Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) chủ động khơi dòng chảy để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ ẩm cho rừng
Chủ động phòng cháy
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến đầu tháng 02/2023, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là trên 21.826ha. Trong đó, rừng đặc dụng trên 1.813ha, rừng phòng hộ trên 2.075ha và rừng sản xuất gần 17.938ha (chủ yếu là rừng tràm). Rừng có tác dụng bảo vệ đê điều, chống biến đổi khí hậu, là nơi quần tụ của nhiều loài chim nước quý hiếm và là vùng sinh thái đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh, sản xuất, đời sống của nhân dân. Vì vậy, rừng phải được bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển và quản lý, sử dụng hiệu quả.
Hiện Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (KBT) tại xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng có 1.152,5ha rừng đặc dụng, chủ yếu là tràm. Năm 2022, do KBT là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài chim nên có khoảng 139,5ha rừng đặc dụng bị chết do chất thải phân chim dính trên bề mặt lá làm giảm sự quang hợp của cây. KBT đã trồng lại 31,4ha rừng trong năm 2022 và tiếp tục trồng lại thêm 50ha rừng trong năm 2023.
Trưởng phòng Hành chính Tổ chức KBT - Võ Tấn Tuấn cho biết: Đối với công tác PCCCR trong mùa khô, KBT triển khai nhiều biện pháp như điều tiết mật độ nước; ký cam kết với 200 hộ dân vùng đệm (không vào rừng bắt ong, đốn củi, sử dụng lửa gần khu vực rừng); bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các tháp canh lửa và những chốt bảo vệ rừng,...
Bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các tháp canh lửa để phòng, chống cháy rừng
Ngoài những công việc trên, đơn vị còn chủ động phát dọn kênh, mương để khơi thông dòng chảy; đồng thời, thường xuyên đưa nước từ dưới kênh lên các khu rừng, nhất là những khu vực dễ cháy, gò cao; nhờ vậy mà qua kiểm tra thực tế mới đây, tuy dây leo trên các cây tràm đã bị khô dây và lá nhưng thực bì dưới chân rừng vẫn còn ẩm ướt và có nơi nước dưới chân rừng vẫn còn nên phần nào làm giảm áp lực về nguy cơ cháy rừng.
Hiện nay, không riêng gì nơi trọng điểm đất rừng của tỉnh là KBT mà qua ghi nhận tại nhiều điểm rừng khác trên địa bàn tỉnh, cũng nhờ sự chủ động trong công tác PCCCR ngay từ đầu năm đến nay của các chủ rừng, nhất là việc thường xuyên dẫn nước nên hầu hết các cánh rừng đều có thực bì còn ẩm ướt.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Từ đầu mùa khô đến nay, huyện đã phối hợp Hạt Kiểm lâm liên huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh thường xuyên đẩy mạnh PCCCR, trong đó, tổ chức xây dựng kế hoạch, kịch bản, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư,... phục vụ PCCCR đúng theo quy định.
Không nên chủ quan
Dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp độ trung bình
Theo ngành chức năng tỉnh, mặc dù các cánh rừng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn ẩm độ cao, có nơi còn nước dưới chân rừng nhưng các chủ rừng không được lơ là mà phải luôn chủ động thực hiện các giải pháp PCCCR hiệu quả. Bởi theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thì tình hình khô hạn năm nay sẽ diễn biến khá phức tạp, trong đó, nền nhiệt vào buổi trưa ở các ngày vừa qua thường xuyên đạt mức cao từ 32-34oC và còn có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ làm nước trong rừng bốc hơi rất nhanh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác PCCCR ở các khu rừng trên địa bàn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - Trịnh Hùng Cường cho biết: Tuy áp lực về công tác PCCCR hiện không lớn như mọi năm do độ ẩm thực bì dưới chân rừng còn cao nhưng Chi cục yêu cầu các địa phương và các chủ rừng không được chủ quan, lơ là mà phải luôn bảo đảm thực hiện các giải pháp PCCCR theo kế hoạch. Bên cạnh đó, các chủ rừng cần tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng trong các đợt triều cường phù hợp; đồng thời, bảo đảm các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng phải vận hành tốt để luôn trong tư thế sẵn sàng, cơ động khi có tình huống xấu xảy ra.
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 650ha rừng tập trung, trong đó, trồng 150ha rừng đặc dụng, phòng hộ biên giới, 50ha rừng đặc dụng tại KBT đất ngập nước Láng Sen; trồng 35ha KBT đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười; trồng trên 1,5 triệu cây xanh và cây phân tán các loại.
Theo kế hoạch, rừng sẽ được trồng lại vào mùa mưa, do đó, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương cần chuẩn bị cây giống, hiện trường trồng rừng trong mùa mưa kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp PCCCR, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan thực hiện đợt kiểm tra việc triển khai công tác bảo vệ rừng, PCCCR tại các đơn vị chủ rừng.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng trong dân để mọi người đều hiểu được những hiệu quả thiết thực của việc trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu./.
Bùi Tùng