Vệ sinh tiêu độc khử trùng hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi Ảnh: Hải Phong
Theo thống kê, hiện nay, số lượng gia súc, gia cầm (GS, GC) trên địa bàn tỉnh Long An tăng đáng kể: Trâu, bò khoảng 100.000 con, heo khoảng 262.000 con, gia cầm khoảng 7,5 triệu con. Trong năm 2015, tỉnh hỗ trợ trên 972 triệu đồng mua 9 ngàn lít thuốc sát trùng để VSTĐKT, chia làm hai đợt: Đợt 1 diễn ra từ 25-6 đến 25-7-2015 và đợt 2 được phát động vào những tháng cuối năm 2015.
Lò giết mổ treo - cơ sở Lê Hữu Bình, có hệ thống xử lý nước thải đang xây dựng trong dự án Lifsap
Cần vệ sinh môi trường chăn nuôi
Với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ như hiện nay, việc xây dựng các chuồng trại theo đúng quy chuẩn còn ít, người dân chủ yếu chăn nuôi theo tập quán, chưa chú trọng đến việc quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý phân rác, do đó mầm bệnh thải ra môi trường nhiều. Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng như bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng thì các trang trại, hộ chăn nuôi cần: Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh và vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi nhốt GS, GC.
Bà Lại Thị Danh Toại, ngụ ấp 4, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành cho biết: “Nhà tôi chăn nuôi quy mô nhỏ, chỉ gần 10 con heo, để bảo đảm an toàn dịch bệnh thì ngoài việc tiêm phòng định kỳ, tôi luôn quan tâm vệ sinh chuồng trại như phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ và rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi. Nhờ vậy, tôi chăn nuôi đã nhiều năm nhưng đàn heo nhà chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Điều này cho thấy, vệ sinh môi trường nuôi cũng là một biện pháp phòng bệnh rất hiệu quả. Bảo vệ được môi trường chăn nuôi, cũng như hạn chế ô nhiễm, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng”.
“Ngoài việc tiến hành dọn vệ sinh phân rác, nước thải vật nuôi, thì cần tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để đốt và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh cư trú hoặc tiềm ẩn trong môi trường”, bà Toại cho biết thêm.
Tiêu độc khử trùng hạn chế dịch bệnh
Trước đây, người chăn nuôi - chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh còn kém, chủ quan, lơ là khi chưa có dịch, chưa thực sự hiểu được ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi. Hiện nay, VSTĐKT là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, để phòng bệnh trong chăn nuôi.
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên GS,GC từ đầu năm đến nay khá ổn định, chỉ xảy ra nhỏ lẻ (4 ổ: 2 ổ lở mồm long móng (LMLM), 2 ổ cúm) nhưng được sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp lãnh đạo, công tác phòng, chống dịch được tăng cường, mạng lưới thú y cơ sở được củng cố và phát huy hiệu quả, dịch bệnh được khống chế kịp thời, không lây lan ra diện rộng. So với cùng kỳ năm 2014 (xảy ra 15 ổ: 4 LMLM; 11 cúm, trong đó công bố dịch cúm ở Châu Thành và Tân Trụ), 6 tháng đầu năm 2015 dịch bệnh xảy ra ít hơn năm 2014 là 11 ổ dịch và không có ổ dịch nào phải công bố dịch,... Đây được coi là một bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của cơ quan quản lý và người chăn nuôi.
Trong đợt 1 VSTĐKT, ngành cũng đã chỉ đạo: Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình cần tiến hành phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, nhốt GS, GC và vùng lân cận 1 lần/tuần; Đối với cơ sở ấp nở GC, thủy cầm thì phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở,...; Đối với các cơ sở giết mổ tập trung cần VSTĐKT toàn bộ nơi nhốt GS, GC chờ giết mổ, phương tiện vận chuyển, nơi giết mổ sau mỗi ca sản xuất; Đối với chợ có buôn bán GS, GC sống và sản phẩm động vật cần VSTĐKT các phương tiện, dụng cụ vận chuyển khi ra vào chợ và các quầy bán thịt đều phải được VSTĐKT sau mỗi buổi chợ. Đối tượng được Nhà nước hỗ trợ VSTĐKT là: Hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô 2.000 con trở xuống, chăn nuôi heo dưới 50 con, chăn nuôi bò với quy mô dưới 20 con và các chợ buôn bán GS, GC. Còn đối với các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng GC thì tự lo kinh phí tổ chức thực hiện VSTĐKT dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Liêu Trung Nguơn cho biết: “VSTĐKT với mục đích nhằm chủ động tiêu diệt, ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh ra môi trường và giữa GS, GC với nhau. VSTĐKT là biện pháp chủ động nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, góp phần quan trọng bảo đảm vệ sinh thú y trong quá trình tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật bảo đảm an toàn dịch tễ, phát triển chăn nuôi động vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái cho nhân dân. Từ đó, tạo ra được môi trường chăn nuôi an toàn cho vật nuôi và kể cả con người. Tuy nhiên, trong quá trình VSTĐKT cần chú ý lựa chọn đúng phương pháp, hóa chất phù hợp, hiệu quả cao, đồng thời bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi, không gây hại đến môi trường. Để đợt VSTĐKT đạt hiệu quả, ngành cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đội; Mỗi xã, phường, thị trấn thành lập 1 tổ phun xịt sát trùng gồm 3 người, những người trực tiếp phun xịt thuốc phải được trang bị bảo hộ gồm khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay”.
Lò giết mổ phải bảo đảm vệ sinh
Bên cạnh việc chăn nuôi thì công tác kiểm soát giết mổ (KSGM) cũng rất quan trọng. Kiểm soát lò giết mổ để hạn chế ô nhiễm môi trường và cung cấp sản phẩm sạch ra thị trường. Hiện nay, công tác KSGM trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành tốt. Số lượng động vật giết mổ 6 tháng đầu năm 2015: Trâu bò 72.492 con, tăng 21,8%; heo 521.938 con, giảm 0,7%; gia cầm 6.531.360 con, tăng 20%; dê 1.346 con, tăng 11,3%.
Hệ thống cơ sở giết mổ GS, GC tương đối hoàn chỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 43 cơ sở giết mổ GS, GC… phần lớn các cơ sở giết mổ tập trung. Đồng thời Dự án Lifsap đã nâng cấp 9 cơ sở giết mổ GS, 1 cơ sở GC, cùng với sự phối hợp của các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các điểm, quầy kinh doanh sản phẩm động vật của các chợ. Anh Lê Hữu Bình, chủ cơ sở giết mổ Lê Hữu Bình, tại ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ cho biết: “Hiện tại lò giết mổ của tôi hoạt động theo dây chuyền giết mổ treo, bảo đảm VSATTP, theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về điều kiện vệ sinh thú y với các cơ sở giết mổ. Đồng thời, vừa qua dự án Lifsap cũng đã hỗ trợ cơ sở 630 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quá trình giết mổ, để bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm môi trường".
VSTĐKT là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ đàn vật nuôi để chăn nuôi hiệu quả, an toàn, người chăn nuôi cần đặc biệt chú trọng./.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Liêu Trung Nguơn, chỉ đạo: "Để phòng, chống tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa thì ngay từ bây giờ, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Bên cạnh việc chủ động tiêm phòng định kỳ, người chăn nuôi cần thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, coi đây là một trong những khâu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường”. |
Lê Huỳnh