Tiếng Việt | English

24/02/2020 - 21:07

Tiếc thương nghệ sĩ, đạo diễn tài hoa - Huỳnh Nga

Tin Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Huỳnh Nga - nhà đạo diễn bậc thầy của sân khấu cải lương đột ngột qua đời lúc 8 giờ 5 phút, ngày 21/02/2020 tại nhà riêng ở TP.HCM, báo giới, văn nghệ sĩ Long An xin chia buồn, tiễn biệt và cùng tưởng nhớ về chân dung một nghệ sĩ tài hoa, tận tụy, rất tiêu biểu của quê hương Long An. Hôm nay, linh cữu NSND Huỳnh Nga được đưa về an táng tại quê nhà - huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Đạo diễn sân khấu, NSND Huỳnh Nga, tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15/11/1932 tại quận Mộc Hóa, tỉnh Tân An, tỉnh Long An (sau này là huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi tại quê nhà; tham gia đi giành chính quyền ở quận Thủ Thừa, vào Đồng Tháp Mười làm ở Ban Tuyên truyền chính trị Quân khu 8. Năm 1948 là diễn viên Đoàn kịch Khu 8 (diễn các vở Đồng xanh máu đỏ, Miếng sắt cũ, Mưu dân quân,...) rồi xung phong vào bộ đội. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc theo Tiểu đoàn 311, năm 1956 gia nhập Đoàn Cải lương Nam Bộ. Năm 1957, ông là 1 trong 8 nghệ sĩ đứng ra thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc. Năm 1959, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và được cử đi du học kịch nghệ tại Romania. Trở về nước, ông được xem là một trong những người tiên phong xây dựng nền sân khấu cải lương cách mạng, nhất là sau năm 1975. Được đào tạo bài bản về kịch nhưng trở lại miền Nam sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông nổi tiếng khi đạo diễn nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Đời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Hoa độc trong vườn, Muôn dặm vì chồng, Người giữ mộ, Tiếng sáo đêm trăng,... Là một trong những tên tuổi lớn của sân khấu cải lương Việt Nam, trong cuộc đời sự nghiệp hoạt động sân khấu của mình, đạo diễn sân khấu Huỳnh Nga có khoảng 300 tác phẩm kịch bản. Những tác phẩm do ông đạo diễn đã góp phần làm nên tên tuổi cho nhiều nghệ sĩ tài danh của làng cải lương miền Nam như Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Tòng, Minh Vương,... Đối với quê hương Long An, ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của sân khấu cải lương. Từ những năm 1990-1995, ông trực tiếp mở nhiều khóa đào tạo diễn viên, nhiều nghệ sĩ sau đó về công tác tại Đoàn Cải lương Long An như Nghệ sĩ ưu tú Nguyên Tâm, Vương Sang, Vương Tuấn, Kim Ngà, Biện Hữu Hùng Dũng,... Năm 1990, ông đạo diễn vở Hãy yêu nhau thật lòng cho Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An tham gia Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, có 7/8 vai diễn đoạt huy chương. Ngoài ra, ông còn dàn dựng nhiều vở cải lương ca ngợi các anh hùng dân tộc và người con tiêu biểu của Long An như Lửa thần (về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực), Chỉ còn là kỷ niệm, Võ Văn Tần - một dấu son, Trở lại chiến trường xưa,...

Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND (Quyết định của Chủ tịch nước, số 1157/KT-CTN, ngày 03/02/1997). Chuyên tâm hoạt động nghệ thuật nhưng đời sống của NSND còn gặp nhiều khó khăn. Dịp NSND Huỳnh Nga 85 tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, Thành ủy TP.HCM tổ chức trao tặng căn nhà mới tại chung cư Khánh Hội 1, đường Bến Vân Đồn, quận 4, giúp 13 nhân khẩu của gia đình nghệ sĩ có nơi an cư khang trang hơn sau 42 năm sống chật vật tại chung cư cũ trên đường Trần Đình Xu, quận 1. “Ước nguyện cuối đời” đã thành hiện thực khiến nghệ sĩ và nhiều người rơi nước mắt. Tháng 7/2017, UBND tỉnh Long An đã đến thăm, trao tặng ông một khánh vàng để tỏ lòng tri ân đến nghệ sĩ. Năm 2019, NSND Huỳnh Nga trở bệnh nặng, 3 lần phải nhập viện nhưng luôn trăn trở, tận tụy với nghề mỗi khi có người thân, bạn nghề đến thăm. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, đại diện Quỹ Mai Vàng nhân ái đã đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ gia đình tiền thuốc giúp ông điều trị nhưng tuổi 87 và căn bệnh hiểm nghèo vẫn kéo ông ra đi...

Tên tuổi NSND Huỳnh Nga mãi sẽ được tưởng nhớ và tôn vinh như một trong những nghệ sĩ bậc thầy của nghề đạo diễn sân khấu cải lương Việt Nam, một người trai Nam bộ với lòng nhân, tận tụy, đầy tài hoa.../.

Long Thái

 

Chia sẻ bài viết