Minh họa (tuoitre.vn)
Một siêu thị bách hóa về mở gần chợ quê tôi và phải đóng cửa sau vài tháng hoạt động. Không riêng cửa hàng đó, những cửa hàng trong cùng hệ thống mở ở những xã thuộc huyện lân cận cũng không tồn tại được lâu. Sau khi không gánh nổi chi phí mặt bằng, tiền thuê nhân viên cộng thêm kinh doanh ế ẩm nên đành ngừng hoạt động.
Có một bộ phận lớn người dân, nhất là ở khu vực nông thôn vẫn thủy chung với chợ truyền thống. Đồng ý ngày nay với sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, xu hướng mua sắm của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ cũng thay đổi so với trước đây.
Trong bối cảnh nhịp sống diễn ra nhanh, áp lực với công việc và chăm sóc gia đình thường nhật, rất nhiều bà nội trợ, đặc biệt là ở những khu vực thành thị sẵn sàng chọn những phương pháp mua sắm tiện ích như mua hàng online hoặc đến những siêu thị, cửa hàng tiện lợi chọn hàng hóa rồi nhờ nhân viên cửa hàng giao đến tận nhà.
Tuy nhiên, đối với phần lớn người tiêu dùng Việt, chợ truyền thống vẫn là kênh mua bán trực tiếp khó có thể thay thế. Bởi không chỉ là nơi mua sắm đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống, chợ còn là không gian văn hóa, là nếp sống của một bộ phận người tiêu dùng xưa nay. Như má tôi có lần ra tỉnh được tôi chở đến một siêu thị khá lớn với hàng hóa ngợp mắt, dù vẫn vào xem nhưng sau lắc đầu bảo: “Ra chợ má dễ mua hàng”.
Cái dễ mua hàng ở đây không chỉ là sự đa dạng hàng hóa mà là giữa kẻ mua và người bán có sự tương tác với nhau. Dần dà, họ trở thành các mối mua hàng quen, bạn hàng của nhau, thân thiết hơn thì thành bạn bè, thiết lập mối quan hệ tình cảm mới.
Ngoài ra, chợ còn là nơi thuận mua, vừa bán khi còn có văn hóa “trả giá” mà bất kỳ bà nội trợ “tay hòm chìa khóa” nào cũng muốn chi tiêu thu vén để tiết kiệm cho gia đình.
Chính những nét đẹp văn hóa này khiến chợ truyền thống giữ một vị trí nhất định trong lòng các bà nội trợ xưa nay. Qua đó thấy rằng, nhu cầu tương tác giữa người với người ở thời nào vẫn là tối cần, không vì xã hội phát triển mà dễ dàng thay đổi./.
Hiền Dương