Xã hội hóa công tác bảo tồn
Hiện toàn tỉnh có 125 DTLS - văn hóa, trong đó, có 21 di tích cấp quốc gia, 104 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2017, các di tích từng bước được UBND tỉnh bàn giao về UBND cấp huyện quản lý. Hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý 3 di tích, 1 công trình văn hóa; UBND cấp huyện quản lý 122 di tích, 2 công trình văn hóa.
Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ (huyện Bến Lức) được đầu tư xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác tu bổ, tôn tạo, chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị di tích được các địa phương quan tâm. Đa số các di tích được quản lý, khai thác, phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống và tham quan du lịch. Nhiều di tích được trùng tu, phục hồi, tôn tạo bằng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia chống xuống cấp di tích như Khu DTLS Ngã tư Đức Hòa, Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm,... Đặc biệt, một số địa phương chủ động làm tốt công tác xã hội hóa, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong việc trùng tu di tích. Một số di tích tiêu biểu trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc thu hút người dân đến tham quan, nghiên cứu nhân các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của địa phương.
Tại huyện Bến Lức, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DTLS luôn được đẩy mạnh. Đến nay, huyện có 10 DTLS cách mạng, gồm: 2 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh đã được xây dựng, trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 38 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Trong đó, việc xây dựng công trình phụ tại Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, sửa chữa DTLS Đình Mương Trám, phục dựng DTLS Nhà Long Hiệp, mở rộng Di tích Xóm Nghề,... được sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa. Bên cạnh đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo các DTLS, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các DTLS bằng nhiều hình thức: Loa truyền thanh, hội nghị, tập huấn, hội thi tìm hiểu về lịch sử - văn hóa,...
Di tích lịch sử Rừng tràm Bà Vụ (huyện Bến Lức) trưng bày nhiều hiện vật
Thông tin từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bến Lức, huyện đang tập trung đầu tư xây dựng và định hướng phát triển du lịch tại các khu di tích. Một số di tích trên địa bàn huyện bước đầu gắn kết với hoạt động du lịch, phát huy giá trị truyền thống qua lễ hội tại các di tích để thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, 2 điểm đến quan trọng và nổi bật nhất huyện Bến Lức là Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Di tích Xóm Nghề. Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ là điểm đến được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh lựa chọn khi đến thăm hoặc có dịp đi ngang huyện Bến Lức. Di tích Xóm Nghề hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách trong dịp lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Riêng DTLS Rừng Tràm Bà Vụ vừa được tỉnh đầu tư xây dựng hoàn tất cũng bắt đầu có du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Di tích lịch sử Nhà Long Hiệp được UBND huyện Bến Lức đầu tư tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa
Kết hợp phát triển du lịch
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thành Thanh cho biết: “Các DTLS tại tỉnh khá phong phú, được xem là nguồn tài nguyên cho việc phát triển du lịch. Vì vậy, việc phát triển du lịch có thể gắn với khai thác tài nguyên từ các di sản văn hóa, DTLS ở địa phương. Thông qua hoạt động du lịch, các giá trị văn hóa được phát huy hiệu quả, giúp bạn bè, du khách trong và ngoài nước có thể hiểu rõ, kế thừa và phát huy giá trị di tích, di sản một cách hiệu quả nhất”.
Huyện Tân Trụ là một trong những địa phương đang nỗ lực phát triển du lịch từ các khu DTLS. Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung thông tin: “Xác định du lịch là một trong những bước đột phá cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế, vì vậy, huyện đang tập trung kêu gọi đầu tư cho du lịch, trong đó, có du lịch bán sinh thái, tâm linh dựa vào các khu di tích: Vàm Nhựt Tảo, Miễu Ông Bần Quỳ, Đình Tân Phước Tây”.
Người dân tham quan phòng trưng bày Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo
Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo là điểm đến của nhiều tour du lịch về Long An cả đường thủy và đường bộ. Phát huy thế mạnh đó, huyện đang có kế hoạch mở tour du lịch Tân Trụ quê hương em, đưa các làng nghề thu nhỏ vào khu di tích như dệt chiếu, làm bánh in,... Theo đó, huyện đầu tư kinh phí trang bị công cụ, nguyên, vật liệu cho du khách tham quan, tìm hiểu và có thể trải nghiệm làm thử khi có nhu cầu.
Thông tin từ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Trụ, hướng dẫn viên tour du lịch Tân Trụ quê hương em là tình nguyện viên học sinh được đào tạo cơ bản. Họ sẽ trực tiếp hướng dẫn du khách thao tác dệt chiếu hoặc làm bánh in. Khi du khách muốn tự tay làm bánh, nguyên, vật liệu được cung cấp theo số lượng yêu cầu. Dự kiến tour chính thức đưa vào hoạt động trong tháng 7/2023.
Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo là địa điểm thu hút du khách tại huyện Tân Trụ
Ngoài Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, huyện Tân Trụ còn dự kiến phát triển du lịch tại Khu DTLS Miễu Ông Bần Quỳ. Sau khi công trình xử lý sạt lở, bảo vệ khu di tích hoàn thành, Miễu Ông Bần Quỳ trở thành địa điểm có không gian thoáng, mát cùng bờ kè dọc bờ sông khá nên thơ có thể khai thác thành điểm đến nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch tại đây, cần đầu tư thêm bến tàu nhằm kết nối một số địa điểm du lịch khác như Happyland, Vàm Nhựt Tảo.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các DTLS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do kinh phí bố trí cho các hoạt động bảo tồn và phát triển giá trị của di tích còn thấp, không đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra, một vài di tích sau khi phân cấp quản lý bị xuống cấp, chưa được trùng tu kịp thời. Các công trình phục dựng tại DTLS Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Khu DTLS Cách mạng tỉnh hiện hư hỏng, chưa được khôi phục, sửa chữa. Một số di tích gần như không còn các yếu tố gốc như khu vực Ngã ba Tân Lân, Đám lá tối trời,... Đặc biệt, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các DTLS cách mạng.
Sau khi công trình xử lý sạt lở, bảo vệ khu di tích hoàn thành, Miễu Ông Bần Quỳ có khu vực bờ kè nên thơ, nhiều tiềm năng phát triển du lịch (ảnh: Anh Quốc)
Việc đẩy mạnh trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị, khai thác tiềm năng du lịch của các khu di tích cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.
Sau cuộc khảo sát công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh có đề xuất UBND tỉnh một số nội dung: Rà soát lại kinh phí, có lộ trình đầu tư các di tích lịch sử - văn hóa cho phù hợp theo hướng tập trung vào công tác bảo tồn, phát huy, phục dựng các di tích gốc; xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, xây dựng chính sách thu hút, kêu gọi nguồn đầu tư, đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân,... |
Quế Lâm