Tiếng Việt | English

28/01/2022 - 21:50

Tình người mênh mông trong những xóm trọ nhỏ

Dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến hàng ngàn công nhân, lao động (CNLĐ) tự do phải nghỉ việc. Không thu nhập, không tiền tích lũy, những khó khăn bủa vây những người LĐ nghèo. Giữa lúc khó khăn, tấm lòng sẻ chia của những chủ nhà trọ như là niềm động viên, an ủi để họ vững tâm vượt qua đợt dịch.

Lực lượng Công an các địa phương phối hợp chủ nhà trọ vận động mạnh thường quân trao những phần quà nghĩa tình nhằm chia sẻ khó khăn với người ở trọ

Lực lượng Công an các địa phương phối hợp chủ nhà trọ vận động mạnh thường quân trao những phần quà nghĩa tình nhằm chia sẻ khó khăn với người ở trọ

Đại gia đình xóm trọ Duy Quý

Gần 12 năm qua, bà Lê Thị Út (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) chọn nhà trọ Duy Quý (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) làm “nơi ăn, chốn ở” trong những ngày 2 vợ chồng xa quê lập nghiệp. Những người con theo vợ chồng bà ngày nào giờ đã lớn khôn, dựng vợ gả chồng nhưng ông bà vẫn ở đó, gắn bó với xóm trọ Duy Quý như “ngôi nhà thứ 2”. Bà giữ cháu nội cùng vài bé chung xóm trọ, còn ông làm bảo vệ tại công ty. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tháng 6, ông mất việc ở nhà, việc phụ giữ trẻ của bà cũng không còn do CN nghỉ việc. Giãn cách xã hội khiến vợ chồng bà chẳng kịp về quê tránh dịch. Những đồng lương tích lũy bấy lâu cũng vơi theo những ngày dịch.

“Giữa lúc đang xoay xở tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, nước thì tôi được chủ nhà trọ thông báo miễn phí toàn bộ tiền thuê phòng đến khi có việc làm lại. Đối với tôi, đó thực sự là niềm vui lớn giữa lúc khó khăn. Sự san sẻ khó khăn của chủ nhà trọ thật đáng quý, ấm tình người” - bà Út chia sẻ.

Cũng vì nghĩa tình bao năm qua nên nhà trọ dù xuống cấp, các con khuyên dời đến những khu trọ khang trang hơn nhưng ông bà vẫn ở lại nơi này. “Chỉ khi nào về ở hẳn dưới quê, tôi mới rời xa xóm trọ này” - bà Út khẳng định. 

Ở xóm trọ Duy Quý, chủ nhà trọ và người thuê trọ xem nhau như người thân trong gia đình, cùng đùm bọc nhau vượt qua những ngày khó khăn trong đại dịch

Ở xóm trọ Duy Quý, chủ nhà trọ và người thuê trọ xem nhau như người thân trong gia đình, cùng đùm bọc nhau vượt qua những ngày khó khăn trong đại dịch

Xóm trọ Duy Quý nằm trên trục đường chính thuộc khu phố 8, với gần 300 phòng cho thuê. Hơn 10 năm hoạt động, chưa bao giờ nhà trọ vắng người thuê. Đa số khách thuê trọ là CN và LĐ tự do. Theo anh Nguyễn Minh Trí - chủ nhà trọ, hầu hết người thuê trọ đều gắn bó lâu năm, người ít thì vài ba năm và có rất nhiều người ở đây từ ngày đầu xây dựng. Ở vị trí đắc địa nhưng nhiều năm nay, anh vẫn giữ giá cho thuê 700 ngàn đồng/phòng/tháng, trong khi đó, nhiều nhà trọ trong khu vực đều tăng giá hơn 1 triệu đồng/phòng/tháng. Dịch Covid-19 bùng phát khiến những người LĐ vốn chỉ trông chờ vào đồng lương hàng tháng phải nghỉ việc. Nhà trọ của anh cũng cách ly với bên ngoài để phòng dịch. Giữa lúc khó khăn, anh quyết định giảm 100% tiền trọ.

“Ban đầu tôi suy nghĩ sẽ giảm 50% tiền phòng nhưng dịch cứ thế kéo dài, CNLĐ mất việc làm thì lấy đâu ra tiền đóng. Nghĩ thế, tôi bàn với gia đình miễn tiền thuê phòng cho người ở trọ đến khi qua dịch. Tôi còn mua nhu yếu phẩm tặng từng phòng để cùng nhau vượt qua dịch bệnh”.

Tùy từng đối tượng, phòng có CNLĐ nghỉ nhiều, anh miễn 3 tháng tiền thuê trọ, phòng có người đi làm trước, anh miễn 2,5 tháng. Tính ra, số tiền anh miễn, giảm cho người thuê trọ lên tới nửa tỉ đồng. Hỏi anh có tiếc không?

Anh chỉ cười xòa: “Tiền mà, ai không tiếc. Nhưng đa số người thuê trọ ở đây đã gắn bó với mình, người dân đều gặp khó khăn. Gần 300 phòng trọ nhưng nhìn ai, tôi biết ngay là ở dãy nào, phòng nào, tất cả đều xem nhà trọ này như một gia đình lớn. Cũng vì thế, chúng tôi luôn nương tựa, đùm bọc nhau trong những ngày khó khăn”.

Sẻ chia với người lao động

Sau nhiều năm tha phương đến các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, ông Nguyễn Phước Tài (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chọn Long An làm điểm dừng chân đã 7 năm qua. Cả gia đình ông chọn nhà trọ Duy Quý làm tổ ấm. Cuộc sống yên bình nơi mảnh đất Long An cứ thế trôi qua từng ngày. Đều đặn mỗi buổi chiều, ông lại tất bật với việc phụ quán tới khuya thì trở về. Công việc tuy vất vả nhưng đủ để nuôi sống gia đình.

Rồi dịch bùng phát, Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng khiến ông phải ở nhà, đồng nghĩa với việc thu nhập chính của gia đình không còn. Không tiền tích lũy, lương thực, thực phẩm cạn dần, gánh nặng như đè nặng lên đôi vai người đàn ông đã bước sang tuổi ngũ tuần. Giữa khó khăn, ông nhận tin được giảm toàn bộ tiền thuê nhà trọ. Đã thế, chủ nhà trọ còn nhiều lần hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho gia đình ông trong những ngày giãn cách.

“Tình cảm, nghĩa tình nơi xóm trọ trong những tháng vừa qua thật đáng trân quý. Những người đến từ nhiều miền quê khác nhau cùng sẻ chia trong những lúc khó khăn nhất. 7 năm qua, gia đình tôi xem nhà trọ này như là ngôi nhà của mình” - ông Tài chia sẻ.

Nhà trọ Phước Sang (ấp Phước Tú, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) có 42 phòng cho thuê. Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bà Phan Thị Loan - chủ nhà trọ, cứ thi thoảng lại chạy tới xóm trọ, lúc thì để thăm hỏi, động viên những người thuê trọ, khi thì mang những phần quà của các cấp chính quyền, mạnh thường quân đến cho từng phòng trọ. Chẳng đắn đo, suy nghĩ, bà miễn hoàn toàn 2 tháng tiền trọ, rồi giảm tiếp 50% và mới đây, khi người LĐ có việc làm trở lại, bà mới bắt đầu thu tiền trọ.

“Mình có nhà cửa, nơi ở đàng hoàng, lại có gia đình, người thân bên cạnh, còn những người thuê trọ đều là CNLĐ xa quê, lại mất việc làm, không thu nhập nên giúp được gì tôi sẽ giúp hết mình. Chỉ cần nhìn thấy họ vui, vượt qua khó khăn, tôi cũng vui rồi” - bà Loan tâm sự.

Chủ nhà trọ vận động mạnh thường quân trao những phần quà nghĩa tình nhằm chia sẻ khó khăn với người ở trọ

Chủ nhà trọ vận động mạnh thường quân trao những phần quà nghĩa tình nhằm chia sẻ khó khăn với người ở trọ

Cũng giống như anh Trí, bà Loan, những tháng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ông Đỗ Văn Be (khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) chạy như con thoi để lo lương thực, thực phẩm cho 13 phòng trọ của gia đình ông. Cái tuổi 70, sức khỏe đã kém nhưng ông không nề hà. Hễ cứ nghe ở đâu có người hỗ trợ, ông lại chạy tới “xin” cho người LĐ trong xóm trọ nghèo của ông. Dãy trọ nhỏ của gia đình ông là nơi cư ngụ của người LĐ tứ xứ.

“Có người từ các tỉnh miền Tây, có người từ miền Trung và có cả người xa tận ngoài miền Bắc, tuy xa cách địa lý nhưng họ về đây ở nhà trọ của tôi lâu năm nên xem nhau như người một nhà” - ông Be khẳng định. Gần 4 tháng gồng gánh với dịch, có lúc khó khăn, lúc thiếu thốn nhưng xóm trọ vẫn rộn rã tiếng cười…

Những tấm lòng san sẻ yêu thương từ các chủ nhà trọ như anh Trí, bà Loan hay ông Be cùng hàng ngàn nhà trọ khác trên khắp địa bàn tỉnh đã lan tỏa mạnh mẽ truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc. Nhà trọ vốn chỉ là chốn tạm của những người xa quê nay bỗng gắn kết, đong đầy tình cảm. Và trong hoạn nạn, gian khó vì dịch bệnh, tình người càng mênh mông trong những xóm trọ nhỏ!

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích