Tiếng Việt | English

08/08/2023 - 10:42

Trồng thanh long - Tiếp tục hay dừng lại? (Bài 1)

Thanh long từng được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An và một số địa phương khác trong tỉnh "ăn nên làm ra" nhưng đến hiện tại, người trồng thanh long đang “lao đao” vì giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Họ đứng trước lựa chọn dừng lại, chuyển sang trồng loại cây khác hoặc phải chuyển hướng sản xuất thanh long sạch.

Bài 1: Thanh long đã hết thời?

Sau dịch Covid-19, kinh tế tiếp tục khó khăn, có thời điểm giá thanh long “chạm đáy” khiến nhiều nhà vườn tại “thủ phủ thanh long” Châu Thành mất trắng. Đã có những nhà vườn phá bỏ cây thanh long để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Nhiều vườn thanh long bị bỏ hoang

Có mặt tại vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh, không khí khá trầm lắng. Từ thị trấn Tầm Vu xuôi theo đường 30/4 đến xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành), chúng tôi thấy khá nhiều vườn thanh long đang bị bỏ hoang hoặc chuyển sang cây trồng khác.

Nông dân từ bỏ thanh long do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài trong khi giá vật tư nông nghiệp, nhân công lại tăng cao khiến chi phí sản xuất liên tục tăng. Trước tình hình đó, một số hộ dân chọn cây trồng khác và nhanh chóng chuyển đổi ngay trong mùa dịch. Những hộ khác do gặp khó khăn về nguồn vốn vẫn loay hoay bỏ vườn hoang, phân vân giữa việc tiếp tục trồng thanh long hay chuyển sang cây khác.

Nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành bỏ vườn khi cây đang cho trái

Ông Nguyễn Văn Chính trồng thanh long lâu năm tại ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành. Vườn thanh long của ông Chính có diện tích 4.000m2. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, ông bỏ hoang vườn. Vườn thanh long xanh mướt trước đây giờ chỉ còn là những trụ cây khô quắt, cỏ ngập đầy lối đi, không còn khả năng hồi phục. Hiện tại, vườn thanh long của ông chỉ được tận dụng thu hoạch cỏ nuôi bò.

Ông Chính thổ lộ: “Vườn thanh long này trồng lại khoảng 8 tháng, chưa cho thu hoạch thì gặp mấy năm dịch bệnh. Nay kinh tế bắt đầu hồi phục, tôi cũng dự định trồng lại thanh long nhưng đang phân vân vì chi phí đầu tư khá lớn trong khi giá thanh long không ổn định”.

Trung bình, giá bán đối với thanh long xử lý ra hoa trái vụ từ 10.000-12.000 đồng/kg nông dân mới có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thanh long liên tục giảm mạnh nên các chi phí đầu tư như tiền điện, phân bón, nhân công,... trở thành "gánh nặng" với nông dân.

Quyết tâm chuyển đổi

Giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, nhiều nông dân chuyển đổi từ trồng thanh long sang cây trồng khác (Trong ảnh: Ông Lê Bốn (ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chuyển từ trồng thanh long sang trồng quýt)

Diện tích thanh long ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là những vườn mít, ổi, quýt,... xanh mướt. Ông Lê Bốn (ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) là một trong những hộ dân trồng thanh long đầu tiên của xã. Tuy nhiên, sau thời gian dài giá thanh long không ổn định, ông chuyển sang trồng quýt đường. Hiện tại, 1.000 gốc quýt 12 tháng tuổi của ông phát triển tốt.

Ông Bốn cho biết: “Sau 10 năm trồng thanh long, cây già cỗi nên tôi phá bỏ, định trồng lại nhưng giá thanh long không còn như trước nên tôi chuyển sang trồng quýt. Trồng quýt đầu tư ít chi phí hơn thanh long, chủ yếu tiêu thụ trong nước”.

Tại ấp 1, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, những vườn thanh long nay được thay bằng những cánh đồng hoa màu, lúa tươi tốt. Trước đây, thấy nhiều người trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông Huỳnh Văn Chính (ấp 1, xã Tân Phước Tây) cũng chuyển sang trồng loại cây này.

Những năm đầu, vườn thanh long của gia đình ông cho năng suất khá, giá bán cao nên lợi nhuận nhiều. Thấy người dân trồng thanh long nhiều, ông đầu tư hạ thế điện để cho thuê phục vụ xử lý ra hoa trái vụ. Tuy nhiên, “niềm vui chẳng tày gang”, từ sau dịch Covid-19 đến nay, giá bán thanh long xuống thấp. Sau 2 năm, không những không thu hồi được vốn, ông còn lỗ trên 100 triệu đồng. Vì vậy, ông quyết định chuyển sang trồng hoa màu. Theo ông Chính, người chịu thiệt hại nặng nhất là những nhà vườn mới trồng khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện tại, toàn bộ khu vực nơi ông Chính ở chỉ còn 2 hộ trồng thanh long.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành, Thủ Thừa đã phá bỏ vườn trồng thanh long kém hiệu quả. Giá thanh long liên tục xuống thấp khiến nông dân không "mặn mà" sản xuất. Nhiều hộ dân trồng thanh long vẫn chưa biết “tiếp tục” hay “nên dừng”./.

Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh khoảng 8.900ha (giảm khoảng1/4 diện tích so với tháng 4/2021), tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An,... Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha. Năng suất đạt 274 tạ/ha, sản lượng đạt 262.826 tấn.

(Còn tiếp)

Nhóm PV

Bài 2: Vì đâu nên nỗi?

Chia sẻ bài viết