuộc Bộ Công thương và phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết các tồn tại. Bộ cũng phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong trung và dài hạn như điện, than đá, dầu khí... Cần phát động phong trào tiết kiệm năng lượng trong toàn xã hội.

Bộ cũng cần có chính sách phát triển một số mặt hàng công nghiệp quan trọng, như công nghiệp ô tô, một số sản phẩm điện tử, cơ khí. Nhất là vừa qua, cơ khí Việt Nam đã thể hiện được thế mạnh trong vai trò tổng thầu EPC một số nhà máy điện, công trình lớn và có thể xuất khẩu. Thủ tướng gợi ý, nên có một hội nghị bàn về cơ chế để cơ khí Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Cùng với đó, ngành Công thương cần xác định một hướng đi nữa là công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. “Tôi nhấn mạnh ý là công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Tại sao không phát động một chiến lược công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của Việt Nam tại sao chung ta không phục vụ? Đừng để nhân dân khổ vì đi nhập sản phẩm mà Việt Nam có thể làm được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đối với hoạt động thương mại, Thủ tướng chỉ đạo ngành tiếp tục hội nhập nhanh chóng, tích cực, chủ động, nhất là khai thác tốt các thị trường ASEAN, Trung Quốc. Phải tận dụng các hiệp định thương mại, thực hiện được mục tiêu xuất khẩu của năm 2017. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng quản lý thị trường, nhất là một số mặt còn tồn tại như đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Có cơ chế phù hợp tổ chức lại thương mại biên giới, thương mại điện tử, tạo sự đột phá trong lĩnh vực này. Và điều quan trọng là khai thác tốt thị trường trong nước.

“Điều đặc biệt quan trọng là thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Làm sao người Việt Nam tiêu thụ hàng Việt Nam giá thành tốt, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam bằng hình thức nào, tổ chức bán hàng thế nào, chứ không phải tất cả thị trường đầu ra này là của người nước ngoài. Trước hết là hàng tốt, rẻ, người dân có nhu cầu thì tại sao không tổ chức khâu này. Đây là Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp nhập lại với nhau thành Bộ Công thương chứ không phải đây là Bộ Công nghiệp không. Khâu này phải đặt ra mạnh mẽ hơn, từ gạo đến nước mắm, hàng tiêu dùng, than, điện…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành nghiên cứu các hàng rào bảo vệ hàng hóa trong nước nhưng không trái pháp luật quốc tế; xây dựng thương hiệu quốc gia với những sản phẩm Việt Nam có thể mạnh./. 

Vũ Dũng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết