May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty Cổ phần May Hưng Việt, Khu công nghiệp Phố Nối, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Thể hiện quyết tâm đổi mới môi trường kinh doanh, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh và phát triển theo hướng bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 (Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2020, cả nước sẽ đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp quy mô lớn và nguồn lực mạnh. Đây được coi là bước đột phá về chính sách, mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp, thể hiện đúng tinh thần hành động của một Chính phủ kiến tạo-Chính phủ phục vụ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định trong thời gian qua, Chính phủ đã có 2 Nghị quyết đặc biệt quan trọng với sự phát triển của doanh nghiệp là Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, qua đó thể hiện Chính phủ đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe và chấp thuận, tạo dựng niềm tin và động lực cho doanh nghiệp vững bước đi lên.
Đáng ghi nhận nhất là việc thực hiện Nghị quyết 35 đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, những chính sách đổi mới để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là tư duy quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giảm tối đa những điều kinh doanh còn vướng mắc và gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hạn chế tình trạng xin-cho và việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp...
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề, việc cải cách thủ tục hành chính, tình trạng quá nhiều cuộc giám sát, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp... ở nhiều địa phương chưa có nhiều chuyển biến. Cần thiết phải tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 35 của các bộ, ngành và địa phương để đánh giá những tác động và hiệu quả mang lại từ chính sách.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết tại địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm phát triển vì cơ chế và chính sách. Nghị quyết 35 có nhiều đột phá nhưng chưa được phát huy trong thực tiễn hiện nay. Nếu địa phương và các sở, ngành nỗ lực nhiều hơn, quán triệt và thực hiện nghiêm túc những yêu cầu đề ra theo Nghị quyết 35 thì chắc chắn tốc độ phát triển của các doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Theo phản ánh của ông Đệ, tại Thanh Hóa, tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn còn nặng nề và thường xuyên. Phát sinh theo đó không chỉ là việc mất thời gian, công sức và nhân lực phục vụ, mà còn tốn chi phí.
Ông Đệ bày tỏ nếu so với yêu cầu thực tiễn thì sự chuyển biến từ Nghị quyết 35 chưa được như mong muốn. Nguyên nhân phải kể tới là do tư tưởng bao cấp từ bao đời nay để lại. Ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn thực sự chưa muốn đổi mới. Một số lãnh đạo địa phương chưa có ý thức phối hợp và hỗ trợ dù địa phương ký cam kết thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Chính sách đã hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương như bí thư, chủ tịch tỉnh cũng rất quyết liệt đổi mới nhưng doanh nghiệp vẫn phụ thuộc và chờ đợi vào bộ máy giúp việc của hệ thống chính quyền."
Năm 2016 có 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng lại có tới 13.000 doanh nghiệp giải thể. Với tình hình này, phải làm thế nào để các doanh nghiệp tồn tại, từ đó trở thành động lực cho các doanh nghiệp khác mở rộng. Cần phải có các giải pháp giúp doanh nghiệp hồi sinh và phát triển trong thời đại hiện nay, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua và cũng là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ phản ánh một thực tế khác.
"Qua một năm triển khai Nghị quyết 35 cho thấy người đứng đầu có quan điểm tốt, nhưng "trên rải thảm mà dưới rải đinh" thì rất khó. Chính phủ cần có bộ máy giúp việc có tâm sáng, có năng lực và biết tiếp thu cả những vấn đề bất cập, những thói hư tật xấu... đang cản trở quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì mới có thể đạt tới sự tiến bộ, mới có thể giúp giải quyết và tạo điều kiện gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Thản chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Xuân Thành, tỉnh Ninh Bình cho rằng với Nghị quyết 35, Chính phủ đề ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Để hiện thực hóa điều này, bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách pháp luật, ban hành các cơ chế phù hợp mang tính thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, rất cần ý thức thực thi nghiêm túc và triển khai đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương. Điều đó cũng góp phần vào sự thay đổi tư duy, nhận thức của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, có sức cạnh tranh cao trên thương trường.
Hơn nữa, cần có chính sách vay vốn đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đa phần doanh nghiệp khởi nghiệp luôn khó khăn vì không đáp ứng được điều kiện vay vốn, không có hoặc không đủ tài sản để thế chấp. Ngoài ra, các cấp chính quyền cũng cần khuyến khích để tạo lập các vùng sản xuất an toàn; các dự án công nghiệp nông thôn theo hình thức đối tác công tư; thúc đẩy liên doanh liên kết và tổ chức thường xuyên hơn nữa các hội nghị đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp...
Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực và sự quyết tâm phát triển cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ thể hiện qua tinh thần của Nghị quyết 35. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cắt giảm những điều kiện kinh doanh không phù hợp, gây khó dễ cho doanh nghiệp... thì chưa đủ.
Cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đang trông chờ vào những chuyển biến xa hơn, những hành động quyết liệt và việc làm cụ thể hơn nữa như thay đổi quan điểm quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giảm chế độ xin-cho hay đổi mới tích cực hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Điều quan trọng không kém như ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, còn là sự tự quyết, tự chịu trách nhiệm đối với một công việc cụ thể, ở một cơ quan, đơn vị cụ thể để không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân không phải đi lại xin phê duyệt hay bổ sung hồ sơ nhiều lần. Quy trình và thủ tục giải quyết các sự vụ có liên quan cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất và đơn giản, thuận tiện nhất có thể, đúng như tinh thần của một Chính phủ phục vụ vì người dân./.
Thạch Huê/TTXVN