Công nhân phân loại rác, loại bỏ tạp chất
Người dân hưởng ứng
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Long An phối hợp UBND TP.Tân An, UBND Phường 3 và Tổ chức WWF Việt Nam thực hiện thí điểm PLRTN (tại các hộ gia đình) từ tháng 8-2020. Ban đầu chỉ cho 1 khu phố thực hiện (khu phố Bình Đông 2), sau đó được mở rộng trên địa bàn toàn phường 3 và khu vực giáp ranh của phường 1 và phường 7.
Việc PLRTN đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 85% hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ và các hộ kinh doanh trong khu vực phường 3.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, qua thời gian triển khai thí điểm, mô hình PLRTN bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Người dân tham gia đã biết cách PLRTN, thuận lợi trong quá trình xử lý, giảm được lượng rác thải. Các đơn vị thu gom nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy được vai trò. Khi phân loại rác triệt để, từng loại rác có cách xử lý phù hợp sẽ làm giảm chi phí xử lý và giảm tác động đến môi trường. Thành phố chuẩn bị các bước tiếp theo để nhân rộng ra toàn địa bàn trong thời gian tới.
Các chế tài được thực thi tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này (Điều 20, khoản 1, mục c).
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị ((Điều 20, khoản 1, mục d).
- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định (Điều 20, khoản 4).
|
Để giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường khu vực công cộng, đô thị và nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp, chính quyền thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động, bao gồm: Giải quyết vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư tập trung, các trục đường giao thông; hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng xả rác thải ra các khu vực công cộng, ven các trục đường giao thông, các dòng sông, kênh, rạch,…; xóa các điểm tồn lưu rác thải không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, TP.Tân An sẽ hướng dẫn, tuyên truyền cho cộng đồng giảm rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cuối cùng, Tân An xử lý nghiêm khắc và kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải sinh hoạt như phân loại không đúng, bỏ rác không đúng nơi quy định.
Tiến sĩ Wolfgang Pfaff Simoneit - Công ty tư vấn WPS của Đức, cho rằng: Nếu rác thải được đem đi đốt thì nguồn nguyên liệu quý giá này sẽ bị mất vĩnh viễn. Điều này thật sự rất lãng phí. Ngay cả năng lượng sinh ra từ việc đốt rác cũng khó có thể sử dụng được vì rác thải ở Long An có độ ẩm và hàm lượng các chất khó cháy cao như cát, đá, gốm sứ,... Việc đốt rác thải chưa được phân loại là không thể và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Có rất nhiều ví dụ về việc thất bại trong việc đốt rác hỗn hợp trên khắp Việt Nam. Không có lò đốt nào hoàn thiện và hầu hết dự án đốt thí điểm đã bị dừng hoặc bị thu hồi giấy phép. Sản xuất điện từ chất thải chưa phân loại này sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và cực kỳ không kinh tế.
Điều này không có nghĩa là việc đốt chất thải là bất hợp lý. Chỉ những thành phần rác không thể tái chế được do bị nhiễm bẩn, bị trộn lẫn hoặc chất lượng kém nên đốt và được sử dụng để tạo ra năng lượng.
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là việc phân loại rác tại nguồn, thu gom riêng các loại rác thải lại phát huy tác dụng tích cực đối với việc đốt rác: Việc tách riêng rác hữu cơ - vốn dĩ là thành phần có độ ẩm cao ra khỏi rác còn lại sẽ giúp việc đốt cháy tốt hơn nhiều, quá trình đốt diễn ra tốt và đáng tin cậy hơn. Điều này sẽ làm giảm thiểu đáng kể các sự cố trong quá trình đốt của các lò đốt rác.
|
Hướng đến 40% hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn
Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Tân Thuấn khẳng định: Phân loại rác thải đã đem lại nhiều thành tựu trong việc quản lý rác thải tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Thông qua việc phân loại rác thải, các nguồn chất thải được tận dụng và tái chế tối đa. Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại là nguyên liệu tốt cho quá trình sản xuất phân hữu cơ, vừa giảm chi phí xử lý, vừa có hiệu quả kinh tế, thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Rác tái chế được tận dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất và rác còn lại không có giá trị sẽ được xử lý bằng việc thiêu hủy hoặc chôn lấp. Chỉ khi tái chế, tận dụng được nguồn rác thải mới có thể tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỉnh phối hợp Tổ chức WWF Việt Nam thí điểm mô hình PLRTN và đã sơ kết, đánh giá đạt yêu cầu theo đúng kế hoạch. Người dân bắt đầu quen với việc phân loại, tự giác tham gia. Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý cũng chuyên nghiệp hơn, tăng độ tin cậy đối với người dân trong vấn đề xử lý rác đã phân loại.
Để đạt được mục tiêu vào năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 40% hộ dân thực hiện PLRTN theo Kế hoạch số 104/KH-UBND, ngày 16-5-2019 của UBND tỉnh, Sở tiếp tục phối hợp UBND TP.Tân An và Tổ chức WWF Việt Nam hoàn thiện mô hình PLRTN cho khu vực đô thị và triển khai mô hình ở nông thôn để có cơ sở nhân rộng trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong tỉnh. Sở sẽ phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, nhất là trong việc PLRTN đạt hiệu quả, hướng đến nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hoàn thành kế hoạch chung.
Rác hữu cơ đã phân loại tốt chuyển lên nhà máy Tâm Sinh Nghĩa để sản xuất phân compost
Hiện tại, Việt Nam đang hướng tới phương án xử lý rác thải bằng phương pháp đốt rác phát điện tận dụng nhiệt trị của rác thải. Mô hình này có hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Singapore, nơi có hoạt động phân loại rác phổ biến và triệt để. Tuy nhiên, theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ TN&MT năm 2019, chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động trong khoảng 65-95%), không được phép và không thể đốt trực tiếp mà phải trải qua quá trình giảm độ ẩm xuống 30% mới được phép xử lý bằng phương pháp thiêu đốt (Theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Lò đốt chất thải sinh hoạt).
Thành công của mô hình thí điểm PLRTN ở phường 3 là cơ sở vững chắc, tiền đề cho TP.Tân An và tỉnh thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về quy định phân loại rác tại các hộ gia đình, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.
- Quy định về trách nhiệm của hộ gia đình (HGĐ), cá nhân trong việc giảm thiểu, phân loại rác và trả phí thu gom xử lý rác thải (Điều 60, mục 1)
- Quy định rác HGĐ phải được phân loại thành 3 loại: chất thải tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải sinh hoạt khác (Điều 75, mục 1)
- Tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi (Điều 75, mục 3 & 4)
- Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại (Điều 77, mục 2).
- Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (Điều 77, mục 5).
Theo Tiến sĩ Stefan Ziegler (Phòng Bảo tồn thiên nhiên, châu Á - WWF Đức), tái chế rác thải góp phần quan trọng trong việc bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Điều kiện tiên quyết quyết định để việc tái chế chất thải có hiệu quả và bền vững là nguyên liệu đầu vào sạch, không lẫn tạp chất. Chỉ sử dụng nguyên liệu tái chế chất lượng cao mới có thể thay thế hoặc giảm thiểu sử dụng nguyên liệu từ khai thác tài nguyên và như vậy mới đáp ứng được yêu cầu lâu dài của ngành công nghiệp. Do đó, việc tái chế rác thải chất lượng cao, chẳng hạn như nhựa và các chất hữu cơ, chỉ có thể đạt được thông qua việc phân loại tại nguồn và thu gom riêng. Đây là lý do WWF triển khai mô hình thí điểm tại Long An. Việc phân loại rác tại nguồn (hộ gia đình, khách sạn và nhà hàng,...) là chìa khóa để khắc phục tình trạng rò rỉ nhựa ra đại dương.
Trong các thành phần của rác sinh hoạt, WWF đặc biệt chú trọng thành phần hữu cơ.
Tầm quan trọng của việc tách riêng rác hữu cơ tại nguồn được thể hiện ở 2 khía cạnh: Cung cấp nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ (compost) chất lượng cao và giảm thiểu ô nhiễm từ nguyên liệu thô thứ cấp. Phân hữu cơ được sản xuất từ rác chưa phân loại có chứa nhiều chất lạ và chất ô nhiễm mà rác hữu cơ hấp thụ trong quá trình trộn và ép trong xe rác. Chỉ có phân hữu cơ được sản xuất từ các vật liệu hữu cơ đa dạng (không bị lẫn tạp chất vô cơ) mới có thể kích hoạt sự sống và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, chất thải hữu cơ từ các hộ gia đình, nhà hàng,... sẽ là chất nền tuyệt vời để tạo ra phân hữu cơ chất lượng cao./.
|
Thanh Mỹ - Nguyễn Dung