Tiếng Việt | English

29/04/2022 - 21:25

Thương binh tàn nhưng không phế

Vượt lên những mất mát, đau thương của chiến tranh, thương binh Trần Thanh Tâm (ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) tận tâm, tận lực cống hiến cho công cuộc đổi mới quê hương, làm rạng rỡ thêm lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Ông Tâm là thương binh loại 3/4, từng bị thương ở chân và bị giam ở nhà tù Phú Quốc từ năm 1969 - 1973. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông được trao trả tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) theo hiệp định trao trả tù binh chính trị. Năm 1974, ông trở về miền Nam tham gia công tác chiến sự của Ban 1, Tỉnh đội Long An.

Với thương tật mang trên mình, nhiều người nghĩ ông Tâm chẳng thể lao động, sinh hoạt như những người bình thường. Nhưng với bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế”, sau năm 1975, ông Tâm tiếp tục về công tác tại huyện Vàm Cỏ và lần lượt giữ các chức vụ: Ủy viên Thư ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Vàm Cỏ. Năm 1989, sau khi huyện Vàm Cỏ chia thành huyện Châu Thành và Tân Trụ, ông tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, rồi Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Cuối năm 2005, ông về hưu.

Ông Tâm chia sẻ: “Trong cuộc đời tôi có 2 mục tiêu quyết tâm phấn đấu, thứ nhất là được kết nạp đảng viên vào năm 18 tuổi, thứ 2 là vượt qua được thương tật và “giặc dốt "để hoàn thành những nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Đến nay, khi đã 73 tuổi, tôi tự hào vì mình có gần 55 tuổi Đảng và là một trong những người đầu tiên chủ trương phát triển cây thanh long trên mảnh đất Châu Thành”.

Thương binh Trần Thanh Tâm luôn nỗ lực góp sức phát triển quê hương

Sau khi về hưu, ông Tâm tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn. Ông sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong ấp, xã, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Được biết, ông Tâm có 2 người con trai đều đã lập gia đình và có công việc ổn định. Hiện nay, ông sống cùng vợ, người con trai út và chăm sóc gần 500 gốc thanh long. Ông Tâm cho biết: Những năm trước đây, cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho gia đình ông, trung bình mỗi vụ từ 30 - 40 triệu đồng nhưng 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thanh long rất khó tiêu thụ, giá bán cũng không cao.

Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành - Đỗ Tấn Đạt nhận xét: “Ông Tâm có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Châu Thành. Sau khi về hưu, ông vẫn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào thi đua của địa phương như đóng góp làm đường bêtông nông thôn, giúp đỡ đồng đội gặp hoạn nạn, khó khăn. Từ đó, ông luôn được mọi người tin yêu, quý mến”.

Thương tật do chiến tranh để lại vẫn không làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho quê hương của ông Tâm. Ông xứng đáng là điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên để nhiều người học tập, noi theo./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết