Tiếng Việt | English

24/01/2020 - 13:55

Tiến sĩ Nguyễn Nhã Hơn 40 năm tâm huyết với Hoàng Sa, Trường Sa

Có một nhà sử học ở tuổi ngoài 80 nhưng ngày ngày vẫn miệt mài nghiên cứu vì tình yêu vô bờ với biển, đảo quê hương. Với ông, một khi đã là người Việt Nam thì dù ở độ tuổi nào, nghề nghiệp gì cũng phải có trách nhiệm với Tổ quốc, nhất là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời với dải đất hình chữ S.

Hành trình 40 năm đi tìm sự thật

Có dịp trò chuyện cùng ông, người đối diện sẽ cảm nhận được những năng lượng tích cực từ một nhà nghiên cứu tuổi đã ngoài 80 nhưng còn rất minh mẫn, tâm huyết. Ngôi nhà nhỏ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM của ông như một thư viện, bảo tàng mini với cơ man nào là sách vở, tài liệu, bản đồ quý giá, thậm chí có cả mô hình thu nhỏ cột mốc chủ quyền hay ghe bầu của Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa. 

Mô hình ghe bầu của Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX - phục dựng từ tư liệu chuyên khảo “Chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của người Việt Nam” của Tiến sĩ Nguyễn Nhã và tư liệu của 
các nghệ nhân đóng ghe bầu hiện đang sống tại đảo Lý Sơn)

Tiến sĩ Nguyễn Nhã sinh năm 1939 tại tỉnh Ninh Bình. Là một trí thức yêu nước, trước đây, khi còn là sinh viên, ông rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động trong “Nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn”. Đến năm 1966, ông là người sáng lập, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử - Địa, một ấn phẩm về khoa học xã hội uy tín nhất tại Sài Gòn trước năm 1975. Tình yêu quê hương của ông càng thêm sâu sắc từ khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa năm 1974. Ngay sau đó, đầu năm 1975, Tập san Sử - Địa đã có một số đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (số 29, tháng 1-3/1975) dày 350 trang. Không chỉ là người chủ trì, ông còn tham gia viết 4 trong tổng số 16 bài trong ấn phẩm này. Những tập san, tài liệu này đến nay đã ố vàng, nhuốm màu thời gian nhưng vẫn luôn được ông nâng niu, trân trọng, xem đó như một khởi đầu để gắn cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình đối với Hoàng Sa - Trường Sa. 

Là một người thầy, bên cạnh truyền thụ kiến thức cho biết bao thế hệ sinh viên, ông vẫn luôn đau đáu phải “làm gì đó” để góp sức mình cất lên tiếng nói vì chủ quyền biển, đảo. Bao nhiêu năm ấp ủ, sưu tầm, ông còn đến tận đảo Lý Sơn - “cái nôi” của Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải - những người đã có công thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ, gặp gỡ người dân địa phương, tìm hiểu về lịch sử địa phương và đặc biệt là những gia đình, dòng tộc có cha ông là lính của đội hùng binh năm xưa như dòng họ Phạm, họ Võ tại đây. Ông còn góp phần giúp cư dân huyện đảo lập hồ sơ trình UNESCO công nhận “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (hiện lễ hội này đã được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013). Đây cũng là cách để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, ông còn trao tặng học bổng “Hoàng Sa học” cho học sinh nơi đây. Với những đóng góp cùng tình cảm của mình, ông được công nhận là cư dân danh dự của huyện đảo này.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người có công trình nghiên cứu và tập hợp hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam để dịch sang tiếng Anh nhiều nhất” vào năm 2014

Năm 2003, lúc này đã 64 tuổi, ở cái tuổi đáng lẽ phải nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu thì ông bảo vệ thành công trước Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước với đề tài Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là tâm huyết cả đời ông khi vận dụng được những kiến thức, tài liệu sưu tầm trong ngần ấy năm, hệ thống hóa bằng chứng lịch sử minh xác chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công trình này được các nhà sử học trong và ngoài nước đánh giá cao và trở thành cẩm nang nghiên cứu, học tập của nhiều thế hệ học giả, sinh viên.

“Nặng nợ” với biển, đảo quê hương

Không chỉ dừng lại ở luận văn tiến sĩ, ông còn dành nhiều năm thực hiện 3 quyển sách Hoàng Sa và Trường Sa - Mảnh đất thiêng của Việt Nam, Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa và Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, quyển Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2013 và tái bản nhiều lần. Trong lời giới thiệu về quyển sách này, cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhận định: “Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, dựa trên những tư liệu phong phú, chứng cứ và lập luận rất khách quan. Tác giả đã dày công thu thập các tư liệu liên quan từ những văn bản có tính lịch sử và pháp lý cao như châu bản triều Nguyễn, những văn bản thực thi chủ quyền của chính quyền Tây Sơn, chính quyền Pháp cho đến các tư liệu lịch sử trong kho tàng thư tịch cổ của Việt Nam, những tư liệu và bản đồ cổ của Việt Nam, của phương Tây, của Trung Quốc, những tư liệu lưu giữ trong dân gian,… Tác giả cũng thu thập cả tư liệu và bản đồ của Trung Quốc để chứng minh cho đến trước năm 1909, Trung Quốc chưa bao giờ coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ của họ”.

Quyển sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” được Nhà xuất bản 
Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2013

Khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” phi pháp, bản thân ông cũng có những bài viết phản bác các luận điểm này. Ông còn tập hợp những tài liệu về chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa dịch ra tiếng Anh và đến nhiều quốc gia để nói chuyện, phổ biến nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt của dư luận quốc tế.

Trong một chuyến đi thông tin về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa tại Đại học Ngoại thương Hà Nội, ông rất tâm đắc khi có một nữ sinh viên phát biểu rằng: “Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa - Trường Sa là có tội với tổ tông, dân tộc”. Chỉ một câu nói nhưng khiến ông bừng lên rất nhiều niềm tin, hy vọng, ông tin rằng những “tre già” như thế hệ của ông rồi sẽ có “măng mọc”, sẽ có người tiếp nối cha anh vì biển, đảo quê hương. Những nỗ lực của ông cùng những người quan tâm biển, đảo là không hề uổng phí. 

Với ông, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa như một quá trình “trường kỳ kháng chiến”. Và, “đông tay thì vỗ nên kêu”, một mình ông cũng chỉ là một “hạt cát” trong sa mạc rộng lớn trong sức mạnh chung của toàn dân tộc, do đó, một khi còn khỏe, còn minh mẫn, với vai trò là một trí thức, một người yêu nước, ông tự thấy mình có trách nhiệm để nỗ lực đến cùng vì chủ quyền biển, đảo. Ông hy vọng mọi người, nhất là thế hệ trẻ phải tự soi rọi lại bản thân, khi đã là con cháu Tiên Rồng, chúng ta phải sẵn sàng đứng lên để cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Thu Ngân

Chia sẻ bài viết