Tiếng Việt | English

15/09/2016 - 09:18

Trung thu đầm ấm, nghĩa tình

7 giờ tối, căn nhà của chị Nguyễn Thị Thu Vui, ở xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An rộn ràng hơn những ngày thường. Dù trời tối và nhiều muỗi nhưng trẻ con trong xóm vẫn háo hức tận dụng khoảng sân nhà chị để vui tết Trung thu.

Khoảng 10 đứa trẻ mân mê chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Có đứa có cả mặt nạ và tò he. Đứa lớn hơn tự tay thắp đèn cầy, đứa nhỏ được ba mẹ giúp. Tụi nhỏ cầm đèn lồng chạy khắp sân nhà. Chị Vui nói rằng: "Năm nào cũng vậy, đến tết Trung thu, UBND xã tổ chức tặng quà cho bọn trẻ. Năm nay, tụi nó mới vừa nhận đèn trung thu về, nghe đâu là của nhà tài trợ tặng cho trẻ em vùng sâu".


Các em nhỏ xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh vui Trung thu

Vượt đoạn đường hơn 40km, chị Phạm Út Thủy, ở ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng chạy đi nhận bánh trung thu đem về trao cho trẻ em ở xã biên giới. 50 em nhỏ nhận quà trung thu hôm ấy phần đông là con của Việt kiều Campuchia. Một buổi chiều cách đây vài ngày, dù trời mưa lâm râm nhưng bọn trẻ có mặt đông đủ tại nhà chị.

Cầm chiếc bánh trung thu vừa nhận được trên tay, cậu bé Võ Văn Hên, chừng 10 tuổi nói với giọng hồn nhiên: “Trước giờ, em chỉ được thấy bánh trung thu trên tivi ở nhà bạn An chứ chưa được ăn. Nay em để dành bánh này đem về cho ba mẹ cùng ăn”. Lời nói của cậu bé nhỏ thó, nước da ngăm đen ấy khiến cho chị Thủy cảm động. Chị dặn Hên rằng, đây là bánh không có chất bảo quản nên phải ăn liền, không được để lâu.

Hên là con của chị Hồ Thị Kim Ngân, Việt kiều Campuchia vừa trở về sinh sống tại xã Hưng Điền A. Gia đình em sinh sống trong một căn nhà tạm nằm dọc tuyến kênh Cái Cỏ. Ba mẹ em hàng ngày đi làm mướn để lo cho cả gia đình. Vào mùa nước, tối đến ba mẹ em đi bắt cá, ếch. Vì không có hộ khẩu nên Hên không thể đến trường như các bạn. Em chỉ có thể thỏa mãn ước mơ đi tìm con chữ của mình tại lớp học tình thương do các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bến Phố giảng dạy.

Nhìn các em nhỏ vui Tết Trung thu làm tôi như nhớ lại hình ảnh mình của nhiều năm về trước. Khi ấy, cuộc sống nơi thôn quê còn vất vả nhưng để các con có một cái Tết Trung thu như chúng bạn, ba tôi bỏ buổi làm, tự tay làm chiếc đèn ông sao cho mấy chị em. Mẹ bận đi chợ mua một ít đồ dùng. Mấy chị em chúng tôi cùng ba ngồi cắt giấy, dán quanh chiếc đèn ông sao. Những chiếc đèn ông sao xanh xanh, đỏ đỏ, đầy màu sắc sặc sỡ được làm từ những vật liệu rất đỗi thân quen của làng quê nghèo vẫn còn in đậm mãi trong ký ức tôi.


Trẻ em Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật cười thật tươi khi vui Tết Trung thu

Ngày ấy, vào dịp tết Trung thu, chính quyền địa phương phân công nhiều cô, chú đến tận các gia đình quyên góp tiền để bọn trẻ vui hội trăng rằm. Buổi chiều khoảng 4 giờ, từng nhóm trẻ em trong xóm tập trung lại nhà của một hộ dân vừa cầm chiếc đèn, vừa chơi trò rồng rắn lên mây. Cả đám vừa đi vòng tròn, vừa hát. Phần thưởng cho chúng tôi dù chỉ là một viên kẹo nhưng cả bọn đều tranh nhau giành lấy.

Tôi còn nhớ, buổi chiều ngày 14, cả bọn đều hồ hởi khi loa phát thanh của UBND xã thông báo về việc đi nhận bánh trung thu vào sáng hôm sau. Phần quà dành cho chúng tôi là một cái bánh nướng, chia theo số lượng trẻ em được các gia đình đăng ký trước đó. Đứa nào năm đó học giỏi, được xã ưu tiên cho nhận 2 cái.

Chị em tôi nhiều năm xa quê, đi theo tiếng gọi của ước mơ nhưng những kỷ niệm về cái tết Trung thu thời thơ bé vẫn in đậm mãi. Ngày nay, bọn trẻ quê tôi và cả nơi tôi sinh sống, làm việc đều có một cái tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm, hơn hẳn tụi tôi ngày ấy. Tôi cảm nhận rằng, để bọn trẻ hưởng một cái Tết Trung thu ấm áp, yêu thương, không chỉ có sự chuẩn bị, vun đắp của gia đình mà còn có sự chung tay của toàn xã hội./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết