Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống
Lạc Hồng…
(Huỳnh Văn Nghệ)
1. Nợ duyên với người “làng Đại học”…
Mong một lần về Bắc Ninh thăm quê hương quan họ; thăm đền thờ Lý Bát Đế- nơi thờ 8 vị vua triều Lý; thăm con sông Đuống trong thơ Hoàng Cầm;… Chờ mãi mà sắp bước qua ngưỡng “lục thập”, gần hết một đời người vẫn chưa có cơ hội để đi. Lần này, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật địa phương phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở trại sáng tác tại Tam Đảo (một thị trấn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), bạn hỏi: Đi không? Tất nhiên là đi rồi. Tam Đảo cách Bắc Ninh không xa, chỉ gần trăm cây số, 2 tiếng đi xe ô tô.
Thầy cũ của tôi - Vũ Đăng Diệp là người Bắc Ninh mà tôi rất quý. Thầy vào Nam công tác những năm cuối cùng của thập niên 70, dạy môn Toán, Vật Lý cho tôi năm lớp 7. Vậy mà, ký ức, ấn tượng về thầy mãi đến mấy mươi năm sau tôi vẫn không quên. Quê thầy ở xóm Lũy, xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - nơi một thời rầm rộ tiếng tăm trong giới truyền thông, tự hào với danh xưng “làng Đại học”.
Một ngày, một đêm vạ vật trên tàu hỏa; thêm 2 tiếng ngồi xe ô tô từ Hà Nội lên Tam Đảo. Nhận phòng, đặt chiếc ba lô xuống, tôi điện thoại ngay cho thầy:
- “Em ra Bắc, đang ở Tam Đảo. Nhờ thầy hướng dẫn em đường qua Bắc Ninh”.
- “Cho thầy địa chỉ chính xác để thầy qua đón”.
Trên đường đi, thầy hỏi tôi có muốn ghé thăm đâu không. Sực nhớ khát vọng ngày xưa cộng với gợi ý của bạn, tôi rụt rè: Dạ, nếu tiện đường, thầy cho em ghé thăm đền Đô (đền thờ Lý Bát Đế) và chùa Phật Tích.
Sáng hôm sau, thầy lại thuê xe, tiếp tục đưa tôi đi thăm vài di chỉ văn hóa mà thầy cho là quan trọng trên địa bàn Bắc Ninh: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Sĩ Nhiếp, lăng Kinh Dương Vương,... Kết thúc chuyến “hành trình di sản”, thầy chở tôi xuống Hà Nội. Tạm biệt, thầy dúi vào tay tôi món quà nhỏ và nói: Thầy gửi quà cho các cháu... Từ chối không được, tôi đành nhận. Chợt nhớ đến câu ca: Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình…
2. Văn hóa một vùng đất
Trong số khách mời cơm của thầy Vũ Đăng Diệp đêm ấy có anh Vũ Đăng Kháng. Anh Kháng gốc bộ đội, sau nghỉ hưu về làm cán bộ xã Mão Điền, nhiều năm giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Anh Kháng rất yêu, am hiểu và tự hào đối với những trầm tích văn hóa của Bắc Ninh. Anh kể tên vanh vách các đền, chùa, miếu trên địa bàn – những di tích văn hóa gắn với thành Luy Lâu xưa và Bắc Ninh nay.
Ảnh: Internet
Về Bắc Ninh, khám phá thêm một loạt di tích văn hóa - tâm linh thật thú vị. Đó là đền Đô - ngôi đền thiêng thờ bài vị 8 đời vua Lý như biểu tượng cho một thời cực thịnh, hùng cường của Đại Việt. Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt biểu trưng cho tinh thần bất khuất trước ngoại xâm. Hay lăng Kinh Dương Vương, dù tính huyền sử nặng hơn chính sử nhưng vẫn như một biểu tượng nhân văn về lòng biết ơn của cả dân tộc đối với Thủy Tổ cội nguồn.
Nếu ai vẫn chưa đủ tự tin để vượt qua cảm giác “hoang đường” khi đứng trước lăng Kinh Dương Vương chắc sẽ cảm thấy thuyết phục hơn khi đến thăm Đền thờ Sĩ Nhiếp.
Trải ngàn năm Bắc thuộc, những ông “toàn quyền” phương Bắc được cử sang cai trị Giao Châu chắc đa phần đều tham lam, độc ác. Vậy nhưng, đa số không phải là tất cả. Ngày nhỏ, tôi học Việt sử, vẫn được dạy: Trong 1.000 năm tăm tối ấy, có 3 viên Thái thú hiền đức, được người Giao Chỉ ghi ơn: Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp. Trong đó, Thái thú Sĩ Nhiếp có công lao xây dựng lại thành cổ Luy Lâu; giữ yên bờ cõi, biến Giao Châu thành một quốc gia gần như độc lập suốt thời Tam Quốc; công lao mang ánh sáng văn hóa (Hán): Lễ nghĩa, chữ viết,… đến với người dân bản địa là những điều được ghi rõ ràng trong chính sử, không thể phủ nhận.
Trước lúc tới thăm đền Sĩ Nhiếp, tôi được thầy Diệp cùng anh Kháng “bật mí” cho một thông tin thú vị: Nơi tương truyền là mộ Sĩ Nhiếp vẫn còn; đặc biệt, trên mộ không bao giờ mọc cỏ(?!). Ngạc nhiên xen lẫn tò mò, bước vào lăng, tôi háo hức hỏi đường đi ngay ra mộ. Thật, giữa đơn sơ 3 bức tường vây, mộ Sĩ Vương được đổ vun bằng thứ đất vàng nâu, lổn nhổn sạn ruồi, chỉ lưa thưa vài ba cây cỏ lá mềm mới mọc…
3.Cổ xưa Phật tích
Gọi “Phật tích” không phải để chỉ riêng ngôi chùa Phật Tích, cho dù chỉ riêng ngôi chùa ấy (tọa lạc trên núi Lạn Kha thuộc địa phận xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) với pho tượng phật A Di Đà cao 27m, đã đủ là niềm tự hào cho người Bắc Ninh. Ngoài chùa Phật Tích, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn hiện diện rất dày một hệ thống chùa chiền - những di chỉ văn hóa tâm linh thuộc hàng độc đáo và cổ xưa nhất nước.
Chùa Bút Tháp - ngôi chùa cổ còn tương đối nguyên vẹn nhất sau chiến tranh với tháp đá Bảo Nghiêm cao 13,05m, sừng sững như cây bút khổng lồ hướng thẳng trời xanh; với tượng Phật bà Quán Âm nghìn mắt, nghìn tay (thiên thủ thiên nhãn) phiên bản cổ nhất được xếp bảo vật quốc gia.
Vậy nhưng, độc đáo nhất phải kể đến chùa Dâu – một ngôi chùa cổ, nơi đặt nền móng cho Phật giáo Việt Nam được trực tiếp truyền thừa từ Ấn Độ chứ không qua ngả Trung Hoa. Tương truyền, chùa Dâu do Sĩ Nhiếp xây dựng lần đầu khoảng thế kỷ thứ II (sau Công nguyên) và sau này, nhiều lần được trùng tu.
Cùng với một hệ thống chùa “vệ tinh” từng được xây dựng gần như cùng thời trên đất cổ Luy Lâu (chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Đàn và chùa Tổ), chùa Dâu không chỉ thờ Phật mà còn thờ Tứ Pháp - tín ngưỡng độc đáo chỉ riêng hệ thống chùa Dâu mới có.
Tứ Pháp hiện thân bằng 4 vị thần: Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần sấm sét) và Pháp Điện (thần chớp) do Phật Mẫu Man Nương sinh ra, dường như chính là biểu tượng kết hợp độc đáo giữa tư tưởng Phật giáo Ấn Độ truyền sang đã hòa quyện, giao thoa với tín ngưỡng (thờ Mẫu) của cộng đồng cư dân Việt cổ bản địa, sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước.
Ngoài ra, kiến trúc của chùa (được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thừa lệnh vua Trần Anh Tông xây dựng lại khoảng thế kỉ XIV) cũng thuộc hàng độc đáo với “nhà trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp”.
Ngày nay, cầu chín nhịp không còn do sông trước mặt chùa đã bị bồi lấp nhưng ngọn “tháp chín tầng” tên gọi Hòa Phong (dẫu đã bị đổ 6 tầng chỉ còn sót 3) vẫn sừng sững vút cao như một tòa nhà 3 tầng (17m) trước sân chùa, uy nghi vững chãi thế đứng nghìn năm. Nội điện, tam quan cùng các gian phụ bên trong chùa cũng được phục dựng theo kiến trúc trăm gian thời Mạc Đĩnh Chi khá tinh xảo, công phu.
Tôi rời Bắc Ninh xuôi Hà Nội. Chia tay mà lòng luyến tiếc khi còn chưa kịp ghé qua làng tranh Đông Hồ; chưa xem pho tượng rồng độc đáo “miệng ngoạm thân, chân xé mình” nói về oan khuất của Trạng khai khoa Lê Văn Thịnh thời Lý; chưa thăm khu di tích Lệ Chi Viên - nơi diễn ra vụ án oan vào hàng “kinh thiên động địa” như một vết nhơ muôn đời không thể rửa của triều Lê sơ. Chợt nhớ: Về Bắc Ninh lần này vẫn chưa được nghe làn điệu dân ca quan họ do chính người Bắc Ninh hát trên quê hương Kinh Bắc.
Bắc Ninh, nhất định sẽ có ngày trở lại!./.
Y.N