Tiếng Việt | English

24/09/2015 - 16:17

Tôn vinh nét đẹp ngành sân khấu

Hằng năm, cứ vào ngày 12-8 âm lịch, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn và những người làm công tác quản lý ngành sân khấu trong tỉnh lại về Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An dự họp mặt kỷ niệm ngày sân khấu Việt Nam. Đây không chỉ là nét đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân những bậc tiền nhân đã khai sáng bộ môn nghệ thuật truyền thống mà còn là ngày hội tôn vinh những người làm nghệ thuật.


Tiết mục văn nghệ trong ngày họp mặt

Phát huy giá trị ngành sân khấu

Long An không chỉ là một trong những chiếc nôi của nền âm nhạc tài tử Nam bộ mà còn là nơi sớm hình thành nghệ thuật sân khấu truyền thống như: Gánh hát bội của Nguyễn Quang Đại, lập ra ở xã Tân Lân do ông Cả Cương chu cấp; trường hát bội ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước mà đến hôm nay, cái tên Xóm Trường vẫn còn lưu danh. Hay đó là giai thoại về Huỳnh Duy Ngạn - người đặt nền móng cho nghề hát bội ở đất Tân An xưa, đến hôm nay mồ mả vẫn còn ở xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An.

Những năm chiến tranh, truyền thống của ngành sân khấu được khẳng định qua sự đóng góp của 2 Đoàn Văn công giải phóng Long An và Kiến Tường. Được thành lập vào những năm Đồng khởi, 2 đoàn văn công luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, đem tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa, vở kịch, trích đoạn cải lương,... phục vụ sự nghiệp đấu tranh, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những vở kịch Trăng lên khỏi núi, Dậy lửa (Nguyễn Vũ), Bám đất giữ làng (Trần Ngọc), Dòng máu (Phạm Ngọc Truyền), Máu rơi bám đất (Hà Mạnh Đức), Lá cờ giải phóng, Hồi trống đất (Nguyễn Hữu Thường), Tô thuốc độc, Cô Điền (Thanh Châu)..., cùng những tiết mục múa Giải phóng quân nhập thành, Những búp măng non, Xây làng chiến đấu, Trái lựu đạn gỗ, Ong vò vẽ đánh Mỹ,... là những tác phẩm tiêu biểu của sân khấu kháng chiến Long An - Kiến Tường năm xưa.

Khi đất nước hòa bình, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, Đoàn Xiếc nhân dân Long An, Trung tâm Văn hóa tỉnh tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị tinh thần của ngành sân khấu. Theo ông Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch- Nguyễn Văn Danh, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của 2 đoàn nghệ thuật đã tích cực rèn luyện, đạt những danh hiệu cao quý, trong đó có 1 NSND và 5 NSƯT. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ, diễn viên đạt các giải thưởng cao như giải triển vọng Trần Hữu Trang, giải Chuông Vàng, Chuông Bạc vọng cổ. Từ đầu năm 2015 đến nay, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã diễn 95 suất chủ yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đoàn Xiếc nhân dân Long An xây dựng nhiều tiết mục phong phú, đa dạng mang tính chuyên nghiệp, biểu diễn tại 14 điểm trong và ngoài tỉnh với 69 suất.

Ngoài ra, kịch bản cải lương từ chỗ vay mượn, chủ yếu là tuồng xưa tích cũ đã tập trung vào nội dung ca ngợi truyền thống lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những nhân tố mới, tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như vở Phố An cư, Người đánh rơi hạnh phúc... Nhiều cách làm mới như phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP.HCM, Xưởng phim Tây Đô, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thu, phát hình nhiều vở cải lương, chương trình ca cổ phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh.

Tiết mục văn nghệ trong ngày họp mặt

Ngày hội ngành sân khấu

Với bề dày truyền thống lịch sử của ngành sân khấu Long An, hàng năm, ngày 12-8 âm lịch là dịp để đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, những người làm công tác quản lý ngành sân khấu tỉnh nhà cùng họp mặt, dâng lên bàn thờ Tổ nghiệp nén tâm hương tỏ lòng tri ân. Nghệ sĩ Hoàng Oanh, một trong những gương mặt trẻ của Đoàn Cải lương Long An bày tỏ: “Sinh ra, lớn lên, lại được làm nghệ thuật ở Long An, Hoàng Oanh tự hào về truyền thống sân khấu tỉnh nhà – nơi có những bậc tiền nhân như nhạc sư Nguyễn Quang Đại, Cao Văn Lầu,... đã dày công khai sáng loại hình nghệ thuật truyền thống. Tiếp bước bậc tiền nhân, Hoàng Oanh luôn rèn luyện giọng ca, đạo đức nghề nghiệp để phục vụ khán giả thật tốt, góp thêm vào đời sống tinh thần của người dân sự vui tươi, thoải mái. Giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống là tri ân thế hệ ngày trước, là nét đẹp uống nước nhớ nguồn”.

Còn với nghệ sĩ Kim Phương, Long An dường như đã là quê hương thứ 2 sau nhiều lần nghệ sĩ cộng tác các chương trình sân khấu ở đây. Nghệ sĩ cũng từng dìu dắt một số diễn viên của Long An khi lên Sài Gòn biểu diễn. Họp mặt kỷ niệm ngày sân khấu năm nay là lần thứ 3 nghệ sĩ Kim Phương về dự ở Long An. Chia sẻ cảm xúc, nghệ sĩ Kim Phương bộc bạch: “Cũng như mọi năm, buổi họp mặt diễn ra ấm cúng, thân tình giữa anh em nghệ sĩ. Nhưng, năm nay, chương trình nghệ thuật được tổ chức công phu hơn. Điều này cho thấy nghệ thuật sân khấu ở Long An rất được quan tâm và ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt”.

Đặc biệt, kỷ niệm ngày sân khấu năm nay có thêm NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Minh Vương – những nghệ sĩ đã từng gắn bó với ngành sân khấu Long An về dự. Về lại Long An, “sầu nữ” Út Bạch Lan xúc động: “Lần đầu về dự họp mặt ngành sân khấu ở Long An, tôi rất vui khi gặp lại những đồng nghiệp gắn bó một thời. Hơn nữa, nhìn thế hệ diễn viên trẻ của Đoàn Long An ngày nay trưởng thành, hát hay, diễn tốt, tôi mừng lắm! Tôi mong rằng, các em, các cháu tiếp tục rèn nghề để đưa các loại hình sân khấu ngày càng phát triển, để cái tên Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An ngày càng trở nên quen thuộc với khán giả gần, xa”.

Ngày hội tôn vinh ngành sân khấu và những người làm nghệ thuật tỉnh nhà khép lại, nhưng đây là sự cổ vũ, động viên tinh thần để đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tiếp tục rèn nghề, cống hiến, phục vụ đời sống tinh thần nhằm góp phần xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa người dân./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết