Tiếng Việt | English

28/01/2020 - 15:00

Về Tân Chánh thăm làng nghề đóng ghe mũi đỏ

Thời vàng son của làng nghề đóng ghe mũi đỏ ở xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An giờ chỉ còn trong ký ức. Có chăng, vài người vì “nặng lòng” với nghề nên bám trụ đến tận hôm nay...

Tự hào làng nghề đóng ghe “đỏ mũi xanh lườn”

Men theo con đường nhỏ dọc tuyến đê bao sông Vàm Cỏ, chúng tôi tìm đến làng nghề đóng ghe, xuồng nức tiếng một thời tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước. Cơ sở đóng ghe Tấn Phát nằm cạnh dòng sông Vàm Cỏ là một trong những cơ sở cuối cùng ở địa bàn còn theo nghề của cha ông truyền lại. 

Ghe Cần Đước có mũi sơn màu đỏ tươi, lườn sơn màu xanh, mắt vẽ hai bên đầu mũi tròn xoe, tròng đen to choáng gần hết mắt. Ảnh: Mạnh Hảo

Trước đây, bên bờ sông Vàm Cỏ, đâu đâu cũng rộn lên tiếng búa, tiếng đục, tiếng cưa máy xen lẫn với tiếng máy ghe xuồng nổ giòn tan. Trên bờ, dưới bến ở đâu cũng có ghe, từ ghe lớn, ghe bé, loại ghe nào cũng có cả. Người dân ở đây cũng không ai biết chính xác ông tổ của nghề đóng ghe xuồng tại địa phương là ai, bởi cả trăm năm từ đời ông, cha truyền lại qua nhiều thế hệ. Kinh nghiệm đóng ghe “cha truyền, con nối” cho người thân trong gia đình và sau đó dạy thêm những người hàng xóm xung quanh. Dần dần, nghề đóng ghe, xuồng phát triển rộng ra cả vùng này. 

Ông Lê Văn Bi - thợ cả có kinh nghiệm hàng chục năm, chia sẻ: “Ghe Cần Đước nhìn không lẫn vào đâu được bởi nét đặc trưng có mũi sơn màu đỏ tươi, lườn sơn màu xanh, mắt vẽ hai bên đầu mũi tròn xoe, tròng đen to choáng gần hết mắt. Qua nhiều đời, người thợ tinh thông trong việc chọn gỗ, dùng thước “mắt” để uốn ván, ra mực rất chính xác, từ kích cỡ gỗ đến cấu hình cân đối, cao, dài, dày để cho ra trọng lượng chuyên chở”.

Gỗ đóng ghe thường là sao, sến, chò đỏ mủ, cà chất, loại gỗ căm xe dùng làm cong đà, mui ghe, nằm bên trong không mục. Về hình dáng, ghe Cần Đước nổi danh trong đó có nét mỹ thuật độc đáo là mũi và lái nhọn, cong vút, mặt sơn màu đỏ tươi, nhất là đôi mắt có “thần”, dân gian gọi là “đôi mắt đảo mèo” vừa hiền hòa lại vừa hào hiệp. 

“Dân khắp nơi đến đây đóng ghe rất nhiều, bởi họ tin vào tay nghề chúng tôi. Chủ ghe có bất kỳ yêu cầu gì cho phù hợp với nghề trên sông nước, chúng tôi đều làm được” - ông Nguyễn Thành Tâm - quản lý trại ghe Tấn Phát, tự hào.

Hoài niệm về một thời đã qua, người thợ chứng kiến thời vàng son với nghề như ông Trương Văn Én bùi ngùi nhớ về khoảng thời gian của mười năm về trước để giờ đây phải kịp thích ứng với những đổi thay. Nhưng với những người thợ cả, nghề này như con nước lúc này lúc khác, không thể thịnh mãi được. Và chính vào những lúc khó khăn, những người thợ già mới thấy được giá trị giữ nghề vượt qua dặm dài lận đận mà cha, ông họ từng trải qua.

Ảnh: Mạnh Hảo

Đếm quanh trại ghe có gần chục chiếc đang được sửa chữa. Phía bên đây sông, cũng có vài chiếc ghe cập bờ sửa chữa sau thời gian sống cùng sóng nước. Ông Én bảo rằng: “Như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi! Nhân cơ hội này, chúng tôi sẽ “cầm tay chỉ việc” cho các thanh niên trẻ nếu muốn theo nghề với từng công đoạn cụ thể để sau này thuần nghề nhanh hơn”. Những người thợ vẫn giữ trong mình khát khao truyền nghề và bám trụ với nghề, có những người thanh niên trẻ tiếp nối học lấy nghề tiên tổ để lại. Ai cũng thấy tự hào về ông cha với đôi tay tài hoa của người thợ đóng ghe.

Giữ nghề bằng hướng đi mới

Nhâm nhi ly trà nóng, ông Nguyễn Thành Sơn hồi tưởng lại một thuở vàng son của làng nghề đóng ghe, xuồng của gia đình nức tiếng gần xa. “Ngày trước, lúc còn nhỏ, tui đã lành nghề của cha mình rồi. Trong nhà lúc nào cũng đông thợ hì hục đục, đẽo làm ngày, làm đêm mà không kịp giao hàng cho người đặt mua. Trước những năm 2005, mỗi năm trung bình tôi bán được hơn 20 chiếc ghe đủ loại, còn năm 2005 về sau thì thưa dần” - ông Sơn nhớ lại.

Trong ký ức của ông Sơn, ngày đó, làng nghề có đến hàng chục cơ sở đóng ghe xuồng, từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng nghe tiếng cui, đục, tiếng xẻ gỗ, cưa ván. Còn nay chỉ còn vài gia đình bám nghề. Hiện nay, trung bình 1 năm đóng một vài chiếc ghe “đỏ mũi xanh lườn”, còn lại chủ yếu là sửa chữa, bảo trì ghe cho khách. Ông Sơn vì “nặng lòng” với nghề đóng ghe “đỏ mũi xanh lườn” mà thế hệ cha ông để lại nên vẫn không chuyển hướng.

Ảnh: Mạnh Hảo

Càng ngày, các phương tiện đường thủy được chế tạo từ nguyên liệu sắt, thép càng nhiều, nhất là phương tiện vận tải. Hơn nữa, gỗ nguyên khối lớn dùng để đóng ghe, tàu cỡ lớn càng khan hiếm, giá thành cao nên hiện nay, một vài chủ trại ở vùng Tân Chánh bỏ nghề đóng ghe gỗ, chuyển sang đóng sà lan, ghe sắt, tàu biển. Từ ngày chuyển sang đóng tàu sắt, các cơ sở như Tùng Sơn, Tư Thành “ăn nên làm ra”, sản phẩm bán đi nhiều tỉnh trong khu vực. Từ đóng tàu nhỏ, các cơ sở này nâng cao tay nghề đóng tàu chuyên nghiệp, bán trên dưới 1 tỉ đồng/chiếc.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chánh - Phạm Thanh Huyên cho biết: “Nhiều năm trước, làng nghề đóng ghe ở Tân Chánh rất sôi động, có đến hàng chục cơ sở hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay địa phương chỉ còn một vài cơ sở trụ lại với nghề. Một số cơ sở đã chuyển sang đóng sà lan, tàu sắt và tàu kéo. Việc bảo tồn nghề truyền thống đóng “ghe mũi đỏ Cần Đước” rất cần thiết trước nguy cơ có thể bị mai một”.

Dù ít nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển nhưng mỗi lần nhắc lại nghề đóng ghe mũi đỏ Tân Chánh, người dân nơi đây vẫn tự hào về một nghề truyền thống lâu đời, một nét văn hóa của miền hạ Cần Đước./.

Hồng Phi

Chia sẻ bài viết