Tiếng Việt | English

10/01/2018 - 14:13

Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Lan Thương

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương Quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, sáng 10/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường sang thủ đô Phnompenh, Campuchia tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ hai.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Nguồn: TTXVN)

Đây là Hội nghị mang tính định kỳ, được tổ chức hai năm một lần luân phiên giữa các nước thành viên. Hội nghị lần này sẽ do Campuchia và Trung Quốc chủ trì tổ chức. 

Tham gia Đoàn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam và Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh. 

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công; Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Trần Quý Kiên và Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng. 

Mục tiêu bao trùm của hợp tác Mekong-Lan Thương là thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Ngoài ra, hợp tác Mekong-Lan Thương còn hướng tới mục tiêu khác bao gồm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập toàn diện vào kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tình hữu nghị, quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân các nước. 

Việt Nam đã tham gia tích cực vào hợp tác Mekong-Lan Thương với nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác, góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất. 

Việt Nam đã đề xuất các dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương.

Các dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết