Doanh thu tăng trưởng, kinh doanh có lãi…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, với EVNCPC lại có những thông tin tài chính tốt. Trên website của EVNCPC cho thấy, đơn vị này ghi nhận tới hơn 41.000 tỷ đồng doanh thu (tăng gần 8% cùng kỳ). EVNCPC cũng chưa tiết lộ chi tiết về lợi nhuận nhưng mức nộp ngân sách của đơn vị là gần 600 tỷ đồng và các đơn vị trực thuộc, công ty con, liên kết đều kinh doanh có lãi.
Nhiều năm trở lại đây, doanh thu của EVNCPC đều ghi nhận mức cao. Giai đoạn 5 năm liền trước (2017 đến 2021), doanh thu thuần của EVNCPC tăng trưởng 41%. Cụ thể, vào năm 2017, doanh thu thuần của đơn vị đạt 27.000 tỷ đồng, tới năm 2021 đã vượt mốc 39.000 tỷ đồng. Quy mô tài sản của EVNCPC cũng tăng mạnh, từ mức 26.400 tỷ đồng (năm 2017) lên tới 34.500 tỷ đồng (năm 2021).
Tổng công ty Điện lực miền Trung nợ lương nghìn tỷ đồng, thua kiện khách hàng. (Ảnh: KT)
Đồng thời, đơn vị này cũng có hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng giúp mỗi năm doanh nghiệp thu về cả trăm tỷ đồng từ lãi tiền gửi và cho vay. Cụ thể, trong cơ cấu tài sản của EVNCPC, tiền mặt bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn giai đoạn năm 2017 – 2021 duy trì ở mức từ 3.600 - 4.700 tỷ đồng.
…nhưng nợ lương, thua kiện phải bồi thường khách hàng
Tuy nhiên, nhiều năm qua, báo cáo tài chính của EVNCPC vẫn cho thấy, giai đoạn 2017 – 2021, doanh nghiệp đang phải trả nợ lương, thưởng cho người lao động lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ghi nhận tại ngày 31/12/2021, số tiền EVNCPC phải trả cho người lao động là 1.100 tỷ đồng. Trong khi năm trước đó (2020), khoản mục nợ phải trả người lao động của EVNCPC là 1.200 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2019. Ghi nhận BCTC qua các năm giai đoạn 2017-2021, khoản nợ người lao động của EVNCPC dao động trong khoảng trên dưới 50% tổng quỹ lương.
Nhiều năm qua, EVNCPC cũng nợ quỹ phúc lợi khen thưởng. Cụ thể, tính tại thời điểm ngày 31/12/2021, số tiền nợ quỹ này cũng đã lên tới 948 tỷ đồng. So với thời điểm ngày 31/12/2017, số nợ phải trả quỹ phúc lợi khen thưởng của EVNCPC đã tăng tới khoảng 30% (667 tỷ đồng).
Ngoài việc nợ lương, nợ quỹ phúc lợi xã hội, trong năm 2022, EVNCPC và nhiều đơn vị trực thuộc đã bị Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ “nhắc” tên liên quan tới các sai phạm dự án điện mặt trời.
Đáng chú ý nhất, cũng trong năm này, EVNCPC và Công ty Điện lực Gia Lai thua kiện và bị buộc phải liên đới thanh toán gần 12 tỷ đồng tiền điện chưa thanh toán và tiền lãi suất do chậm thanh toán cho 2 doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà.
Cụ thể, bản án số 17/2022/KDTM-ST về việc "Tranh chấp hợp động mua bán điện" của TAND TP. Pleiku (Gia Lai) có nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (Cty Thanh Danh) và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (Cty Vạn Phát), cùng do bà Nguyễn Thị Mộng Huyền làm giám đốc. Bị đơn trong vụ án là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai.
Nội dung bản án cho thấy, ngày 26/12/2020, nguyên đơn ký hợp đồng mua bán điện hệ thống mặt trời mái nhà với đại diện theo ủy quyền của EVNCPC và Công ty Điện lực Gia Lai.
Sau khi ký hợp đồng, bên bán điện đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Công ty Điện lực Gia Lai và được thanh toán tiền điện 3 tháng (từ tháng 12/2020-2/2021). Tuy nhiên, từ tháng 3/2021, Công ty Điện lực Gia Lai đã tự ý tạm ngưng thanh toán cho 2 doanh nghiệp trên.
Nguyên nhân do Công ty Điện lực Gia Lai cho rằng, hệ thống điện mái nhà của hai đơn vị bán điện đã nâng công suất trong hợp đồng mua bán điện tương ứng với 953 tấm pin lắp dư, đã vi phạm nên “không xác nhận sản lượng điện sản xuất để thanh toán tiền điện là đúng”.
Qua quá trình xét xử, HĐXX nhận định, hợp đồng mua bán điện giữa hai bên thống nhất điện năng mua bán không xác định theo công suất lắp đặt mà căn cứ vào sản lượng điện năng thực thế của nguyên đơn sản xuất được, phát lên lưới của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thông qua công tơ đó đếm.
Như vậy, sản lượng điện thực tế mà bên nguyên đơn phát lên lưới của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung có thể cao hơn, thấp hơn và thay đổi phụ thuộc vào điện năng sản xuất được.
Đặc biệt, con số này chưa vượt quá đỉnh công suất lắp đặt (không quá 1MW và 1,25 MWp) mà pháp luật quy định.
Từ các nhận định trên, TAND TP. Pleiku quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải liên đới thanh toán cho nguyên đơn số tiền gần 12 tỷ đồng, gồm tiền điện và lãi do chậm thanh toán./.
Phương Hoài/VOV.VN