Tiếng Việt | English

21/02/2025 - 13:24

Triển khai quy định cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu năm 2025  

Sáng 21/02, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản Long An tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai các quy định về cấp mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) xuất khẩu năm 2025.

Dự hội nghị có các đại biểu gồm lãnh đạo, chuyên viên các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố, cùng đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản - Nguyễn Văn Cường phát biểu tại hội nghị

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản - Nguyễn Văn Cường báo cáo về tình hình cấp mã số CSĐG trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 170 mã số CSĐG, trong đó, thanh long chiếm 106 mã, chuối 1 mã, chuối - mít - sầu riêng - xoài 21 mã, khoai lang 3 mã, dưa hấu 1 mã, dừa 7 mã và 31 mã dành cho các sản phẩm khác.

Năm 2024, tỉnh tiếp nhận 20 hồ sơ đề nghị cấp mới mã số CSĐG. Tuy nhiên, quá trình cấp và quản lý CSĐG vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trước các quy định kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu, như Trung Quốc với các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) trong Nghị định thư, Lệnh 248, 249.

Bên cạnh đó, nhiều CSĐG chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, BRC, ISO 22000, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hạ tầng cơ sở chưa bảo đảm yêu cầu, từ việc phân khu sản xuất, hệ thống ghi chép phục vụ truy xuất nguồn gốc đến vấn đề ATTP.

Để nâng cao năng lực xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất tập trung vào ba giải pháp chính, tăng cường năng lực quản lý, xây dựng liên kết bền vững và ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Hội nghị cũng hướng dẫn các đại biểu về quy định bảo đảm ATTP trong sơ chế, đóng gói nông sản theo yêu cầu của Việt Nam và các nước nhập khẩu cũng như các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại.

Theo đó, CSĐG phải bảo đảm cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn, có hệ thống phân khu riêng biệt, nền cứng, không đọng nước và tuân thủ nguyên tắc đóng gói một chiều. Đồng thời, phải trang bị đầy đủ trang thiết bị xử lý sản phẩm, đảm bảo nhân công có kiến thức về kiểm soát sinh vật gây hại và tuân thủ nghiêm quy trình đóng gói.

Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là hướng dẫn các CSĐG xây dựng hệ thống hồ sơ đầy đủ, bao gồm quy trình đóng gói (SOP), hồ sơ kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ nguồn gốc nông sản, hồ sơ vệ sinh và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các đại biểu còn được hỗ trợ cập nhật dữ liệu trên phần mềm Quản lý mã số đóng gói xuất khẩu để tăng hiệu quả quản lý.

Các đại biểu dự hội nghị

Tại phần thảo luận, nhiều đại biểu mạnh dạn chia sẻ những khó khăn thực tế trong việc đáp ứng các quy định kiểm soát khắt khe của nước nhập khẩu. Việc nâng cấp CSĐG để đạt tiêu chuẩn quốc tế vẫn là một thách thức lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Đồng thời, một số bất cập trong các quy định hiện hành cũng được đề cập, đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Hội nghị lần này không chỉ giúp các cơ sở hiểu rõ quy trình cấp mã số CSĐG mà còn tạo diễn đàn để trao đổi, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Với sự chủ động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng sự đồng hành của doanh nghiệp, Long An kỳ vọng sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và khẳng định vị thế nông sản địa phương trên trường quốc tế./.

Phương Thảo

Chia sẻ bài viết