Phấn đấu đạt đô thị loại II
Tuy gặp khó khăn về vốn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Tân An, nỗ lực thực hiện các công trình trọng điểm nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó công trình bờ kè kênh Vành đai (phường 3) được xem là điểm nhấn cho sự phát triển đô thị. Công trình này có chiều dài trên 2,2km, chia thành 2 dự án, bao gồm nhiều hạng mục: Ổn định mái đường cặp 2 bờ kênh, xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước, bồn hoa, xây cầu dân sinh tại vị trí cầu dân sinh hiện có, lắp đặt đèn chiếu sáng trang trí ở 2 bên bờ kè,...
Kè kênh Vành đai đoạn từ đường Nguyễn Thông đến bờ sông Vàm Cỏ Tây vừa được khởi công xây dựng trong tháng 7/2018. Dự án có chiều dài 830m, tổng mức đầu tư trên 42 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, gồm các hạng mục: Kè, cống ngang đường, cầu dân sinh, vỉa hè và điện chiếu sáng. Thời gian thi công công trình 12 tháng. Riêng dự án bờ kè kênh Vành đai, đoạn giáp ranh từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến sông Bảo Định, có chiều dài hơn 1.400m, nguồn vốn tỉnh đầu tư, được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Khởi công kè kênh Vành đai đoạn từ đường Nguyễn Thông đến bờ sông Vàm Cỏ Tây
Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Huỳnh Văn Nhịn thông tin, việc xây dựng bờ kè kênh Vành đai nhằm tạo dòng chảy thông thoáng để tiêu thoát nước mưa và nước thải đô thị, làm cho môi trường trong lành, mát mẻ. Dự án này còn giúp giữ diện tích mặt nước trong khu vực nội thị, cải thiện độ ẩm không khí, nhất là những tháng mùa khô. Từ đó, góp phần chỉnh trang đô thị, một trong những điều kiện đưa TP.Tân An lên đô thị loại II trước năm 2020.
Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân khẳng định, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đưa TP.Tân An đạt đô thị loại II trước năm 2020, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng các công trình trọng điểm, chương trình đột phá theo NQ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X. Đây cũng là nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân An nhằm hướng đến kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố.
Tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa
NQ Đại hội Đảng bộ huyện Cần Đước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định xây dựng Công viên văn hóa huyện là công trình trọng điểm. Đến nay, công trình được thi công hơn 90%.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết, là huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, nhiệm vụ của địa phương là cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa cấp huyện, cấp cơ sở. Trước đây, huyện có công viên nhưng diện tích nhỏ, sau đó tiếp tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mở rộng đầu tư theo định hướng quy hoạch công viên cây xanh,... Đây là công trình đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí của người dân. Không những vậy, công trình hoàn thành còn giúp thị trấn Cần Đước nâng chất các tiêu chí của đô thị loại IV.
Công viên văn hóa huyện thuộc khu phố 1A, thị trấn Cần Đước, với tổng mức đầu tư khoảng 48 tỉ đồng. Công trình bao gồm nhiều hạng mục: Quảng trường, tượng đài, nhà truyền thống, khu vui chơi, nhà thi đấu đa năng, câu lạc bộ thể thao ngoài trời,... được thi công từ nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Giai đoạn đầu với quy mô 2,5ha gồm: Các hạng mục san lấp nền, xây dựng quảng trường,... do Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện làm chủ đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Hưởng Phúc thi công. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi nhận thấy, dù trời nắng gắt nhưng những người thợ vẫn thoăn thoắt, gấp rút xây dựng một số hạng mục còn lại.
Đột phá trong sản xuất rau và nuôi tôm nước lợ
Chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là 1 trong 2 chương trình đột phá theo NQ Đại hội Đảng bộ huyện Cần Giuộc nhiệm kỳ 2015-2020. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, việc ƯDCNC trong sản xuất rau và nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống trước đây, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, được thị trường chấp nhận.
Toàn huyện Cần Giuộc hiện có 497,1ha rau ứng dụng công nghệ cao
Đến nay, toàn huyện có hơn 4.500 hộ chuyên canh 1.800ha rau màu, trong đó có 497,1ha ƯDCNC với 3.927 hộ tham gia, đạt 49,7% so với NQ Huyện ủy và 52,3% so với NQ của Tỉnh ủy. Năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm. Ông Trần Văn Mão, ngụ ấp Lộc Hậu, xã Mỹ Lộc, chia sẻ: “So với trồng rau truyền thống, trồng rau ƯDCNC dần khẳng định tính ưu việt, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân”.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 304,6ha rau được sử dụng phân hữu cơ sinh học tại các xã: Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc, Thuận Thành và Trường Bình. Bên cạnh đó, có 49 hộ dân và doanh nghiệp xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính trồng rau màu với diện tích 30,5ha. “Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà màng giúp cây phát triển tốt hơn, ít sâu, bệnh, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động,...” - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tâm Nông Việt - Đinh Bạt Quy cho biết.
Theo UBND huyện Cần Giuộc, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong và ngoài vùng quy hoạch đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất bởi đây là hướng đi tất yếu trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay. Từ nay đến cuối năm 2018, huyện phấn đấu có 500ha sản xuất rau bằng phân hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu vi sinh nhằm tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020, toàn huyện có 1.000ha sản xuất rau ƯDCNC.
Ngoài trồng rau, chương trình tăng cường ƯDCNC trong nuôi tôm nước lợ cũng bước đầu mang lại hiệu quả. Huyện Cần Giuộc hiện có 10 xã nuôi tôm nước lợ với diện tích khoảng 2.200ha, sản lượng bình quân 5.000 tấn/năm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 92%, còn lại 8% là diện tích nuôi tôm sú. Trong đó, có 31 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ƯDCNC với diện tích 36,2ha. Nuôi tôm theo hình thức này không chỉ hạn chế được dịch bệnh và sốc môi trường nước mà năng suất tôm cũng tăng gấp đôi so với cách nuôi thông thường, lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể.
Phát triển nông nghiệp chất lượng cao
Dù đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ nhưng nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thị xã Kiến Tường. NQ Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra 3 chương trình đột phá, trong đó, Chương trình Phát triển nông nghiệp chất lượng cao được tập trung thực hiện, đạt kết quả khả quan, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, giúp nông dân tăng lợi nhuận
Phó Chủ tịch UBND thị xã - La Văn Dân cho biết: “Chương trình Phát triển nông nghiệp chất lượng cao có tổng diện tích 7.755ha, trong đó có 3.350ha lúa ƯDCNC. Qua nửa nhiệm kỳ, thị xã thường xuyên phối hợp các ngành tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn trang bị, nâng cao kiến thức chuyên môn và cập nhật thông tin về tiến bộ kỹ thuật mới cho đội ngũ cán bộ thị xã. Đồng thời, tổ chức hơn 190 lớp chuyển giao, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 7.300 nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng canh tác tiên tiến, hiệu quả”.
Đến nay, thị xã thành lập được 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng tổng số lên 4 HTX (chỉ tiêu NQ là thành lập từ 2-4 HTX) và 20 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp với 475 thành viên, bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Nổi bật, HTX Nông nghiệp Thạnh Hưng với 28 thành viên, thành lập năm 2017, được thị xã chọn làm mô hình HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC của tỉnh. Theo đó, HTX hiện có 1 trạm bơm điện, 2 máy cấy, 1 máy cày, 1 máy cắt, 1 máy gieo lúa trên khay, phục vụ việc sản xuất của nông dân trong mô hình.
Ngoài ra, thị xã phối hợp tỉnh chọn 3 HTX Nông nghiệp Thạnh Hưng, HTX Đồng Đưng và HTX Nông nghiệp Ông Nhan Đông tham gia dự án VnSAT của thị xã. Khi tham gia vào dự án, nông dân được hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ kết cấu hạ tầng và đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Ông Huỳnh Văn Đực, ngụ ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, vui mừng bộc bạch: “ƯDCNC vào sản xuất lúa giúp nông dân giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi đó năng suất, chất lượng lúa nâng lên, từ đó lợi nhuận tăng lên”.
Với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các công trình trọng điểm, chương trình đột phá của các địa phương đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH./.
An Kỳ - Thanh Nga