Tiếng Việt | English

13/02/2018 - 11:50

Về quê đón tết

Tiết trời lành lạnh của những ngày cuối năm càng làm cho những ai xa nhà thêm nôn nao, mong ngóng tết. Trong thời khắc này, đến đâu cũng nghe nhiều người bàn chuyện mua vé tàu, xe về quê đón tết. Tết ở quê đầy đủ hương vị, ấm áp bên gia đình sau một năm xa cách.

Chị Nguyễn Thị Hiệp hướng dẫn khách mua quần áo tại cửa hàng

“Không về quê thì tết có gì vui!”

Chiều, trong phòng trọ nhỏ tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, chị Huỳnh Thị Mỹ Chi vội vã sắp xếp hành lý chuẩn bị về quê đón tết cùng gia đình. Chị Chi quê ở tỉnh Quảng Ngãi, vào Nam lập nghiệp 5 năm nay, 2 vợ chồng làm công nhân tại Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn.

“Đi máy bay thì tốn kém quá, giá vé tàu, xe lại tăng vào dịp tết nên chắt chiu mãi, vợ chồng tôi và hai đứa con mới dám về tết. Sống xa nhà, không có người thân, họ hàng nên tết đến, nếu ở lại như những năm trước, gia đình tôi chẳng biết đi đâu. Tết năm nay, vợ chồng tôi đặt mua vé xe từ sớm để về quê đón tết” - chị Chi chia sẻ.

Rời Nam Định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiệp vào Long An bán quần áo đến nay được 6 năm. Đắn đo mãi, tết năm nay, vợ chồng chị cùng hai đứa con nhỏ mới quyết định về quê đón tết cùng người thân.

“Hành trình về quê khá vất vả, cả nhà phải mua vé tàu từ trước. Đến 29 tết, cả nhà đóng cửa hàng quần áo, chuẩn bị lên TP.HCM để ra ga tàu. Nôn nao chờ đợi gần 30 tiếng, chúng tôi mới về đến TP.Nam Định, ai cũng thấm mệt nhưng được về quê là vui! Nếu không về quê thì tết có gì vui!” - chị Hiệp nói.

Nhắc đến đây, chị bùi ngùi nhớ lại những cuộc điện thoại của bố, mẹ ở quê, năm nào cũng mong con cháu về sum họp gia đình. Để có điều kiện về quê đón tết, vợ chồng chị phải tính toán, chi tiêu tiết kiệm. Trong câu chuyện kể, ánh mắt chị hiện lên niềm vui sướng khi tết này được về quê. Chị nhớ cái lạnh của những ngày tết mưa phùn lất phất, thèm cảm giác được ngồi nấu bánh chưng, ăn bát cơm nóng cùng gia đình. Đặc biệt, tết ở Nam Định có 2 lễ hội lớn mà mỗi lần có dịp về, chị cùng gia đình đều tham gia. Đó là tục đi chợ Viềng đêm mùng 7 và rạng sáng mùng 8 tết. Đây là chợ “mua may, bán rủi”, chỉ có một lần trong năm nên rất đông người dân, du khách đến tham quan, mua sắm với mong ước gặp nhiều may mắn. Ngoài ra, còn có Lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 15-20 tháng Giêng.

Tết đoàn viên

Trong quan niệm của người Việt, tết là dịp sum vầy, gia đình đoàn tụ. Ngày tết càng ý nghĩa hơn khi tất cả thành viên trong gia đình cùng thưởng thức bữa cơm tất niên sau một năm lao động vất vả. Tết năm nay, vợ chồng anh Trần Đình Long lại thực hiện được điều ước đơn giản ấy. Xa mảnh đất miền Trung đầy khắc nghiệt, vợ chồng anh làm mướn tại Cơ sở Hải sản Sang Duyên, thị xã Kiến Tường. Cũng vì mưu sinh, vợ chồng anh để lại đứa con trai lớn ở Quảng Nam cho ông bà chăm sóc, còn đứa con gái nhỏ theo ba mẹ vào Nam. Mỗi năm tết đến, dù chi phí tàu, xe đắt đỏ nhưng vợ chồng anh vẫn dành dụm để về quê.

Anh Trần Đình Long gấp rút làm việc để chuẩn bị về quê ăn tết

Anh tâm sự: “Sống ở Long An được 10 năm, cũng yêu mảnh đất này rồi! Nhưng, tết đến, mọi người ai cũng về quê, mình ở lại buồn lắm! Vợ chồng tôi cùng về quê để chúc tết ông bà, thăm người thân. Năm nay, ba mẹ hay tin con cháu về nên mổ heo gói nem, làm chả, nấu bánh tét,... Chúng tôi cứ thay nhau đi mừng tuổi từ mùng 1 đến mùng 3. Lâu lâu mới được về quê nên chủ cơ sở cho nghỉ đến rằm tháng Giêng mới trở vào làm việc”.

Tết không đơn thuần là kỳ nghỉ mà còn là thời khắc quan trọng của năm. Những người xa quê, dù ở đâu, làm gì vẫn nghĩ về quê hương, nhớ những cái tết sum vầy, rộn rã tiếng cười bên gia đình thân thương!

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết