Tiếng Việt | English

02/05/2023 - 14:32

Trường trung cấp, cao đẳng Việt Nam có thể đào tạo chương trình của nước ngoài

Hiệu trưởng trường trung cấp, cao đẳng có thể lựa chọn chương trình đào tạo của một cơ sở khác ở trong và ngoài nước hoặc một chương trình chuyển giao từ nước ngoài trên cơ sở tư vấn của hội đồng chuyên môn để áp dụng thực hiện tại trường mình.

Đó là một trong những nội dung mới tại dự thảo thông tư quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo và tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình trình độ trung cấp, CĐ do Bộ LĐ-TB-XH vừa đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Thông tư này sẽ thay thế cho thông tư với cùng nội dung năm 2017.

Theo đó, dự thảo quy định chương trình đào tạo CĐ và trung cấp có 2 hình thức là đào tạo là theo niên chế và theo tích lũy mô đun (module) hoặc tín chỉ.

Cụ thể, với hình thức niên chế, thời gian chương trình đào tạo trình độ CĐ là từ 2-3 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức theo từng ngành, nghề đào tạo tối thiểu 60 tín chỉ.

Thời lượng thực hành bậc trung cấp phải chiếm tỷ lệ từ 55-75% toàn chương trình

Đối với trình độ trung cấp, thời gian đào tạo từ 1-2 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức theo từng ngành, nghề đào tạo tối thiểu 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THPT, tối thiểu 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định về thời gian học kiến thức nghề, bên cạnh đó học sinh tốt nghiệp THCS phải học đủ khối lượng kiến thức văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định.

Với hình thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ, người học tích lũy đủ số lượng mô đun hoặc tín chỉ quy định trong chương trình đào tạo là hoàn thành chương trình.

Dự thảo cũng quy định rõ thời gian học lý thuyết và thời gian thực hành, thực tập, thí nghiệm tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo lý thuyết chiếm tỷ lệ 25-45%; thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm tỷ lệ từ 55-75% đối với trình độ trung cấp.

Đối với trình độ CĐ, lý thuyết chiếm từ 30-50% và thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 50-70%.

Một tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ tự học hoặc bằng 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận và 15 giờ tự học hoặc bằng 45 giờ thực tập tại cơ sở, làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án, khóa luận tốt nghiệp.

Trong khi đó, một giờ học thực hành/tích hợp là 60 phút, một giờ học lý thuyết là 45 phút.

Tại thông tư năm 2017, ở nội dung này, quy định một ngày học thực hành/tích hợp không quá 8 giờ, một ngày học lý thuyết không quá 6 giờ và mỗi tuần học không quá 40 giờ thực hành/tích hợp hoặc 30 giờ lý thuyết. Tuy nhiên dự thảo thông tư mới không còn yêu cầu như vậy.

Đối với việc biên soạn, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trung cấp và CĐ là do hiệu trưởng quyết định, trong đó có việc thành lập ban chủ nhiệm/tổ biên soạn, hội đồng thẩm định.

Hiệu trưởng cũng có thể lựa chọn chương trình đào tạo của một cơ sở đào tạo khác ở trong và ngoài nước hoặc một chương trình chuyển giao từ nước ngoài trên cơ sở tư vấn của hội đồng chuyên môn để áp dụng thực hiện tại trường mình. So với quy định năm 2017 thì đây là một điểm mới được đưa vào.

Quy định tại dự thảo thông tư này là tối đa 5 năm chương trình đào tạo phải được tổ chức đánh giá lại để cải tiến, cập nhật, bổ sung những thay đổi trong quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực của người học để phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của thị trường lao động. Còn ở thông tư cũ, quy định 3 năm một lần hiệu trưởng các trường phải thành lập hội đồng chuyên môn để tổ chức đánh giá lại chương trình đào tạo đã ban hành để cập nhật, bổ sung những thay đổi trong quy định của nhà nước, những tiến bộ mới của khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngành, nghề đào tạo...

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết