Tiếng Việt | English

07/01/2023 - 10:10

Về thăm rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam

Rạp hát thầy Năm Tú (tọa lạc tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam. Năm 1918, rạp chính thức hoạt động và vang tiếng xa, gần.

Rạp hát trăm năm tuổi

Rạp hát thầy Năm Tú được hình thành bởi tâm huyết của thầy Năm Tú hay còn gọi là Pierre Tú. Pierre Tú người làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông tên là Châu Văn Tú, có quốc tịch Pháp, không chỉ là công tử giàu sang, rất giỏi trong việc làm ăn mà còn say mê nghệ thuật đờn ca tài tử, là người góp công lớn vào việc hình thành nghệ thuật cải lương.

Được xây dựng cách đây hơn 100 năm nhưng rạp hát Thầy Năm Tú có sân khấu cao, 2 bên sân khấu có nhiều lớp cánh gà

Vì mơ ước có thể “nâng” nghệ thuật đờn ca tài tử lên một tầm cao mới, công tử Pierre Tú đã mua lại gánh xiếc và ca ra bộ An Nam Trẻ, đổi tên thành gánh hát Thầy Năm Tú, tuyển thêm đào, kép, thuê họa sĩ vẽ tranh phong cảnh để làm phông nền, phỏng theo lối trang trí của các rạp hát Tây ở Sài Gòn và mua sắm y phục đẹp cho đào, kép. Thầy Năm Tú còn mời cả người soạn tuồng cho gánh hát của mình. Trương Duy Toản được xem là soạn giả hữu danh đầu tiên của cải lương Việt Nam, soạn các vở: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều,... được biểu diễn tại rạp Thầy Năm Tú.

Các gánh hát xưa thường sống trên ghe “rày đây mai đó”, hát ở đình, miếu hoặc dựng tạm bợ. Hát xong, gánh hát dọn đi nơi khác thì sân khấu cũng được dẹp bỏ. Thầy Năm Tú là người khai sinh rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam. Rạp hát Thầy Năm Tú có không gian rộng, sân khấu cao. Rạp có 2 tầng, ghế được chia theo thứ hạng. Hai bên sân khấu có nhiều lớp cánh gà, có ròng rọc để thay đổi phông màn và có hệ thống ánh sáng theo điều khiển của thầy đờn.

Vào thời điểm đó, rạp hát Thầy Năm Tú được đánh giá là bài bản và hiện đại bậc nhất Nam kỳ lục tỉnh. Rạp hát chính thức ra mắt vở hát đầu tiên vào năm 1918 và nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới mộ điệu và “Lẽ dĩ nhiên là tuồng hát và ban hát của thầy Năm Tú được vô đĩa hết”(*), đĩa hát của Hãng Pathé Phono, một hãng đĩa nổi tiếng nhất, nhì cả nước lúc bấy giờ.

Lại sáng đèn

Sau đó, vì lý do riêng, thầy Năm Tú bán lại rạp hát cho người khác, qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thay đổi công năng, đến khoảng năm 1995, rạp hát Thầy Năm Tú chính thức đóng cửa. Về sau, rạp hát Thầy Năm Tú được UBND tỉnh Tiền Giang trùng tu, sửa chữa trên nền tảng cũ và công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Sau hơn 100 năm, rạp hát Thầy Năm Tú đã nhuốm màu thời gian, không còn là kiến trúc nổi bật như ngày trước nhưng sinh khí đã dần trở lại với sự nỗ lực của những trái tim tâm huyết. Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử rạp hát Thầy Năm Tú, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang thường xuyên tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử tại rạp hát. Từ năm 2017, chương trình Dạ khúc tri âm được Trung tâm tổ chức định kỳ 3 tháng 1 lần tại rạp nhằm “thắp sáng đèn” và giúp người dân biết về rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Định kỳ 3 tháng 1 lần, rạp hát Thầy Năm Tú lại sáng đèn

Có mặt tại rạp trong một đêm diễn của chương trình Dạ khúc tri âm, chúng tôi thấy rạp hát xưa đang hòa nhịp vào cuộc sống hiện đại một cách dung dị. Đèn trước và trong rạp thắp sáng một góc đường, dưới những poster giới thiệu về chương trình là bãi xe nhỏ, tự phát phục vụ khách đến xem biểu diễn. Bảo vệ vui vẻ hướng dẫn khách một cách tận tình, việc giữ xe cũng hoàn toàn miễn phí. Trong các đêm diễn của chương trình Dạ khúc tri âm, khán giả yêu thích cải lương chỉ cần đến rạp và chọn cho mình chỗ ngồi ưng ý và thưởng thức chương trình.

Từ xã Tân Mỹ Chánh (TP.Mỹ Tho), bà Nguyễn Thị Kim Loan cùng con trai đạp xe đạp lên phường 1 để xem chương trình Dạ khúc tri âm. Giọng vui vẻ, bà Kim Loan chia sẻ: “Tôi mê cải lương lắm! Hồi còn trẻ, tôi bán bánh mì trước rạp hát này nên biết rõ. Mấy chục năm mới được xem hát ở đây. Cứ tháng nào có chương trình, thấy thông báo là tôi tới coi. Được coi trực tiếp vui hơn coi trên tivi nhiều”.

Chị Hương (phường 6, TP.Mỹ Tho) đưa 2 con đến xem đêm diễn Dạ khúc tri âm để các con biết về nghệ thuật cải lương cũng như rạp cải lương hơn 100 năm tuổi ở quê mình. Chị Hương nói: “Tôi không muốn con suốt ngày chỉ giải trí bằng điện thoại nên hôm nay đưa tới đây xem cải lương. Tôi muốn con biết về quê hương mình. Hai con tôi cũng tỏ ra hứng thú lắm! Nghe nói được đi xem cải lương là nôn nao từ mấy hôm trước”.

Không còn là rạp hát trứ danh như trước nhưng với bao lớp nghệ sĩ cải lương, bao người dân vùng đất Mỹ Tho, rạp hát Thầy Năm Tú vẫn là một địa điểm thiêng liêng đầy kỷ niệm. Để quảng bá cũng như phát huy giá trị của rạp hát Thầy Năm Tú, ngành Văn hóa tỉnh Tiền Giang có nhiều dự định trong năm mới.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang - Lê Thanh Lan cho biết: Năm 2023, ngoài câu lạc bộ đờn ca tài tử, Trung tâm sẽ cân nhắc đưa các lớp năng khiếu khác về sinh hoạt tại rạp hát Thầy Năm Tú. Ý tưởng về một liên hoan đờn ca tài tử, chập cải lương các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng đang được hình thành. Ngoài ra, Ban Giám đốc Trung tâm còn dự định kết nối với Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) tổ chức các chương trình tại rạp hát Thầy Năm Tú./.

Quế Lâm

--------------------------------------------

(*): Trích lời nhà văn Bình Nguyên Lộc trong bài viết Rạp Thầy Năm Tú và vở diễn đầu tiên của tác giả Vân Trường

Chia sẻ bài viết