Tiếng Việt | English

29/05/2023 - 09:33

Tuyển sinh đại học 2023: Nhiều cơ hội du học tại chỗ cho thí sinh

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai.


Giờ học của sinh viên chương trình Cử nhân quốc tế UWE Bristol - Phenikaa Campus, Đại học Phenikaa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài đang là xu hướng ngày càng phát triển của các trường đại học. Mùa tuyển sinh năm nay, bên cạnh thông tin tuyển sinh cho các chương trình của trường, các đại học cũng công bố nhiều chỉ tiêu cho các chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài.

Thêm lựa chọn cho thí sinh

Đại học Phenikaa tuyển 150 chỉ tiêu cho chương trình Cử nhân quốc tế UWE Bristol - Phenikaa Campus, liên kết đào tạo giữa đại học này và Đại học UWE Bristol (Vương quốc Anh), với 7 ngành học gồm Quản trị kinh doanh; Kinh doanh và Marketing; Quản trị sự kiện; Kế toán và Tài chính; Khoa học máy tính-Trí tuệ nhân tạo; Khoa học máy tính-Phát triển thiết bị thông minh; Công nghệ Thông tin. 

Theo nhà trường, chương trình học nguyên bản UWE Bristol theo đúng tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Anh kết hợp với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện chất lượng đào tạo của trường Đại học Phenikaa, nhằm mang đến cho sinh viên môi trường học tập chất lượng cao và sớm làm quen văn hóa đa quốc gia. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được chuẩn bị đầy đủ hành trang để trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Với lợi thế là đại học trong doanh nghiệp, Đại học Phenikaa cam kết 100% sinh viên được thực hành trong quá trình đào tạo và 100% được đơn vị này tuyển dụng sau khi ra trường nếu các em có nhu cầu.

Để ứng tuyển, thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS thấp nhất là 5,5. Thí sinh cũng có thể xét tuyển theo điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp với phỏng vấn.

Trong khi đó, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng công bố tuyển sinh năm 2023 cho 7 chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học tại Pháp, Anh, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Chương trình cử nhân quốc tế La Trobe-NEU phối hợp với Đại học La Trobe của Australia đào tạo chuyên ngành Tài chính và Quản lý. Chương trình Cử nhân Quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh liên kết với Đại học Dongseo, Hàn Quốc. Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU liên kết giữa Đại học Kinh tế quốc dân và các trường đại học Vương quốc Anh với 6 ngành đào tạo khác nhau. Chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Kinh doanh giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Waikato, New Zealand…

Các chương trình liên kết đào tạo đại học tại Việt Nam theo các quốc gia.

Với hệ thống nhiều trường đại học, viện thành viên, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện là đơn vị có số lượng chương trình liên kết đào tạo nhiều nhất cả nước với 78 chuyên ngành, liên kết với nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới, đào tạo từ cử nhân đến tiến sỹ.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, đa số các chương trình liên kết đào tạo do trường đối tác nước ngoài cấp bằng. Bằng cấp của sinh viên vì thế được công nhận quốc tế. Hình thức đào tạo có thể hoàn toàn tại trường trong nước hoặc sẽ kết hợp một phần đào tạo ở Việt Nam, một phần học trực tiếp tại trường đối tác. Lợi thế của loại hình đào tạo này là giúp người học tiết kiệm chi phí rất lớn so với việc đi du học trong khi vẫn được học theo chương trình nước ngoài, tăng khả năng ngoại ngữ, tiếp xúc với môi trường đa văn hóa và trải nghiệm quốc tế. Người học cũng không phải sống xa gia đình và giảm rủi ro khi phải thích nghi với môi trường sống hoàn toàn mới như khi du học.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai. Trong số này có 186 chương trình trong số đó do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép. 

Lựa chọn chương trình phù hợp

Tuy có nhiều lợi thế nhưng hầu hết chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiện vẫn có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn so với các chương trình đào tạo tương ứng tại các trường. Một trong những nguyên nhân quan trọng do chi phí đào tạo khá cao, lên đến hàng trăm triệu đồng cho cả khóa học.

Các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam chia theo nhóm ngành.

Nhằm gỡ khó cho người học và tăng sức hút cho chương trình đào tạo này, các trường đại học đã cung ứng các gói học bổng để hỗ trợ chi phí cho người học. Đơn cử, Đại học Phenikaa công bố nhiều chương trình học bổng để hỗ trợ tài chính cho sinh viên với mức hỗ trợ trị giá từ 51 triệu đến 255 triệu đồng, tương đương với từ 15% đến 75% học phí ba năm học chuyên ngành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trường dành Quỹ học bổng UK Experience trị giá đến 46,5 tỷ hỗ trợ chi phí cho 50 sinh viên xuất sắc nhất tham gia khóa học hè “Trải nghiệm Vương quốc Anh” nhằm tăng khả năng hội nhập quốc tế và cảm nhận đa văn hoá cho sinh viên.

Bên cạnh vấn đề học phí, điều khiến nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn khi lựa chọn các chương trình liên kết đào tạo là chất lượng của trường đối tác. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai có 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo QS Ranking và THE năm 2021).

Bà Thủy cho hay các chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam có sự đa dạng về các ngành, lĩnh vực cũng như đối tác. Vương quốc Anh đang là quốc gia dẫn đầu về các chương trình liên kết tại Việt Nam, với 101 chương trình, chiếm khoảng 25%. Các quốc gia xếp vị trí tiếp theo lần lượt là Mỹ với 59 chương trình, Pháp 53 chương trình, Australia 37 chương trình và Hàn Quốc 27 chương trình. Số chương trình giữa các đại học Việt Nam và các trường thuộc 5 nước gồm Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Australia, Hàn Quốc chiếm khoảng 70% tổng số chương trình liên kết đào tạo bậc đại học hiện tại ở Việt Nam.

Xét về nhóm ngành, tỷ lệ các chương trình đào tạo trong nhóm ngành kinh tế và quản lý vẫn chiếm đa số với 64% (trong đó 85/408 chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh). Các chương trình đào tạo trong nhóm ngành khoa học và công nghệ chiếm 25%; nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn chiếm 8%; các ngành khác (như y khoa, dược, luật) chỉ chiếm 3%.

Theo lãnh đạo các trường, khi lựa chọn các chương trình liên kết, thí sinh trước hết cần lựa chọn ngành, chuyên ngành phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích của bản thân, tìm hiểu kỹ về trường tại Việt Nam và trường đối tác đồng thời phải nắm rõ vấn đề học phí, các chi phí đi kèm trong quá trình học để cân đối với khả năng tài chính gia đình trước khi đăng ký./.

Phạm Mai/vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết