Khi toàn tỉnh thiết lập cuộc sống “bình thường mới”, người dân bắt đầu buôn bán trở lại. Chiều muộn, bà Nguyễn Thị Phương (68 tuổi, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) bày ít rau ra bán. Số rau này bà hái được quanh nhà, gồm lá cách, rau muống, mồng tơi,...Bà nói, bán hết nhiêu đây được chừng 20.000 đồng. Do dịch bệnh, bà không thể đi hái rau như trước.
Ngồi bán cạnh bà Phương là chị Trần Thị Đức (31 tuổi, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành). Chị chia sẻ: “Bán lại được thì mừng, nhưng ít người mua lắm, tôi bán từ trưa tới giờ chỉ được vài chục ngàn. Mặc dù chúng tôi được phép bán trở lại nhưng người dân hạn chế tiếp xúc vì dịch bệnh nên khách mua hàng rất ít”.
Chị Trần Thị Đức bên gian hàng vẫn còn chưa bán hết
Mưu sinh giữa mùa dịch, những tài xế xe ôm cũng gặp khó khăn vì lượng khách ít. Ông Phạm Văn Cương (69 tuổi, tạm trú phường 7, TP.Tân An) có hơn 20 năm chạy xe Honda ôm. Đợi khách trên đường Hùng Vương lúc cuối giờ chiều, ông cho biết, cả ngày nay chỉ chạy được một cuốc xe cho khách quen với giá 50.000 đồng, trừ tiền xăng thì ông chỉ còn 20.000 đồng.
Ông Cương ở trọ, thất nghiệp mấy tháng nay, sống nhờ vào sự trợ cấp của địa phương, nhà hảo tâm. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát, ông quay trở lại với nghề chạy xe honda ôm nhưng không tránh khỏi lo lắng bởi tình trạng ế ẩm.
Lúc chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày ông Cương kiếm được khoảng 200.000 đồng, nay thì ông chỉ mong đủ 2 bữa cơm. Do mùa dịch này, nhu cầu đi lại của người dân rất ít nên thu nhập của ông cũng ít hơn nhiều so với trước.
Mưu sinh giữa nỗi lo dịch bệnh khiến người lao động tự do vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Nhưng được buôn bán, lao động trở lại đã là tín hiệu vui. Để bảo đảm an toàn cho mình và người khác, họ nhắc nhở nhau cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch./.
Thanh Ngân