Những thành quả nổi bật
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được từng nhận định, huyện Bến Lức vốn có truyền thống anh hùng, từ mạch nguồn yêu nước này và sự truyền lửa nhiệt huyết của các thế hệ tiền bối cách mạng, từ sự sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh của những công dân ưu tú,... đã góp phần làm nên sự đổi thay kỳ diệu của huyện hôm nay.
Kết thúc năm 2023, huyện Bến Lức có 12/14 chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy đạt và vượt; còn 2 chỉ tiêu chưa đạt là tổng giá trị sản phẩm toàn huyện và thu ngân sách. Tuy vậy, cả 3 lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng dương, trong đó, khu vực I tăng 0,65% (đạt giá trị hơn 1.589 tỉ đồng, đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm trên toàn huyện), khu vực II tăng 10,85% và khu vực III tăng 9,24%. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chuyển dịch đúng theo định hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đây là kết quả của Đảng bộ huyện trong quá trình lãnh, chỉ đạo, điều hành và hệ thống chính trị được kiện toàn, đổi mới, hoạt động hiệu quả, sâu sát cơ sở.
Các công trình xây dựng trên địa bàn huyện đang được gấp rút thi công
Trong năm 2023, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng cường giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, bám sát tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp được đề cao.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó, người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vô biên, nhân dân sẵn sàng cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Điển hình trong việc nhân dân đồng thuận, nhận hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời nơi ở phục vụ các dự án phát triển kinh tế.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện chủ động, tích cực trong triển khai Chương trình đột phá của tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trên cây chanh. Diện tích chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên toàn huyện đạt 2.341ha (tỉnh giao đến năm 2025 có 2.700ha). Nhờ chủ động phối hợp doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm,... mà hiện nay, huyện có hơn 80% sản lượng chanh được xuất khẩu. Nhờ vậy, người trồng chanh có thu nhập cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được huyện tập trung thực hiện đạt hiệu quả. Đến nay, huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu trong quí I-2025 được công nhận huyện nông thôn mới. Những năm gần đây, huyện Bến Lức trở thành địa phương “đất lành chim đậu”, dần trở thành huyện công nghiệp với sự vươn lên, bứt phá mạnh mẽ trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Quy mô nền kinh tế huyện thuộc hàng đầu của tỉnh, chiếm khoảng 32% giá trị sản xuất toàn tỉnh.
Huyện thu hút được nhiều dự án lớn có uy tín trong và ngoài nước như Công ty TNHH Lotte Eco Logis Long An, Nhà máy nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, Kho lạnh Long An, Kho lạnh Kỷ Nguyên Mới,... Đặc biệt, trong năm 2023, hoạt động công nghiệp có sự phục hồi tích cực, tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Đến nay, huyện có 2.663 doanh nghiệp và chi nhánh trong nước với tổng vốn đầu tư 32.188 tỉ đồng và 130 doanh nghiệp, chi nhánh đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1,33 tỉ USD.
Huyện có 6 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.300ha, trong đó có 9/11 khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư vào hoạt động, tổng diện tích đất thương phẩm đủ điều kiện cho thuê hơn 730ha. Hoạt động thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển và đời sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều kết quả nổi bật như huy động mọi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng chất. Công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện với nhiều giải pháp tích cực, hộ nghèo còn 0,37% (200 hộ), cận nghèo 0,83% (445 hộ). Hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch gắn với phát huy giá trị 10 di tích lịch sử cách mạng được tăng cường qua tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch, hành trình về “địa chỉ đỏ”, trải nghiệm, dã ngoại,... thu hút 46.450 lượt khách đến tham quan.
14 chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy năm 2024:
1. Tốc độ tăng giá trị sản phẩm 10,5%, đạt 145.037 tỉ đồng.
2. Tổng thu ngân sách 711 tỉ đồng.
3. Xã Bình Đức và Thạnh Lợi đạt chuẩn nông thôn mới.
4. 66% trường công lập đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới.
5. 94,6% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
6. Có 8,3% bác sĩ/vạn dân.
7. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,2%.
8. Giảm tỷ suất sinh thô bình quân 9,43‰.
9. 89% lao động qua đào tạo; trong đó có 69% lao động có bằng cấp, chứng chỉ.
10. Giảm hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều 40%.
11. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 65,5%.
12. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải 94,5%.
13. Kết nạp 133 đảng viên.
14. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90%.
|
Tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm
Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Đăng Minh Xuân phấn khởi: Trong năm 2023, huyện tiếp thu sự chỉ đạo từ cấp trên và đó cũng là động lực để thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhất quán phương châm “nguồn lực từ tư duy, động lực từ sự đổi mới, sức mạnh từ nhân dân”, phát huy tính tự lực, tự cường. Điều này tạo nên sức mạnh để huyện thực hiện tốt các chương trình đột phá, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện.
Huyện có 3/3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong năm 2023, tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản hơn 1.254 tỉ đồng, khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân cả năm đạt 100%.
Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Đăng Minh Xuân khảo sát tiến độ các công trình xây dựng cơ bản
Theo đó, Chương trình đột phá về Phát triển và quản lý đô thị Bến Lức của Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đang được quan tâm thực hiện. Huyện đã xúc tiến xây dựng Chương trình phát triển đô thị song song với lập Đồ án quy hoạch chung đô thị Bến Lức theo chủ trương của tỉnh, đã điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị Bến Lức đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000 và Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 khu vực phía Bắc Bến Lức; hoàn thành phê duyệt danh mục các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng với tổng diện tích lập quy hoạch phân khu 1.091ha. Huyện cũng tăng cường phối hợp triển khai các dự án dân cư đô thị để từng bước đạt các tiêu chí đô thị loại III.
Những kết quả của huyện Bến Lức trong năm 2023 khá toàn diện nhưng còn những hạn chế nhất định cần khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025. Về định hướng phát triển, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp và dịch vụ, xem đây là động lực chính của sự phát triển để phát huy tốt hơn nữa vai trò là huyện trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh.
Do đó, chính quyền và nhân dân Bến Lức sẽ quyết tâm, phấn đấu nhiều hơn để đến năm 2025 trở thành huyện phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, từng bước hiện đại hóa; đồng thời, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi người dân Bến Lức đều được hưởng thành quả tăng trưởng”.
Những việc mà Bến Lức sẽ quyết liệt thực hiện là chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp “năng động, sâu sát, thân thiện”, một bộ máy công quyền lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu vươn tới và là thước đo cho việc hoàn thành nhiệm vụ./.
Hương Mai