Tiếng Việt | English

07/10/2024 - 08:17

Tú tài Trà Quý Bình - Hào kiệt đất Châu Thành

Châu Thành là mảnh đất giàu truyền thống, sinh ra những người con ưu tú. Trong đó, tú tài Trà Quý Bình là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất. Và Châu Thành hôm nay vẫn tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống đó trong hành trình xây dựng quê hương.

Đường Trà Quý Bình tại TP.Tân An

Đường Trà Quý Bình tại TP.Tân An

Sáng ngời lòng yêu nước

Tại phường 2, TP.Tân An có một tuyến đường mang tên Trà Quý Bình, nối từ đường Võ Văn Tần đến khu vực Bến xe Long An. Tuyến đường không dài, được mang tên một nhà yêu nước, chống thực dân Pháp từ khi chúng vừa bước chân đến Nam Kỳ. Ông là người cùng thời, cùng quê với Nguyễn Thông và từng “chung lưng đấu cật” với Phan Văn Đạt trong phong trào chống thực dân Pháp tại khu vực cầu Biện Trẹt (huyện Châu Thành ngày nay).

Năm 1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Định, âm mưu xâm chiếm cả Nam Kỳ. Nhân dân khắp nơi nổi lên chống giặc, nhiều “ngọn cờ nghĩa” được dựng lên, trong đó có Trà Quý Bình.

Đầu năm 1861, Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hòa, xua quân đánh chiếm Tân An, Gò Công. Lúc đó, cử nhân Phan Văn Đạt cùng tú tài Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa tại Châu Thành. Cùng thời điểm, Trà Quý Bình cũng từ Sài Gòn (TP.HCM) về quê tuyển mộ trai tráng, đưa theo Phan Trung chống Pháp ở Tân An. Không lâu sau, Phan Trung và Trà Quý Bình cùng hợp sức với Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị trong công cuộc đánh Tây. Nhà yêu nước Nguyễn Thông cũng thường xuyên lui tới doanh trại của nghĩa quân ở Châu Thành để cùng họp bàn công việc.

Trận tập kích đồn giặc ở vàm rạch Châu Phê vào đêm 20 rạng ngày 21-6 năm Tân Dậu (1861) do Trà Quý Bình chỉ huy là một trận tấn công được xem là “xuất quỷ nhập thần”, được nhiều người ca ngợi và được người viết sử xem như sự kiện khởi thủy của đặc công nước ở Nam Kỳ.

Lúc đó, nhân lúc nửa đêm trời tối, ông cho toán nghĩa quân cạo trọc đầu, thủ dao, mình quấn xà rông, lội sông rồi trét sình đen xông lên đột nhập vào phủ lỵ, giết chết tri phủ Việt gian đầu tiên của Pháp là Trần Quang Tâm cùng nhiều lính Tây, thu toàn bộ khí giới, đốt cháy đồn trước khi tàu chiến của Pháp đến ứng cứu.

Sau trận “thua đau”, thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh úp đại bản doanh của nghĩa quân. Chúng bắt được cử nhân Phan Văn Đạt, hương thân Lê Cao Dõng cùng nhiều nghĩa quân.

Sau khi Phan Văn Đạt hy sinh, Trà Quý Bình hợp lực với Trương Định chống thực dân Pháp ở Gò Công. Trương Định hy sinh năm 1864 thì ông tạm lánh về Vĩnh Long rồi ra Huế.

Năm 1869, sau nhiều lần từ chối lệnh gọi ra làm quan của triều đình, Trà Quý Bình ra nhận chức tri phủ. Sau đó ông lần lượt giữ các vị trí: Tri phủ Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Án sát các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi rồi làm Bố chánh tỉnh Quảng Bình. Ở mọi cương vị, ông đều tỏ rõ là viên quan có năng lực điều hành, yêu nước, cương trực và thương dân. Ông cũng là người đầu tiên đề nghị Triều đình chính thức ghi công Trương Định và được chấp thuận.

Theo Lịch sử tên đường TP.Tân An, từ năm 1883 đến cuối đời, Trà Quý Bình gặp nhiều “sóng gió”. Có lúc ông sống ẩn dật ở Khánh Hòa, làm Dinh điền sứ Bình Thuận. Có khi bị tên Việt gian Trần Bá Lộc cáo giác với triều đình việc ông ngầm xúi dân chống Pháp, ông bị triều đình cách chức, quản thúc tại Huế. Sau đó, ông được phục hàm Hàn lâm viện Biên tu. Trà Quý Bình mất tại Huế ngày 20/02/1894 (nhằm ngày 15 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ).

Châu Thành hôm nay

Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, huyện Châu Thành có gần 3.000 liệt sĩ, 517 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 8 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 9 xã anh hùng.

Trong công cuộc xây dựng quê hương, Châu Thành là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đầu tiên hoàn thành các thủ tục để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025. Đặc biệt, An Lục Long là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Hiện nay, theo định hướng của Huyện ủy, Châu Thành đang triển khai áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới vào sản xuất nông nghiệp; phát triển theo hướng liên kết, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Từ khi hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, kết cấu hạ tầng, KT-XH, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tập trung thực hiện và ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đạt 96,31%.

Chương trình quốc gia giải quyết việc làm được triển khai, thực hiện hiệu quả. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Toàn huyện không còn nhà tạm, hộ nghèo cuối năm 2023 giảm còn 0,35%. Thu nhập bình quân hiện đạt 71,09 triệu đồng/người/năm. Chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Hơn một thế kỷ trôi qua nhưng những tấm gương sáng của tiền nhân vẫn được lưu truyền và tiếp nối. Với những thành tựu đã đạt, huyện Châu Thành đang từng bước khẳng định vị thế và xứng đáng là quê hương của những con người anh hùng./.

Trà Quý Bình tên thật là Duy Minh, tự là Quý Bình. Ông sinh năm 1828 ở thôn Bình Quới, tổng Thạnh Hội Thượng, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Từ nhỏ, Trà Quý Bình có tiếng thông minh, năm 20 tuổi, ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Do liên tiếp tang mẹ rồi tang cha, ông không đi thi lên nữa nhưng vẫn được biết tiếng.

Cùng với Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt, Trà Quý Bình là một nhà yêu nước, anh hào của đất Châu Thành. Những cá nhân kiệt xuất ấy đã tạo nên truyền thống anh hùng của đất Châu Thành.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết