Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vào biểu diễn ở TP HCM. Một trong những tiết mục được vỗ tay nhiều lần khi đang biểu diễn, đó là tiết mục độc tấu sáo trúc của Ngọc Phan. Hôm đó, tôi ngồi cạnh một cụ già đã ngoài 70. Cụ cứ khăng khăng quả quyết rằng: nghệ sĩ thổi sáo kia nếu không bị lòa thì mắt cũng phải kém lắm (!?). Giờ giải lao, tôi gặng hỏi cụ vì sao cụ quả quyết như vậy? Cụ nói: "Thổi sáo hay như vậy mắt không thể sáng được! Anh đã nghe câu chuyện ngày xửa ngày xưa ở trong Nam này chưa?".
Nghệ sĩ Ngọc Phan.
Tôi im lặng nghe cụ kể: "Ngày xưa, Bà Trời đẹp lắm. Người trần gian không ai sánh bằng. Vào những đêm trăng thanh gió mát, bà lẻn xuống hạ giới và đi dạo chơi trên các ngọn đồi cây dừa trĩu quả. Bỗng bà nghe thấy một âm thanh bay bổng ngọt ngào. Bà dừng lại lắng nghe. Càng nghe bà càng say mê như bị cuốn hút vào không gian thơ mộng của miền hạ giới phương Nam. Âm thanh huyền diệu đó chính là tiếng sáo trúc của người nghệ sĩ dân gian trần tục đang thả hồn theo trăng gió.
Mải mê nghe tiếng sáo, bà đã để cho nghệ sĩ ngưỡng mộ dung nhan kiều diễm của mình. Như chợt tỉnh và nhớ ra điều gì hệ trọng, bà đã hóa phép móc đôi mắt của người nghệ sĩ để khỏi nhìn thấy bà, vì bà đã phạm kỉ cương của nhà trời, xuống hạ giới trong đêm thanh vắng… để người đàn ông trần gian nhìn thấy vẻ đẹp của thần tiên…".
Nghe xong, tôi nói với cụ: "Đó chỉ là một huyền thoại xa xưa thôi, chứ ngày nay nhiều người thổi sáo giỏi, mắt vẫn sáng lắm. Có lẽ cụ thấy khi nghệ sĩ thổi sáo đến đoạn hay nhất thì lim dim đôi mắt để diễn tả tình cảm nên nhầm chăng? Nói như ngôn ngữ thời đại thì người thổi sáo lúc này tầm mắt còn nhìn xa trên 10 cây số đó, thưa cụ!". Cụ trố mắt nhìn tôi và cười hóm hỉnh như ngạc nhiên về một sự thật. Chúng tôi ngồi xung quanh cụ cũng cười vang, rồi cụ đòi được gặp Ngọc Phan sau buổi biểu diễn.
Trong số 10 nghệ sĩ của ngành phát thanh và truyền hình được Nhà nước công nhận đợt đầu tiên có nghệ sĩ ưu tú Ngọc Phan. Tiếng sáo của ông đã để lại trong người nghe, người xem những ấn tượng đẹp, thật khó quên. Nếu cho phép tôi được tự chọn, thì trong số những nghệ sĩ thổi sáo đương thời, tôi thích nhất Ngọc Phan.
Ai đã từng nghe, từng xem anh biểu diễn, dù chỉ là một lần, hẳn còn nhớ cách lấy hơi, truyền hơi thật khéo. Khéo đến nỗi người nghe cứ nín thở và cố tìm xem anh ngừng lấy hơi vào lúc nào? Cả một đoạn dài, có đến vài phút, thấy miệng anh dính lấy sáo, chỉ thổi hơi ra, không hề thấy hít hơi vào. Các ngón tay lại như múa trên giai điệu của cây sáo. Chính ở "trường đoạn" này Ngọc Phan đã nhận được những tràng vỗ tay liên tục trong khi biểu diễn. Cảm tình ấy còn dành cho cả một tập thể, đó là tốp nhạc dệm toàn bộ bộ gõ phụ họa cho tiếng sáo của Ngọc Phan trong tiết mục Ngày hội non sông do anh sáng tác.
Ngọc Phan tâm sự: "Sau mỗi lần biểu diễn là y như bệnh dạ dạy lại hành hạ tôi. Bởi vì khi chuyền hơi là phải vận dụng một "công" rất lớn, gần như huy động sức lực của cả thân thể, đặc biệt là dự trữ hơi ở vùng bụng. Vừa thổi vừa lấy hơi, lại vừa phải biết cách "dự trữ" hơi, thế mới đem đến cho người nghe một hiểu quả cao. Cách chuyền hơi này tôi học ở các cụ thổi kèn Bóp (kèn đám tang, còn gọi là kèn Sô - na). Có kết quả như hôm nay là do chăm chỉ luyện tập và dần dần trở thành quen. Bây giờ nhiều học trò của tôi có đủ sức khỏe chuyển hơi còn giỏi hơn tôi nhiều".
Tôi đã được nghe nhiều lớp học trò của Ngọc Phan biểu diễn, nhưng để đạt được hiệu quả cao như anh thì các diễn viên đó còn phải phấn đấu nhiều lăm mới tạo ra được những bất ngờ lý thú cho kĩ xảo khi biểu diễn.
Khán giả, thính giả khắp nơi trên thế giới đều khen ngợi và đánh giá cao nghệ thuật biểu diễn sáo trúc của Việt Nam. Đối với nhân dân ta, tiếng sáo thật là thân quen và được ưa chuộng. Các cụ thích tiếng sáo trầm bổng, êm ái, các em nhỏ thích tiếng sáo ríu rít như tiếng chim. Người thành thị trí thức thích tiếng sáo màu sắc rộn ràng trong nhịp điệu mới mẻ; bà con nông thôn thích tiếng sáo trong trẻo thanh cao như gió thơm xào xạc thổi xa hương lúa chín đồng quê; đồng bào các dân tộc thiểu số thích tiếng sáo sâu lắng huyền bí như âm vang của núi, của rừng, và đặc biệt anh bộ đội coi cây sáo gài trên ba lô là người bạn tri âm tri kỉ… Tất cả những điều đó đã như thấm vào máu của người nghệ sĩ phải đáp ứng.
Để tiếp tục phát triển và nâng cao vốn cổ truyền qua kĩ thuật cây sáo trúc. Ngọc Phan đã suy nghĩ tìm tòi. Từ cây sáo cổ (sáo ngang 6 lỗ), với 6 kĩ thuật phổi biến như: rung hơi, day ngón, mổ ngón, đánh lưỡi, phi lưỡi, ngắt ngón, anh đã đề xuất ra các kí hiệu để ghi 21 kĩ thuật khác nhau. Anh thêm vào "đánh lưỡi đơn, đánh lưỡi kép, chuyền hơi ở 2 ngón bắt buộc, láy chùm, dùng bồi âm v… Những kỹ thuật cơ bản này đã tạo điều kiện cho người thổi sáo có thể kết hợp cùng một lúc 2 - 3 kỹ thuật (tùy nội dung câu nhạc) để sáng tạo ra những ngón mới.
Ngọc Phan còn đưa cho tôi xem chiếc sáo Sol nhỏ xíu cũng 10 lỗ và giảng giải cho tôi nghe về cây sáo này: "Cây sáo nhỏ này đảm nhiệm những âm cao vút, đanh nhọn trong dàn nhạc và cũng là một cây sáo để độc tấu khá độc đáo, nhất là áp dụng được nhiều kĩ thuật đánh lưới, rung lưỡi, ngón đập, ngón lướt v… với tốc độ nhanh. Cũng là tiếp thu cải tiến từ cây sáo cổ". Ông cho biết thêm về kĩ thuật khoét lỗ ảnh hưởng nhiều đến âm sắc, âm vực và độ vang của sáo.
Ngọc Phan nói: "Nếu lỗ thổi, lỗ bấm được khoét theo hình bầu dục, lòng máng sâu thì tiếng sáo nghe vang và dễ thổi các nốt cao. Dùng ống trúc hoặc cây mai mỏng thì tiếng sáo bay, dùng ống dày thì tiếng sáo dày và ấm, âm trầm vang…
Ngọc Phan còn phô với tôi là vừa đi thu thanh lại bản nhạc "Nhớ về Nam" trong thời gian chống Mĩ, mà anh cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương soạn cho sáo để gửi đi nước ngoài. Ngọc Phan còn đưa cho tôi xem những tập nhạc anh soạn cho sáo mà Nhà xuất bản Văn hóa đã in phổ biến trong hơn 40 năm qua. Tôi lướt nhanh các nhan đề: Tiếng sáo bản Mông, Mùa xuân biên phòng, Cánh chim hòa bình…
Tạm biệt người nghệ sĩ ưu tú quê ở vùng Kiến An, Hải Phòng, hiện là Chi hội phó Chi Hội Văn Nghệ Dân Gian, và là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đàn và hát Dân Ca” Đài tiếng nói Việt Nam, bên tai tôi như còn dư âm của tiếng sáo đầy hấp dẫn đã từng được nghe ở TP HCM một năm sau ngày giải phóng. Tiếng sáo ấy đang hứa hẹn nhiều điều mới lạ trong kỹ thuật thổi sáo và cả trong sáng tác các tác phẩm dành riêng cho cây sáo trúc Việt Nam./.
Nhạc sĩ Dân Huyền/Theo VOV.VN