Các tiết học về an toàn giao thông tại lớp mầm non thường có dụng cụ học tập bắt mắt, sinh động để thu hút trẻ
Nỗ lực từ nhà trường
Trong tháng 9, các giờ học tại Trường Mẫu giáo An Lục Long (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) thường tích hợp thêm kiến thức về ATGT. Trong giờ học, hoạt động trải nghiệm,... các bé được học về giao thông, quy tắc an toàn khi tham gia giao thông: Gọi tên các loại xe, các loại biển báo, đèn tín hiệu giao thông,... Với dụng cụ học tập nhiều màu sắc, các bé chăm chú tham gia các hoạt động do cô hướng dẫn.
Trong giờ học của lớp lá 4, Trường Mẫu giáo An Lục Long, cô Nguyễn Thị Ngọc Thảo đặt mô hình lớn giữa lớp và hướng dẫn các bé gọi tên các phương tiện giao thông có trong mô hình, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông khi đang đi trên đường. Cô Thảo chia sẻ: “Tích hợp kiến thức về ATGT trong giờ học là việc làm thường xuyên, đặc biệt là trong tháng 9. Để thu hút các bé, tôi và đồng nghiệp làm dụng cụ học tập thật nhiều màu sắc, bắt mắt. Dụng cụ học tập được bổ sung, làm mới thường xuyên, vừa bảo đảm chất lượng, vừa tránh sự nhàm chán”.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Lục Long - Lê Thị Mỹ Hạnh, trong tháng 9 và tháng 10, chủ điểm giảng dạy tại trường là ATGT nên các khối lớp đều có nhiều tiết học, hoạt động trải nghiệm phù hợp. Cô Mỹ Hạnh cho biết: “Việc hướng dẫn các bé kiến thức về giao thông, quy tắc ATGT được triển khai ngay từ khối lớp mầm. Tùy vào độ tuổi, chương trình được thiết kế phù hợp. Ngoài ra, hàng năm, trường còn tổ chức Hội thi ATGT cùng các hoạt động: Thi vẽ tranh, đóng tiểu phẩm chủ đề ATGT,... để các bé có cơ hội vừa học, vừa chơi”.
Các bé lớp lá được cô hướng dẫn cách đội mũ bảo hiểm trong giờ hoạt động trải nghiệm tại trường
Trong giờ học trải nghiệm tại trường, các bé lớp lá được cô giáo hướng dẫn cách đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. Sau khi cô giáo thực hiện mẫu, mỗi bé tự thực hành. Chỉ sau hơn 1 phút, tất cả các bé đã cài xong quai mũ bảo hiểm của mình. Cô Mỹ Hạnh giải thích: “Ngày nay, phụ huynh rất quan tâm giáo dục ATGT cho trẻ. Đa phần mũ bảo hiểm sử dụng trong giờ học là nón cá nhân của các bé. Được gia đình hướng dẫn và thực hành mỗi ngày về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy nên hầu như bé nào cũng thành thạo thao tác cài quai”.
Phối hợp từ gia đình
Trên đường phố, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các em nhỏ đội mũ bảo hiểm khi được cha mẹ chở trên xe máy. Chị Hồ Thị Tuyết Anh (phường 6, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi có 2 con, độ tuổi 4 và 7. Từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi đã mua mũ bảo hiểm cho con nên bây giờ đã thành thói quen, lên xe máy là phải đội mũ bảo hiểm”. Theo chị Tuyết Anh, để khuyến khích con đội mũ bảo hiểm, chị để con tự chọn mua mẫu mã, kiểu dáng yêu thích. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn con tham gia giao thông an toàn, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. “Mỗi ngày, chở con trên xe máy, chúng tôi thường nói với con về các nguyên tắc khi chạy xe trên đường như gặp đèn đỏ phải dừng lại, qua đường phải chú ý quan sát, không được đi ngược chiều,... Cả nhà thường có những cuộc nói chuyện rất vui về chủ đề đó” - chị Tuyết Anh nói.
Nhà trường là nơi cung cấp cho trẻ các kiến thức về giao thông và an toàn giao thông
Cũng có con ở độ tuổi tiểu học và mẫu giáo, chị Trần Lê Bảo Khánh (phường 7, TP.Tân An) chú trọng dạy con ý thức khi tham gia giao thông, bắt đầu từ việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, dừng lại khi gặp đèn đỏ, qua đường trên vạch dành cho người đi bộ,... Chị Bảo Khánh chia sẻ: “Là công dân của thành phố văn minh, tôi mong muốn con mình lớn lên là một người có ý thức tốt. Chính vì vậy, tôi chú ý dạy con nhiều kỹ năng từ khi con còn nhỏ, đặc biệt là những kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông. Trẻ em như tờ giấy trắng, luôn ghi nhớ những gì nhìn thấy, nghe được. Để con luôn ghi nhớ và làm theo những điều tốt thì vợ chồng tôi nhắc nhở con mỗi ngày”.
Việc giáo dục ý thức cho trẻ khi tham gia giao thông là điều quan trọng, giúp trẻ sớm hình thành văn hóa giao thông an toàn, bảo đảm an toàn cho chính mình và người khác. Để làm được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường vì những lý thuyết học được từ trường, trẻ thường mang về nhà thảo luận và thực hành dưới sự giám sát của cha mẹ./.
Quế Lâm