Tiếng Việt | English

22/11/2022 - 19:50

Trao tình yêu văn học cho các thế hệ học sinh

34 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo ưu tú Lê Thị Mộng - giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Trần Phú (TP.Tân An, tỉnh Long An), vẫn nhớ những tiết dạy ấn tượng của thầy, cô thời phổ thông, nhất là thầy Nguyễn Quang Ấn. Từ nội dung kiến thức, cách truyền đạt đến tác phong giảng dạy đều thu hút học sinh (HS) nên từ đó, cô Mộng thêm yêu nghề giáo và ước mơ trở thành giáo viên.

Năm 1988, cô Mộng chính thức trở thành cô giáo. Những năm đầu vào nghề, cô công tác ở huyện Vĩnh Hưng. Chỗ ở cũng là lớp học của lớp, gồm 3-4 HS, mùa lũ vô cùng vất vả. Lương giáo viên thời điểm ấy rất thấp nên nhiều giáo viên bỏ nghề, riêng cô Mộng vì tình yêu nghề quá lớn, nhất là quyết tâm tiếp bước thế hệ nhà giáo đi trước nên kiên trì bám trường, bám lớp, “bền gan, vững chí” với sự nghiệp “trồng người” cao cả.

“Thời điểm đó, đến mùa lũ, cô và trò đều gian nan lắm! Nước ngập cao, tôi phải đứng trên xuồng để giảng bài. Cực nhọc là vậy nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ giúp tôi chiến thắng tất cả. Bởi mọi khó khăn rồi sẽ qua, chỉ có tình yêu nghề là còn mãi” - cô Mộng bộc bạch.

Cô Lê Thị Mộng biểu dương học sinh có phương pháp học tập hiệu quả

Trải qua nhiều đơn vị công tác, cô Mộng vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề như thế và luôn hết lòng vì HS thân yêu. Mỗi tiết dạy của cô đều được đầu tư chỉn chu và đặt tâm huyết vào trong đó nhằm giúp HS hứng thú học tập. Cô chú trọng xoáy vào kiến thức trọng tâm; đồng thời, tích hợp các kiến thức liên quan vào bài giảng để tiết học thêm sinh động. Cô còn vận dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm vào giảng dạy để giúp HS tiến bộ, đặc biệt là sáng kiến “Giúp HS học tốt Văn học trung đại Việt Nam”.

Theo cô Mộng, đặc thù của Văn học trung đại dài, nhiều sự kiện, nhân vật, điển tích, điển cố,... dễ làm HS ngán. Do vậy, các em chưa chủ động tiếp nhận kiến thức và chưa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mà giáo viên đề ra, từ đó thiếu sự sáng tạo, hợp tác. Trước thực tế đó, cô Mộng áp dụng giải pháp hình thành cách học kiến thức qua các dạng bài: Hịch, cáo, chiếu, tấu, thơ, truyện,... để so sánh, đối chiếu, qua đó tìm hiểu kiến thức cần nắm. Cô còn gợi ý kiến thức cần tìm hiểu và tổ chức cho HS thảo luận tìm kiến thức, sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học. Cô sử dụng ảnh chân dung tác giả, văn bản gốc, văn bản dịch, các phần nhận định, đánh giá của các nhà phê bình,... để tiết học thêm trực quan, sinh động.

Cô Lê Thị Mộng lồng ghép các hoạt động trò chơi, văn nghệ để tiết học thêm sinh động và hấp dẫn

Cô Mộng chia sẻ: “Nhờ áp dụng phương pháp trên, HS tập trung trong giờ học, say mê nghiên cứu, hăng say phát biểu ý kiến. Các em trình bày hiểu biết về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm, những câu hỏi đọc hiểu văn bản khá chính xác và có thể xâu chuỗi lại các nội dung vừa học. Các em tự tích lũy kiến thức mới qua việc thảo luận cặp, nhóm hay mạnh dạn hơn trong việc trình bày ý kiến của bản thân và tự tin tranh luận cùng các bạn về nội dung bài. Nhờ đó, tiết học Văn trung đại nhẹ dàng, hấp dẫn và giúp các em yêu thích học văn hơn”.

Trong quá trình giảng dạy, cô Mộng kịp thời phát hiện những HS có năng khiếu văn, từ đó phát huy năng lực của các em cũng như bồi dưỡng để tham gia thi HS giỏi. Riêng những HS còn yếu, chưa nắm chắc bài, cô quan tâm, rà roát lại xem hỏng kiến thức phần nào để kịp thời phụ đạo; đồng thời, phối hợp phụ huynh kiểm tra, theo sát việc học của các em.

Với cô Mộng, dạy Văn không chỉ cung cấp kiến thức mà còn truyền cảm hứng về tình yêu môn Văn và bồi đắp tâm hồn của HS. Bởi giỏi văn, các em trau chuốt hơn trong lời nói, câu văn. Đặc biệt, hiểu ý nghĩa, bài học rút ra từ các tác phẩm văn học, các em thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước và giá trị cuộc sống. Đó cũng là cách cô Mộng trao truyền về tình yêu văn học và ý nghĩa của môn Ngữ văn đến các thế hệ HS./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích