Nhân viên y tế tư vấn tiêm chủng cho trẻ tại tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TTXVN)
Theo thông báo mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), vắcxin bại liệt tiêm (IPV) sẽ được đưa vào sử dụng trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ quý 3/2016.
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và thực hiện Chiến lược “Kết thúc và thanh toán bệnh bại liệt trong giai đoạn 2013-2018” của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam sẽ đưa vắcxin bất hoạt tiêm (IPV: Inactivated Polio Vaccine) vào tiêm chủng mở rộng từ quý III năm 2016 song song với việc sử dụng vắcxin bại liệt uống 2 týp (týp 1, týp 3 - bOPV) để thay thế vắcxin bại liệt uống 3 týp (tOPV) nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt.
Như vậy trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến bắt đầu từ tháng 5/2016, ngành y tế sẽ cho trẻ uống 3 liều vắcxin bOPV khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắcxin Quinvaxem và tiêm 01 liều vắcxin IPV khi trẻ được 5 tháng tuổi (bắt đầu từ tháng 9/2016).
Trường hợp trẻ đã uống 1, hoặc 2 hoặc 3 liều vắcxin bOPV từ tháng 5 đến tháng 9/2016 sẽ được tiêm bù 1 mũi vắcxin IPV để đảm bảo có miễn dịch đối với virus bại liệt týp 2.
Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do vi rút bại liệt (Poliovirus) gây ra. Bệnh thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh lây truyền từ người sang người do nhiễm phải virus bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang virus bại liệt. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh.
Hiện nay virus bại liệt hoang dại vẫn tiếp tục lưu hành ở một số nước khu vực Trung Đông, Nam Á và châu Phi như Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nigeria, Cameroon... và kể cả một số nước đã thanh toán bại liệt cũng đã ghi nhận có trường hợp mắc ca bệnh đơn lẻ do virus bại liệt hoang dại xâm nhập.
Chính vì vậy nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại và bùng phát thành dịch nếu như không triển khai tốt công tác tiêm chủng là rất lớn.
Tại Việt Nam, những năm trước khi có vắcxin đã xảy ra các vụ dịch bại liệt qui mô lớn vào năm 1957-1959, tỷ lệ mắc bệnh bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân.
Từ năm 1962 khi Việt Nam tự chế tạo thành công vắcxin bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV: Oral Polio Vaccine) bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận khỉ tiên phát do các chuyên gia của Liên Xô giúp đỡ, hỗ trợ thì tỷ lệ mắc, tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra.
Nhờ việc triển khai vắcxin bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong đó trên 95% trẻ em được uống vắcxin bại liệt, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2.000.
Gần 15 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp mắc liệt mềm cấp (LMC) và duy trì được tỷ lệ uống vắcxin OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc. Đồng thời để đảm bảo duy trì được tỷ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng, hàng năm Việt Nam đã chủ động rà soát vùng nguy cơ và tổ chức uống bổ sung vắcxin OPV cho trẻ dưới 5 tuổi vùng nguy cơ cao.
Việc sử dụng vắcxin bại liệt 3 týp (týp 1, týp 2, týp 3 - tOPV) tại Việt Nam đã đem lại thành tựu hết sức to lớn và quan trọng như trên.
Tại Việt Nam, vắcxin OPV đã được sử dụng trong suốt hơn 30 năm và kết quả cho thấy vắcxin tOPV là rất an toàn.
Trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vắcxin bị bại liệt do virus vắcxin tái độc lực, chủ yếu là thành phần virus bại liệt týp 2 trong vắcxin tOPV gây ra (với tỷ lệ là dưới 1 trường hợp trong số 10 triệu liều vắc xin được sử dụng).
Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào, tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần virus bại liệt týp 2 ra khỏi vắcxin tOPV./.
Thùy Giang/Vietnam+