Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Năm 2018, ĐHQG TP.HCM dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên xét tuyển một phần chỉ tiêu. Đây là phương án tuyển sinh mới, bên cạnh các hình thức tuyển sinh đã được áp dụng từ năm 2017.
Thay đổi cách xét tuyển
TS Dương Tôn Thái Dương - phó trưởng ban đào tạo ĐH (ĐHQG TP.HCM) - cho biết các trường sẽ sử dụng một phần chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả này. Tuy nhiên, phương án này hiện vẫn đang được các trường bàn thảo, dự kiến đầu tháng 01/2018 sẽ công bố chính thức.
Liên quan đến đề nghị bỏ quy định buộc thí sinh xét tuyển vào trường phải đạt ngưỡng điểm sơ tuyển tối thiểu 6,5 (điểm trung bình 3 năm học THPT), ông Dương cho biết đây là đề xuất của Trường ĐH Kinh tế - luật, không phải ý kiến chung của các trường.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM - cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi này như ngân hàng đề thi, cách thức tổ chức kỳ thi... đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và khoa học.
Theo thông tin từ các trường thành viên, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển căn cứ vào bài thi đánh giá năng lực sẽ không nhiều. Hầu hết các trường dự kiến dành 10-20% chỉ tiêu để xét tuyển theo hình thức này.
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho biết nếu áp dụng xét tuyển theo hình thức này, trường chỉ tuyển sinh đối với các ngành có điểm chuẩn cao những năm trước. Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến cũng chỉ xét tuyển đối với các ngành có điểm chuẩn cao, thu hút thí sinh.
Theo TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), phương án tuyển sinh năm 2018 của trường có một số thay đổi so với năm trước. Ngành bảo dưỡng công nghiệp đang được ĐHQG TP.HCM xem xét nâng cấp lên ĐH và dự kiến tuyển sinh trong năm 2018.
Bên cạnh đó, một số ngành tuyển sinh theo nhóm sẽ được tách ra tuyển sinh riêng. Trong đó, các ngành thuộc nhóm kỹ thuật giao thông gồm công nghệ kỹ thuật ôtô, kỹ thuật tàu thủy và kỹ thuật hàng không sẽ được tuyển sinh riêng, có điểm chuẩn riêng, không xác định điểm chuẩn theo nhóm như trước.
Ngành kỹ thuật nhiệt cũng được tách khỏi nhóm ngành cơ khí để xác định điểm chuẩn riêng.
ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết năm 2018 trường sẽ có một số thay đổi về phương thức tuyển sinh. Theo đó, trường sẽ tuyển sinh riêng tất cả các ngành, thay vì tuyển sinh theo nhóm ngành như trước, các ngành sẽ được xác định điểm chuẩn riêng.
Thêm ngành mới,
thay đổi tổ hợp xét tuyển
ThS Nguyễn Văn Đương cho biết năm nay trường sẽ bổ sung tổ hợp D07 (toán - hóa - Anh) cho hầu hết các ngành, đồng thời bỏ tổ hợp D90 (toán - Anh - khoa học tự nhiên). Theo ông Đương, số lượng thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp D90 năm 2017 quá ít nên trường quyết định không tuyển sinh bằng tổ hợp này nữa.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) cũng sẽ bỏ tổ hợp toán - Anh - khoa học tự nhiên vì lượng thí sinh xét tuyển không nhiều.
Còn theo ông Phạm Thái Sơn - phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, phương án tuyển sinh của trường vẫn như năm 2017. Riêng về tổ hợp xét tuyển, năm nay trường sẽ có thay đổi lớn. Theo đó, tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường đều có môn tiếng Anh.
“Tổ hợp toán - lý - hóa sẽ được chuyển thành toán - hóa - Anh, toán - văn - khoa học tự nhiên sẽ được chuyển thành toán - Anh - khoa học tự nhiên. Như vậy, một ngành có thể tuyển nhiều tổ hợp, nhưng mỗi tổ hợp đều có môn tiếng Anh trong đó.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng là xác định chỉ tiêu theo ngành hay chỉ tiêu tổng nên trường vẫn phải chờ” - ông Sơn nói thêm.
Cũng trong kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH bắt đầu tuyển sinh ngành mới. Trong đó Trường ĐH Văn hóa TP.HCM dự kiến tuyển ba ngành mới gồm du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Trường ĐH Giao thông vận tải mở thêm ba ngành học mới: quản lý xây dựng, kỹ thuật công trình thủy và toán ứng dụng. Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển sinh năm ngành mới: năng lượng tái tạo, thiết kế đồ họa, kiến trúc, quản lý xây dựng, quản trị nhà hàng. Ngành kinh tế gia đình cũng được đổi thành kỹ thuật nữ công.
PGS.TS Lê Hoàng Nghiêm - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho biết phương án tuyển sinh của trường giữ ổn định như năm 2017 nhưng sẽ tuyển hai ngành mới. Đó là ngành quản lý tài nguyên khoáng sản và quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tuyển sinh các tổ hợp A, A1, B và D1.
Theo TS Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, trường sẽ có thêm chuyên ngành sư phạm tiếng Anh (bậc ĐH) tiểu học. “Ngành này có nhu cầu rất lớn, nhưng các năm trước danh mục mã ngành cấp 4 không có mã ngành cả bậc ĐH và CĐ.
Năm nay, quy định mã ngành mới chỉ có một mã ngành sư phạm tiếng Anh, nên trường chia ngành này thành ba chuyên ngành sư phạm tiếng Anh dành cho bậc THPT, THCS và tiểu học. Thí sinh sẽ được xét tuyển vào chuyên ngành ngay từ đầu, chứ không phải học một thời gian mới phân chuyên ngành” - ông Sơn cho biết.
“Bình mới, rượu cũ”
Theo danh mục mã ngành mới của Bộ
GD-ĐT, danh mục ngành đào tạo sẽ xuất hiện 105 ngành mới. Có những ngành, mã ngành và tên gọi mới hoàn toàn như du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, kiến trúc nội thất, tổ chức và quản lý y tế... trong khi có nhiều ngành mới khác chỉ là điều chỉnh tên ngành đã có trước đây.
TS Phạm Tấn Hạ cho biết từ năm 2018, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ chính thức được tuyển sinh với tên ngành du lịch.
Theo ông Hạ, những năm trước trường đã đề xuất tên gọi và mã ngành du lịch, nhưng vì chưa có mã ngành cấp 4 cho ngành này nên trường phải tuyển sinh với tên gọi quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
“Dù thay đổi tên gọi nhưng chương trình đào tạo của ngành này, các chuyên ngành vẫn như vậy, không có sự thay đổi. Sinh viên sẽ được đào tạo theo ba chuyên ngành: hướng dẫn du lịch, quản trị lữ hành và quản trị nhà hàng - khách sạn - resort” - ông Hạ nói thêm.
|
Minh Giảng/tuoitre.vn